“Trước giờ Tổng khởi nghĩa”: Lá cờ lịch sử!

Vĩnh Trà

(Dân trí) - 75 năm sau Cách mạng tháng Tám, cuốn sách đầu tiên của cố nhà báo Trần Lâm “Trước giờ Tổng khởi nghĩa” vẫn tươi nguyên khí thế cách mạng...

“Trước giờ Tổng khởi nghĩa”: Lá cờ lịch sử! - 1

Cuốn sách “Trước giờ Tổng khởi nghĩa” của tác giả Trần Lâm.

Ý tưởng "Lá cờ to bằng mặt bàn ngạo nghễ giữa hồ Hoàn Kiếm"

Tác giả xưng là Lâm, là mình, là chàng khi bắt đầu câu chuyện bằng lời kể giản dị: “Lâm đi vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm lần này là lần thứ ba, từ chập tối. Trời vừa mưa phùn xong. Những ngọn đèn điện lù mù, không đủ sáng. Người qua lại thưa thớt. Thỉnh thoảng một đẫy xe tay chạy bán sống bán chết, trên xe những hình mập tròn, quần áo nhà binh màu vàng, ưỡn mình ra đằng sau, luôn luôn văng ra những tiếng Nhật nghe tục tằn, hung tợn…”.

Đấy là khung cảnh Hà Nội cuối chiều 12 tháng 8 năm 1945. Lúc này các đoàn thể Cứu quốc hoạt động sôi nổi với khẩu hiệu trung tâm là “Diệt Nhật cứu Nước”. Lâm và Thành (bí danh của ông Tích - BT) được cấp trên của Đội tuyên truyền xung phong Dân chủ thành Hoàng Diệu chỉ đạo bằng mọi cách phải làm sôi nổi dư luận, tạo không khí chống Nhật và tay sai ngay giữa lòng Hà Nội. Làm thế nào để được việc lại bảo đảm an toàn, tránh sự khủng bố của hiến binh Nhật. Lâm và Thành ở nhờ nhà người bạn ở một khu phố vắng vẻ. “Nhà rộng, có cổng kín đáo, lại có lối thoát ra sau. Khi động, chỉ nhảy một cái là qua tường sang một vườn chuối rậm rạp, rồi luồn qua một bãi Thể dục rộng lớn”.

Lâm và Thành nghĩ cách bố trí loa phóng thanh gắn trên Tháp Rùa và tưởng tượng “Một buổi sớm mai giữa hồ Hoàn Kiếm trên ngọn Tháp Rùa một lá cờ đỏ sao vàng to bằng mặt bàn, có người trợn mắt xì xào là to bằng cái chiếu ngạo nghễ, phấp phới như thách thức bọn Hiến binh Nhật”.

Ý tưởng hay ho nhưng lực bất tòng tâm. Không lấy đâu ra dây điện không ngấm nước để nối từ bờ ra Tháp Rùa. Cảnh tượng “Ngày 16 tháng 8 năm 1945 nhân dân Thủ đô ở khu vực Bờ Hồ sẽ được nghe những lời kêu gọi nổi dậy chống phát xít Nhật, Pháp…” cứ quay cuồng trong đầu.

Lâm và Thành giả làm người Hải Dương lên các cửa hàng ở Hà Nội mua dây điện, thuê máy phóng thanh. Mọi thứ đã sẵn sàng thì ngày 15 tháng 8 xuất hiện sự kiện mới làm thay đổi mà hai anh gọi là “chiến lược”. Giới công chức của chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức một cuộc mít tinh lớn trước cửa Nhà hát lớn vào ngày 17/8/1945 để xác định vị thế, thái độ nói chuyện với Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật. Đội thanh niên xung phong Dân chủ thành Hoàng Diệu nhận nhiệm vụ cướp micro, diễn giả tuyên truyền chống phát xít Nhật, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tung cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ.

Có hai vấn đề đặt ra là cử diễn giả và phủ lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn từ tầng hai sảnh Nhà hát Lớn, gây ấn tượng mạnh mẽ cho đồng bào và uy hiếp đối phương.

Về cử diễn giả, Trần Quảng Vận viết: “Thật là một cảnh tượng cảm động vô cùng khi anh Ch (quên bí danh) và chị Kính (*), hai người được hân hạnh chọn làm diễn giả lộ vẻ sung sướng ra ngoài mặt.

Anh Ch có tài thu hút thính giả trong những cuộc bàn cãi. Anh bộc lộ hết lòng tin tưởng trong lời nói, trong dáng điệu, lý luận chắc chắn… Tuy anh chưa nói chuyện trước quần chúng đông bao giờ, nhưng Lâm đã biết năng lực nên đề cử với tiểu tổ để anh làm diễn giả… Chị Kính điềm đạm, ít nói, nhưng khi nói thì dứt khoát, đâu ra dấy, tiếng nói rắn rỏi, giọng miền Trung, nghe rất ngọt tai…”.

