Công nhân chọn làm 8 tiếng, lương 9 triệu hay 10 giờ/ngày để nhận 12 triệu?

Thái Anh

(Dân trí) - Tự đặt ra phép so sánh, nữ công nhân may Nguyễn Thị Tiến chọn về muộn hơn một chút nhưng mức thu nhập có thêm được 3-4 triệu đồng/tháng…

Công nhân chọn làm 8 tiếng, lương 9 triệu hay 10 giờ/ngày để nhận 12 triệu? - 1

Không chỉ là vấn đề thu nhập, mỗi người lao động có lựa chọn khác nhau về việc làm thêm giờ tùy hoàn cảnh cá nhân.

"Có thêm tiền, ai cũng thích cả"

Khoảng 18h30, trời đã tối sập, Nguyễn Thị Thương kết thúc ngày làm việc, rời xưởng may, lấy xe ra về. Hôm nay cô làm tăng ca, thêm 1,5 giờ sau khi hết ca làm chính. Gần 10 năm làm công nhân tại Xí nghiệp sơ mi Hà Nội, Tổng Công ty May 10 (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), Thương và các chị em cùng làm đã quá quen với việc tăng ca.

Nhưng thông thường, thời gian làm thêm chỉ khoảng 1 giờ/ngày, tức ngày lao động kéo dài từ 8 lên 9 giờ. Còn đợt này, công ty có đơn hàng gấp, tiến độ đang cấp bách vì từ tháng 2 tới nay, xí nghiệp có quá nhiều người lao động trở thành F0, nghỉ hàng loạt, giờ phải làm bù. Thương cũng như các đồng nghiệp cùng dây chuyền đã thống nhất cùng làm thêm 2 giờ/ngày, khoảng 1 tuần từ nay đến hết tháng 3 để chạy kịp lô hàng.

Trong 2 tiếng làm thêm cuối ngày đó, Thương nhận mức lương cao gấp rưỡi (150%) so với lương cho 8 giờ làm chính thức trong ngày. Ngoài ra, cô cũng có thêm khoản phụ cấp, thưởng định mức, được thêm một bữa ăn ca, bữa phụ… trong ngày. 

"Trung bình lương mỗi tháng của tôi được hơn 9 triệu đồng. Tháng nào làm thêm khoảng 1 tuần, mỗi ngày 1-2 tiếng thì thu nhập tháng lên được mức 12-12,5 triệu đồng. Thực tế, tôi còn khá trẻ, không ngại chuyện làm tăng ca, vừa là cống hiến cho công ty, nơi mình gắn bó, vừa cũng có thêm thu nhập để chăm lo cho con cái. Mỗi ngày làm kéo dài thêm một chút như vậy cũng thuận lợi, không đến mức căng, mệt" - Thương chia sẻ.

Nói về đề xuất nới "trần" giờ làm thêm tháng từ mức 40 giờ lên 72 giờ đang được đưa ra xem xét, Thương nhắc lại, lâu nay, mỗi khi có đợt hàng gấp, công ty huy động làm thêm, hầu hết người lao động tại xí nghiệp đều sẵn sàng nên giờ có làm thêm cả tháng, mỗi ngày thêm 2 tiếng cũng được.

Cô giải thích, làm thêm thì có thêm thu nhập, "có thêm tiền, ai cũng thích cả". Cô ước tính, nếu làm thêm 72 giờ/tháng thì thu nhập của cô có thể đạt mức 13-14 triệu đồng. Như thế, cuộc sống và sinh hoạt gia đình chắc sẽ ổn hơn.

"Dịch giã suốt như này, nghỉ làm sớm. Tầm 5h chiều về thì cũng đi đâu được, biết làm gì. Tôi tính cố lên chút, làm thêm để có thêm tiền tích lũy, lo cho các con thì hữu ích hơn. Tôi thấy sức khỏe vẫn có thể đáp ứng được mức làm như thế" - Thương nhẩm tính.

Tuy nhiên, cô cũng tự nhận bản thân có hoàn cảnh gia đình, điều kiện thuận lợi khi ở cùng bố mẹ chồng, có ông bà đỡ đần cho việc chăm 2 con nhỏ, một bé 3 tuổi, một 6 tuổi. Nhờ đó, vợ chồng cô rảnh rang, có thể yên tâm làm đến 18-19h tối về cũng được, vừa giờ cơm tối, xong rồi nghỉ ngơi.

Công nhân chọn làm 8 tiếng, lương 9 triệu hay 10 giờ/ngày để nhận 12 triệu? - 2

Có những thời điểm từ tháng 2/2022, Xí nghiệp sơ mi Hà Nội, TCty May 10 vắng đến 60% công nhân vì "dính" F0.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tiến (SN 1992, làm cùng chỗ với Thương đã 8 năm) nêu quan điểm, so với việc nhận 8-9 triệu đồng/tháng để làm ngày 8 tiếng, về đúng 17h chiều với việc làm thêm 1-1,5 tiếng/ngày, về muộn hơn, để thu nhập thêm được 3-4 triệu đồng/tháng, chị chọn làm thêm.

Cũng có gia đình hỗ trợ, hàng ngày đi làm về chị Tiến cũng chỉ việc ăn uống, tắm giặt, chơi với con nên với chị, "tan làm sớm thì về nhà cũng chơi, tiếc thời gian, thà làm dấn thêm một chút thì có thêm thu nhập, tốt hơn".

