Chốt sổ bảo hiểm cho lao động ở doanh nghiệp phá sản, nợ BHXH

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), phá sản, không chốt sổ BHXH khiến người lao động gặp nhiều khó khăn khi hưởng chế độ BHXH sau này.

Tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, không đóng BHXH cho người lao động là vấn nạn diễn ra phổ biến lâu nay mà ngành bảo hiểm chưa có cách khắc phục triệt để.

Theo thống kê đến hết ngày 31/3, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 8/4, chỉ riêng trên địa bàn TPHCM đã có đến 20.039 đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên. Trong đó, có rất nhiều đơn vị chậm đóng kéo dài cả chục năm trời với số tiền nhiều tỷ đồng.

Những doanh nghiệp nợ nhiều là Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (phường Võ Thị Sáu, quận 3) chậm đóng gần 38,1 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM) chậm đóng gần 37,7 tỷ đồng; Chi nhánh công ty CP Anh ngữ Apax (phường 12, quận 3, TPHCM) chậm đóng hơn 31,7 tỷ đồng…

Việc đơn vị chậm đóng BHXH khiến người lao động không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm y tế… Khi nghỉ việc, họ cũng khó nhận được trợ cấp thất nghiệp, BHXH một lần. Thậm chí, khi về hưu, người lao động có thể không được nhận lương hưu chỉ vì có một thời gian chưa được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH.

Chốt sổ bảo hiểm cho lao động ở doanh nghiệp phá sản, nợ BHXH - 1

Việc đơn vị chậm đóng BHXH khiến người lao động không được hưởng các chế độ BHXH (Ảnh minh họa: Khánh Hồng).

Các quyền lợi trên càng khó giải quyết hơn khi các đơn vị nợ BHXH lâm vào tình cảnh khó khăn, lãnh đạo đơn vị liên quan đến hành vi phạm tội hoặc bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể…

Tại chương trình giao lưu cùng BHXH Việt Nam diễn ra vào giữa tháng 4, nhiều người lao động bày tỏ bức xúc về vấn nạn này. Chị Thùy Linh thắc mắc: "Trong trường hợp doanh nghiệp đã phá sản và không báo giảm lao động thì người lao động làm sao để chốt sổ bảo hiểm?".

Theo BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn giải quyết các trường hợp này tại công văn số 2591/LĐTBXH ngày 9/8/2021 và công văn số 1025/LĐTBXH-BHXH ngày 23/3/2023.

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam đã ban hành công văn số 2802/BHXH-CSXH ngày 6/9/2021 (về việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng BHXH) và  công văn số 1880/BHXH-CSXH ngày 21/6/2023 (về việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH).

Tại mục II công văn số 1880/BHXH-CSXH, BHXH Việt Nam quy định về việc xác nhận thời gian tham gia BHXH trên sổ BHXH và thu BHXH đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động đã giải thể, chưa đóng đủ BHXH.

Theo đó, việc xác nhận thời gian tham gia trên sổ BHXH đối với người lao động là để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH. Cơ quan BHXH sẽ xác nhận sổ BHXH cho người lao động đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, 2 công văn trên còn quy định về việc giải quyết chế độ thai sản, hưởng BHXH một lần, chế độ hưu trí cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động đã giải thể mà chưa đóng đủ BHXH.

Do đó, BHXH hướng dẫn chị Thùy Linh liên hệ cơ quan BHXH, nơi chị đang tham gia BHXH để được hướng dẫn thực hiện theo các quy định trong 2 công văn trên. Tùy vào nhu cầu của chị muốn chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ gì sẽ được cơ quan BHXH hướng dẫn thủ tục phù hợp.