"Có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng đông mà chưa mạnh"

An Linh

(Dân trí) - Đây là nhận định của ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em Việt Nam khi chia sẻ về thực trạng việc phòng ngừa, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em hiện nay.

Tại hội nghị bàn về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phòng ngừa xâm hại, bạo hành trẻ em tại Cục Trẻ em mới đây, đại diện các hội bảo vệ quyền trẻ em đã lên tiếng về tình trạng một số vụ việc gần đây xảy ra với trẻ em, đặc biệt vụ việc bạo hành làm chết hoặc gây thương tích với trẻ em xảy ra ở TPHCM và Hà Nội.

Theo ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 15-18 tổ chức, nhóm hội làm về công tác trẻ em, hệ thống chính sách về trẻ em rất đầy đủ. Việt Nam hiện cũng là một trong những quốc gia có chính sách về quyền trẻ em tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn chưa làm đến nơi, đến chốn, do thể chế, do người đứng đầu.

Có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng đông mà chưa mạnh - 1

Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em Việt Nam, hiện Việt Nam

"Lực lượng bảo vệ trẻ em đông nhưng không mạnh, chúng ta bỏ nhiều công sức tuyên truyền nhưng mạng xã hội hiện lại lấn át nhiều thông tin chính thống. Đúng là thực tế đang có nhiều vấn đề, nhưng cũng phải nói lại, chúng ta đã làm được nhiều việc giải pháp mà chưa làm bật lên được", ông Cừ cho hay.

Đặt giả thiết về việc làm chưa đến nơi, đến chốn do con người, do cơ chế, ông Cừ cho rằng, tình trạng xâm hại, bạo hành để lại thương tích cho trẻ em đều có nguyên do, do định hướng giáo dục có vấn đề. Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em cảnh báo, nếu giáo dục còn tiếp tục theo hướng nặng nề, áp lực, nếu để trẻ vẫn sa đà trên mạng, dành sự quan tâm lớn vào game thì vẫn còn có những đứa trẻ bị bạo hành.

"Chúng ta hay đổ lên đầu cơ quan bảo vệ trẻ em về trách nhiệm từng vụ việc, nhưng thiết nghĩ công tác chăm sóc, phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em là của toàn xã hội, của bố mẹ, của gia đình, của địa phương. Nếu chỉ mình cơ quan bảo vệ trẻ em vận động thì không bao giờ là đủ", ông Cừ phân tích.

Theo Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em là vấn đề rất lớn, được thể hiện trong hệ thống chính sách của Nhà nước, đã khá hoàn thiện, đầy đủ.

Ông Tiến nhận định: "Theo tôi, chưa lúc nào Việt Nam có nền tảng chính sách đầy đủ cho trẻ em như hiện nay. Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội hóa cũng rất mạnh, nhiều người sẵn lòng đầu tư cho trẻ em. Vấn đề trẻ em ai cũng quan tâm, cũng sẵn sàng dành ưu tiên nhưng tại sao bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra? Có lẽ các cơ quan có trách nhiệm cần thay đổi. Nên nghiên cứu đổi mới cách tiếp cận, cách làm để bảo vệ, chăm sóc trẻ em". 

"Con người làm về trẻ em trước tiên phải học, hiểu về trẻ em, nếu không dễ lạc hướng. Các gia đình giờ hầu hết đều ít con, nhiều nơi đang phải khuyến khích sinh thêm, nên cả xã hội quý trẻ, chăm chút cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước lắm, nhưng tại sao những chuyện bạo hành trẻ nghiêm trọng như vậy vẫn xảy ra mỗi ngày?", ông Tiến đặt câu hỏi.

Có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng đông mà chưa mạnh - 2

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, bạo lực gia đình xảy ra với ai cũng khổ, đối với phụ nữ, trẻ em lại càng khổ và tác động nặng nề, lâu dài nhất chính là trẻ em. Cần có giải pháp bảo vệ trẻ em bởi các em quá non nớt, khả năng tự vệ kém, phụ thuộc vào bố mẹ, gia đình. 

"Hiện nay, không ít gia đình cho rằng bạo lực với con là 'quyền' dạy bảo của, với quan điểm 'yêu cho roi, cho vọt'. Còn quan điểm như vậy thì không giải quyết được vấn nạn bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em", bà Hòa nói. 

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bạo lực trong gia đình, bạo lực với trẻ em rất ít được phát hiện và xử lý. Bà Hòa khuyến cáo, cần tăng cường phòng ngừa, răn đe và ngăn chặn hành vi bạo lực với trẻ, đừng để khi sự việc xảy ra rồi mới xử lý. 

Dưới đánh giá của mình, bà Hòa chia sẻ: "Bản thân bố mẹ giờ cũng nhiều áp lực, áp lực từ công việc, áp lực kiếm tiền. Tuy nhiên, ở xã hội nào cũng vậy thôi, áp lực đó không được đè lên đôi vai con trẻ. Cả xã hội cần nhận thức như vậy và phải hiểu bạo hành trẻ là vi phạm pháp luật".

Trao đổi thêm về các ý kiến nêu ra, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, những bức tranh về trẻ em năm qua, một vài điểm tối như đã đề cập đã khiến xã hội bức xúc. Thậm chí, trong một số vụ việc, người dân phản ứng dữ dội về công tác trẻ em.

"Là những người quản lý, chúng ta phải xử lý, đưa giải pháp, nhìn thẳng vào những tồn tại thực tế chứ đừng đánh bóng", theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, cách thức tổ chức, trách nhiệm của cơ quan làm công tác trẻ em chưa đến nơi, đến chốn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích: "Có người hỏi, có phải chuyện bạo hành trẻ em gia tăng, nhiều vụ hành hạ trẻ gây rúng động gần đây có nghĩa là vấn nạn này giờ nhiều hơn trước hay không? Tôi cho rằng chưa hẳn như thế. Trước đây, vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ đã có nhưng hiện nay, thông tin phổ biến nên các vụ việc được biết đến nhiều hơn. Tất nhiên, rõ ràng là hiện nay, văn hóa, đạo đức và lối sống có sự xuống cấp''.

"Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc con trẻ, đầu tiên là của bố mẹ, gia đình. Ai thương, ai hiểu con mình bằng bố mẹ, ông bà? Tại sao ngày xưa, gia đình nhiều thế hệ, tứ đại đồng đường vẫn chung sống tốt mà giờ gia đình hạt nhân lại nhiều vấn đề đau lòng vậy? Là người từng làm công tác trẻ em, phải nhìn và nghe những điều như này, tôi xót xa lắm!", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Ông cũng cho rằng, "đổ lỗi" khi có sự việc xảy ra cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là không đúng vì đây là vấn đề của toàn xã hội. Tuy nhiên, khi các sự việc xảy ra như vậy, người đứng đầu ở địa phương không phải chịu trách nhiệm, vẫn yên ổn cũng không thỏa đáng.