Lựa chọn của chị Phạm Thu Phượng, đã ngoài 40 tuổi, thì lại khác. Tự nhận bản thân đã lớn tuổi, không như các em trẻ, chị khá cân nhắc mỗi đợt công ty huy động làm tăng ca, dù đều được trao đổi rõ ràng về thù lao, chế độ đãi ngộ, cũng hiểu tiền lương làm ngoài giờ tính khác, tốt hơn hẳn tiền làm trong 8 giờ chính thức mỗi ngày.

Lâu nay vẫn nhận làm tăng ca thường xuyên nhưng chị Phượng chỉ chọn mức làm thêm 1 tiếng, từ 17-18h chiều.

Chị Phượng giải thích: "Vì việc làm thêm là trên cơ sở tự nguyện, có thỏa thuận nên tôi không ngại. Còn về sức khỏe thì giờ tôi vẫn tiếp tục làm thêm 1 giờ mỗi ngày, khi nào lớn tuổi hơn, thấy mệt thì tôi thôi. Nếu giờ tăng thời gian làm lên 2-3 tiếng/ngày, tôi cũng sẽ cân nhắc, nghe ngóng sức khỏe đã, ổn tôi mới làm. Tôi nghĩ mức làm như thế, nếu chỉ kéo dài trong khoảng 1 tuần thì được chứ cả tháng ngày nào cũng thế thì người có tuổi như tôi sợ cũng không theo kịp".

"Không lạ gì những đợt làm 10 giờ/ngày"

Ở một hoàn cảnh khác, chị Trần Thị Lan (SN 1986, quê Quảng Bình, đã có nhiều năm thuê trọ khi ra Hà Nội làm công nhân), thứ tác động đến lựa chọn công việc chính là áp lực cơm áo. Chị có 3 con nhỏ: Cháu lớn 10 tuổi, 2 bé sinh đôi 2,5 tuổi. Quê ở xa, chị không có người thân hỗ trợ, lại phải thuê nhà, số tiền cần kiếm để lo đủ sinh hoạt gia đình ngày càng đòi hỏi nhiều hơn.

Năm trước, khi con còn nhỏ, phải gửi người trông giữ, chị Lan cũng ít khi nhận tăng ca, nếu có cũng chỉ làm thêm 1 tiếng, đến 18h phải đi đón con. Năm nay, các con cứng cáp hơn, chị để 3 anh em ở nhà trông nhau, sẵn sàng và mong muốn làm thêm đều đặn với mức 1,5-2 tiếng/ngày để kiếm thêm thu nhập .

"Dù con nhỏ, tôi cũng vẫn cố gắng sắp xếp việc nhà để làm thêm vì đó là thời gian được trả lương tốt hơn giờ làm bình thường. Thời điểm hiện tại tôi thấy sức khỏe vẫn ổn, chắc vẫn cố gắng được. Thêm được thu nhập thì tốt chứ bao năm qua, vợ chồng kiếm chỉ vừa đủ tiêu, không có tích lũy" - chị Lan giải thích thêm về sự lựa chọn.

Công nhân chọn làm 8 tiếng, lương 9 triệu hay 10 giờ/ngày để nhận 12 triệu? - 3

Công nhân lò nung Nguyễn Như Tiến cho biết, những tháng làm thêm đủ 40 giờ, thu nhập của anh đạt mức 15 triệu đồng.

Tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, nơi từng là "điểm nóng" Covid-19, cả huyện phải phong tỏa, công nhân lò nung Cty gạch ốp lát Catalan Nguyễn Như Tiến kể lại chuyện bản thân  và vợ con, toàn bộ gia đình lần lượt trở thành F0, phải nghỉ việc, cách ly trong thời gian kéo dài. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty chịu không ít khó khăn, điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình anh Tiến cũng eo hẹp nhiều.

Sau Tết, vào cao điểm mùa vụ (từ tháng 2-4 hàng năm), công ty huy động công nhân làm thêm 2 giờ/ngày, anh Tiến mừng lắm, vì sẽ có thêm thu nhập để bù lại thời gian khó khăn, phải nghỉ việc. Gắn bó với công việc tại đây đã 8 năm, mức lương của anh Tiến hiện từ khoảng 11-12 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm đủ 40 giờ/tháng như quy định hiện hành, thu nhập sẽ lên mức 15 triệu đồng.

"Không lạ gì những đợt làm 10 giờ/ngày, tôi thấy tăng lên thêm 1-2 giờ nữa thì vẫn đảm bảo. Tôi cũng mong được làm thêm nhiều hơn, như đề xuất là 72 giờ/tháng thì mỗi ngày thêm gần 3 giờ làm, vẫn sẽ đáp ứng được" - anh Tiến nói.

Tương tự, chị Vũ Thị Nhài, nhân viên phòng công nghệ tại doanh nghiệp này chia sẻ, thời gian dịch 2 năm qua, người lao động bị ảnh hưởng khá nhiều về công việc cũng như thu nhập. Không chỉ bản thân chị mà cả gia đình, người thân cũng ở cảnh như vậy. Chị Nhài thành thật: "Lúc này thực sự muốn được tăng giờ làm thêm để tranh thủ kiếm thêm thu nhập bù lại thời gian vừa qua. Ngoài chuyện quyền lợi cá nhân, tôi cũng mong muốn cùng công ty duy trì công việc, hoạt động để sớm khôi phục sản xuất, sau dịch tiếp tục có công ăn việc làm ổn định".

Chị đang làm thêm trung bình 1-2 giờ/ngày, không liên tục. Nếu nâng lên mức 2-3 giờ đều đặn mỗi ngày, tức tổng một tháng làm thêm khoảng 60-70 giờ cũng là phù hợp.