Đề xuất tăng tỷ lệ đóng với người thứ 2 mua bảo hiểm y tế hộ gia đình

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Đề xuất mới, thân nhân người lao động được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bằng ngân sách nhà nước, điều chỉnh hỗ trợ nhiều nhóm tham gia BHYT, thay đổi mức đóng đối với BHYT hộ gia đình…

Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 đang được Bộ y tế gửi lấy ý kiến các Bộ, ban ngành có nhiều điểm mới trong quy định về chính sách, đối tượng và chế độ hỗ trợ.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong 5 nhóm đối tượng được liệt kê, dự thảo chuyển đối tượng "người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng" hiện do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng sang ngân sách nhà nước đóng để phù hợp với pháp luật lao động hiện hành. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT là "thân nhân của người lao động", như: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật. 

Về nhóm tự đóng BHYT, dự thảo bổ sung đối tượng người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, trừ đối tượng đã quy định tại các khoản điều đã được nêu ở các điểm trong dự thảo. 

Về BHYT hộ gia đình, một điểm mới của dự thảo là bỏ quy định tất cả các thành viên trong gia đình phải tham gia BHYT. Đồng thời, đề xuất mới đã thay đổi mức giảm trừ mức đóng với thành viên thứ 2 trở đi của hộ gia đình tham gia BHYT.

Cụ thể, quy định nêu: "Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất". Dự thảo đề xuất sửa thành: "Từ người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất". 

Về tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng BHYT, dự thảo đã gộp quy định cho nhóm lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và nhóm lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thành một nội dung chung.

Theo đó, "đối với người lao động thuộc đối tượng làm công hưởng lương, căn cứ để đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật BHXH".

Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất quy định khuyến khích người tham gia BHYT đóng trước 3 năm với quyền lợi ưu đãi, cụ thể: "Khuyến khích một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đóng trước tiền tham gia bảo hiểm y tế tối đa 3 năm. Khi mệnh giá thẻ BHYT thay đổi, người đã nộp tiền không phải nộp thêm hoặc nhận lại; không được rút tiền đã đóng BHYT".