Đề xuất nhiều quy định mới về kỷ luật công chức, viên chức

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Đề xuất nhiều quy định mới về kỷ luật công chức, viên chức - 1

Ảnh minh họa.

Về áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ và công chức, dự thảo quy định: "Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính, trừ trường hợp thuộc một trong các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định".

So với quy định cũ, dự thảo đã bổ sung "trừ trường hợp thuộc một trong các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định này" để bảo đảm logic. Thực tế có phát sinh vướng mắc khi đã có quyết định xử lý kỷ luật đảng nhưng trong thời gian chưa có quyết định xử lý kỷ luật hành chính lại thuộc một trong các trường hợp chưa xử lý kỷ luật chính quyền.

Dự thảo cũng bổ sung quy định: "Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức, viên chức hiện đang đảm nhiệm".

Việc quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm ở cơ quan cũ khi sang cơ quan mới mới phát hiện ra thì cơ quan mới (cấp có thẩm quyền quản lý) ra quyết định xử lý kỷ luật.

Điều này nhằm giải quyết vướng mắc trên thực tế, theo đó quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tương xứng với thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, đảm bảo tính khách quan trong xử lý kỷ luật, dự thảo nêu rõ: "Không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm".

Mục đích của quy định để phù hợp với nguyên tắc không cử người có liên quan là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.

Trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

Dự thảo quy định, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường người có hành vi vi phạm yêu cầu được xem xét xử lý kỷ luật".

So với quy định cũ, việc bổ sung "trừ trường hợp theo yêu cầu của người bị xử lý kỷ luật" nhằm giải quyết trường hợp người sinh con thứ 3 muốn thực hiện việc xử lý kỷ luật ngay vì liên quan đến thời hạn 12 tháng sau khi có quyết định xử lý kỷ luật.