Tiểu tổ công tác phân công anh Thành phụ trách tổ chức tự vệ, anh Lâm kiếm vải may cờ đỏ sao vàng và rải lá cờ trước sảnh Nhà hát lớn.

Tác giả đặt tít cho phần này là “SAY SƯA TRONG CÔNG VIỆC” và viết “Lúc nào Lâm cũng tưởng tượng thấy lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ phủ từ tầng hai Nhà hát lớn xuống tận chân tường. Lâm nhớ lại những dải lụa vàng và đỏ song song từ tầng hai nhà hát rơi xuống đất, trông thật ngoạm mục và long trọng trong buổi nói chuyện của ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim cử ra mấy tuần trước.

Trong trí tưởng tượng, Lâm thấy những dải lụa đỏ bằng những lá cờ đỏ sao vàng chói lọi. Chàng vừa làm vừa nghĩ liên miên… Lần này chính tay Lâm sẽ treo cờ trước hàng vạn đồng bào, chứ không để sơ suất như trong buổi xung phong ở rạp hát phố Hàng Da, cuộc diễn thuyết xung phong giữa màn kịch thứ ba, trước mắt non một trăm “chó săn” của Nhật, mình vàng cổ khoang trắng. Lâm tiếc mãi là anh phụ trách treo cờ và lúng túng, và trong đêm tối, vì tắt đèn đã treo lá cờ sau tấm phông che sân khấu, trong lúc diễn giả hùng hồn kêu gọi đồng bào nổi dậy tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo giặc Nhật” ở rạp…

Lần này vinh dự treo cờ sẽ về tay Lâm. Chàng tự hào, sung sướng vô bờ bến…”.

Lá cờ lịch sử và tâm tư của vị hôn thê

Sau nhiều lần tranh luận với Thành, Lâm quyết định sẽ may một lá cờ dài 6 thước, rộng 4 thước.

Tác giả cuốn sách quý dành sự yêu thương đến dịu dàng cho đầu đề nhỏ “MỘT BÀN TAY BÉ NHỎ VÀ LÁ CỜ LỊCH SỬ”. Trần Quảng Vận trải lòng: “Thời kỳ đó vải đỏ không sẵn, mua nhiều là lộ chuyện. Lâm đến nhà vị hôn thê (**), một cửa hàng vải, tơ lụa. Từ ngày hoạt động chàng vẫn giấu vợ chưa cưới, một thiếu nữ hiền hậu, có cảm tình với phong trào cách mạng, nhưng chưa đánh đuổi được tính e dè của phụ nữ Việt Nam ít hoạt động. Nàng đoán biết Lâm định dùng vải đỏ làm cờ, nhưng vì kính nể, vì kín đáo nàng không hỏi tò mò mà đi tìm hộ chàng đủ số lụa đỏ và vàng may lá cờ lớn.

Cầm bọc lụa trong tay Lâm nghĩ bụng “Nếu bất hạnh anh có làm sao trong cuộc xung phong này chắc em sẽ ân hận đã mua giúp anh những vật này”. Chàng không dám nói cảm tưởng đó, chỉ nắm thật chặt tay vị hôn thê như để truyền những luồng tư tưởng đó sang nàng. Một bàn tay bé nhỏ cũng xiết chặt tay Lâm. Chàng có cảm tưởng người yêu đã hiểu tâm can chàng, đã có linh tính báo cho biết trước một sự nguy hiểm sắp tới. Hôm ấy là chiều 15 tháng 8, Lâm vội vã đưa vải cho một chị trong tiểu tổ may cờ…”.

Năm 2019, trong lễ ra mắt bức tượng nhà báo lão thành Trần Lâm tại Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ Hà Nội, anh Trần Điện Biên, con trai của ông tặng phòng truyền thống nhà Đài cuốn sách quý "Trước giờ Tổng khởi nghĩa" (Ký ức của một cán bộ tuyên truyền xung phong Dân chủ Đảng của Trần Quảng Vận). Xin nói thêm Trần Quảng Vận là tên khai sinh của nhà báo Trần Lâm.

Cuốn sách khổ 13x19 với 48 trang do Hội Văn hóa Cứu quốc xuất bản năm 1946, số kiểm duyệt 1025 ngày 2 tháng 11 năm 1946, in tại nhà in Thái Bình, 39 Hàng Cót, Hà Nội, giá bìa 3 $.

(*) Ch. là ông Châu. Chị Kính là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng.

(**) Vị hôn thê là bà Trần Thị Ý, tức phát thanh viên Vân Yến của Đài Tiếng nói Việt Nam, là phu nhân nhà báo lão thành Trần Lâm.