1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xe dù, bến cóc - chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"

Văn Yên

(Dân trí) - Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT cho biết, xe dù, bến cóc là một chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý dứt điểm.

Sáng 23/11, tại trụ sở Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (Ba Đình, Hà Nội) tổ chức buổi tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc". Tham dự tọa đàm có các vị khách mời là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp.

Theo ban tổ chức, tình trạng xe dù, bến cóc, nhất là ở Hà Nội, TPHCM và ở một số tỉnh, thành phố lớn, vẫn như "nấm mọc sau mưa" mỗi dịp lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đã gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đối với xã hội. 

"Xe dù, bến cóc là do hội chứng lợi ích"

Trả lời tại tọa đàm, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, việc xuất hiện tình trạng xe dù, bến cóc là do hội chứng lợi ích mà ra.

Ông Nhưỡng cho rằng, những người phá vùng, phá tuyến, phá thể chế, phá rào cản, phá quy định và sẵn sàng hoạt động trên cơ sở tự thân, tự ý của mình đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội chứ không chỉ ảnh hưởng đến giao thông.

Xe dù, bến cóc - chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi - 1

Các khách mời tham dự buổi tọa đàm (Ảnh: VGP).

"Tôi cho rằng tất cả các vấn đề liên quan đến ách tắc, tai nạn giao thông… đều gói gọn chung trong ý thức tuân thủ pháp luật còn thấp, và liên quan đến cả ý thức trách nhiệm của bản thân các nhà xe, ý thức của tài xế, rồi cả cơ chế phân chia lợi ích trong phạm vi nội bộ của công ty và doanh nghiệp vận tải", ông Nhưỡng nói.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết bản thân đồng tình với những ý kiến của ông Nhưỡng đã nêu. Tuy nhiên ông Hùng cũng xin bổ sung một số ý kiến khác.

Ông Hùng cho rằng, thứ nhất phải thừa nhận là việc chúng ta tổ chức và bố trí những bến xe tương đối khó, tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống. Đó là một bất cập.

Thứ hai là rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta không quan tâm bố trí các điểm đón, trả khách. Ngoài ra, tại Nghị định 86, mới đây là Nghị định 10, thiếu quy định là các địa phương phải quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách thuận tiện cho phục vụ những xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải.

Xe dù, bến cóc - chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi - 2

TS. Khuất Việt Hùng (trái) và TS. Lưu Bình Nhưỡng (phải) và tại Tọa đàm (Ảnh: VGP).

"Tôi cũng đồng ý với anh Nhưỡng là xưa nay chúng ta cứ đổi lỗi cho lái xe, doanh nghiệp. Tất nhiên doanh nghiệp là những người kinh doanh, họ cầu lợi nên tôi cho rằng nhu cầu đó là hết sức xứng đáng. Chỉ có điều chúng ta quy định pháp luật và thực thi pháp luật như thế nào cho hiệu quả", ông Hùng phân tích.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện nay chúng ta khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thì chúng ta sẽ biết xe nào đăng ký vào bến, vào tuyến hay không...

Ông Hùng cũng cho rằng, để giải quyết được nạn xe dù, bến cóc... cuối cùng vẫn luôn là ý thức của người kinh doanh. Nhưng vấn đề đầu tiên chúng ta phải làm đó là việc bảo vệ pháp luật và thực thi pháp luật phải tốt, và đó sẽ là vấn đề chúng ta cần phải giải quyết.

Xe dù, bến cóc là chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" 

Cũng trả lời tại buổi tọa đàm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT cho biết, xe dù bến cóc là một chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý dứt điểm.

Theo bà Hiền, trong thực tế, không có một giải pháp chung áp dụng cho mọi thành phố hay mọi tỉnh, mà mỗi địa phương tùy theo điều kiện giao thông của mình để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Lấy ví dụ tại TPHCM, bà Hiền cho hay, vừa rồi TPHCM chuyển đổi vị trí của Bến xe Miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới. Thực tế Bến xe Miền Đông mới đã được xây dựng nhiều năm rồi, nhưng với hàng nghìn tuyến xe cố định như vậy thì khi chuyển đổi thì rõ ràng là khó thay đổi thói quen đi lại của người dân. Đặc biệt, phải đánh giá xem người dân có đi lại được không.

Xe dù, bến cóc - chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi - 3

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT (Ảnh: VGP).

"Theo thống kê của chúng tôi, xe tuyến cố định chỉ có hơn 18.300 xe nhưng xe hợp đồng lại lên tới gần 222.800 xe, gấp 12 lần so với xe cố định, thì rõ ràng là khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, người ta phải chuyển sang phương thức khác hoặc xe buýt, hoặc xe hợp đồng", bà Hiền nêu dẫn chứng.

Theo bà Hiền, chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, bản thân người dân nhiều người vẫn giữ thói quen tiện đâu đi đó.

Bà Hiền cũng nêu ra giải pháp là hiện nay, lực lượng chức năng cũng đề nghị các thành phố cố gắng tổ chức các điểm đón trả khách trong đô thị, từ đó sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn, nếu chúng ta có kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng với nhau.