Tổng Bí thư: Cán bộ Ban Chỉ đạo vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa!

Quang Phong

(Dân trí) - "Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế!", Tổng Bí thư nêu rõ.

Ngày 12/5, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các ý kiến của cử tri rất tâm huyết, sâu sắc, đặc biệt trong đó là kiến nghị liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sửa đổi Luật Đất đai.

Về vấn đề phòng, chống tham nhũng, theo Tổng Bí thư, trong 10 năm qua, cử tri cũng đã biết chúng ta đã mất bao nhiêu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy; bao nhiêu người phải ngồi tù, trong đó có cả cán bộ trong ngành công an, quân đội.

Tổng Bí thư cho biết, Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thống nhất rất cao về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Tổng Bí thư mong muốn, khi bố trí nhân sự, lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh như thế nào để phát huy hiệu quả như Ban chỉ đạo của Trung ương trong 10 năm qua.

Tổng Bí thư: Cán bộ Ban Chỉ đạo vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa! - 1

Nhận định về vấn đề phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, đây là cuộc chiến gian nan.

"Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế", Tổng Bí thư nêu rõ.

Nhận định về vấn đề phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, đây là cuộc chiến gian nan. "Không phải chỉ nước ta, mà nước nào trên thế giới cũng vậy. Không phải thời nay mà thời xưa cũng đã có cả "một người làm quan cả họ được nhờ", làm quan phải hưởng lộc", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải, trước thì nói chống tham nhũng, lãng phí, nhưng lãng phí chỉ là một khía cạnh. Bây giờ đổi tên là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực. "Tiêu cực thì nhiều lắm nhưng trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Cái đó làm hư hỏng con người và đây là cái rất mới", ông nói.

Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý, điều tra những vụ việc nổi cộm, trên tinh thần rõ đến đâu làm đến đấy. "Tôi đã nói không thể không làm được. Riêng Ban Chỉ đạo đã theo dõi và chỉ đạo rất nhiều vụ. Đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cao cấp, cả đương chức, cả nghỉ hưu, cả trong lực lượng công an, quân đội...", Tổng Bí thư chia sẻ.

Theo Tổng Bí thư, khi Bộ Chính trị thi hành kỷ luật Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh... tất cả đều tâm phục khẩu phục. "Lúc đầu cũng cãi, cũng bảo vệ ý kiến thế nọ, thế kia. Nhưng đưa ra Bộ Chính trị, chứng cứ thế này, phân tích có lý, có tình thế này, làm sao chối được? Cuối cùng thấy nhận hết cả", Tổng Bí thư cho hay.

Tổng Bí thư: Cán bộ Ban Chỉ đạo vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa! - 2

Tổng Bí thư trao đổi với các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Đảng cũng nhấn mạnh tinh thần "nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình", xử người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa gì với đồng chí của mình.

"Các bác yên tâm về công tác phòng, chống tham nhũng, tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị là quyết tâm làm và phải làm", nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư cũng đề nghị Thủ đô Hà Nội phải đi đầu cả nước. "Thủ đô văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, không thể để xảy ra những vụ việc đáng tiếc", Tổng Bí thư lưu ý.

"Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động. Bác Hồ đã nói cưa đi một vài cành cây sâu để cứu cả cái cây. Xử lý một vài người để cứu muôn người. Vấn đề này là vấn đề rất chiến lược nhưng làm phải có lý, có tình. Cho nên phải xây dựng luật, phải có tổ chức. 

Nhiều vấn đề liên quan đến đất đai phải giải quyết

Theo Tổng Bí thư, tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, vấn đề số một là bàn về đất đai. Bởi đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhưng đang có nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết, mặc dù vừa qua chúng ta đã có nhiều chính sách để phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai.

Tại các cuộc họp ở Trung ương, Bộ Chính trị và các hội thảo khoa học, Tổng Bí thư cũng đã nhiều lần nói đất đai là vấn đề cực kỳ quan trọng, là tư liệu sản xuất cơ bản. "Như câu nói của Các Mác rất sâu sắc là: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất". Thực tế nhiều người giàu lên vì đất, nhưng nhiều người khốn khổ, nghèo đi vì đất, mất cả tình cảm cha mẹ, anh em vì đất…", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cho biết, trên tinh thần nghị quyết mới của Trung ương về vấn đề đất đai, Quốc hội sẽ nghiên cứu, xem xét sửa Luật Đất đai để phát huy tối đa, tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

Liên hệ với Thủ đô, Tổng Bí thư cho rằng, đất ngày càng quý vì người đông nhưng đất hẹp. Do vậy, Tổng Bí thư mong lãnh đạo Thủ đô quan tâm hơn nữa đến vấn đề đất đai.

"Nhưng sửa Luật Đất đai thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai thì khó lắm, không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng phải thiết thực, hàng ngày. Vừa lý luận thực tiễn, vừa phải đảm bảo đời sống của người dân, nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề làm dần từng bước, hoàn thiện dần", Tổng Bí thư chia sẻ với cử tri.