Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên làm việc với TPHCM

Vân Sơn Quốc Anh

(Dân trí) - Sáng 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm và giải quyết một số kiến nghị của TP.

"Cần làm việc ngắn gọn, chất lượng, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm"

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngay sau khi kiện toàn, TPHCM là địa phương đầu tiên Chính phủ tới làm việc. Trên tinh thần báo cáo đề xuất của TPHCM, Thường trực Chính phủ đã thảo luận, nghiên cứu các nội dung để tìm hướng giải quyết.

"Nội dung nhiều, phong phú, đòi hỏi tập trung trí tuệ, suy nghĩ để cùng bàn bạc. Vừa làm việc nhưng vừa phải chú trọng phòng chống Covid-19, cần làm việc ngắn gọn, chất lượng, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên làm việc với TPHCM - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo TPHCM.

Thủ tướng Chính phủ định hướng cuộc làm việc: Chủ tịch UBND TPHCM sẽ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và trình bày một số đề xuất, các thành viên trong đoàn sẽ cho ý kiến và Thủ tướng sẽ kết luận.

Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đã ưu tiên chọn TPHCM là địa phương đầu tiên làm việc sau khi kiện toàn Chính phủ theo kết quả của kỳ họp Quốc hội khóa XIV, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội TP.

Sau phần báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của thành phố trong một số nhóm vấn đề.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên làm việc với TPHCM - 2

Ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của thành phố trong một số nhóm vấn đề (Ảnh: TTBC TPHCM).

Đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23%

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, UBND TPHCM có 4 kiến nghị:

Thứ nhất, thành phố đã xây dựng Đề án "Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025", tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.

Thủ tướng làm việc với TPHCM.jpg

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết là 23% cho giai đoạn 2022 - 2025 như giai đoạn 2011 - 2016 đã cho kết quả tối ưu. Việc này đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số thu ngân sách chuyển nộp về ngân sách Trung ương tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách Thành phố.

Tháng 8/2020, Thành ủy TPHCM đã có kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%.

Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương và quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với thành phố và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để Thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên làm việc với TPHCM - 4

Thủ tướng và các đại biểu bên lề buổi làm việc (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Thứ ba, UBND TPHCM kiến nghị thay thế Nghị định số 172/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH MTV là công ty con của công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, và Nghị định thay thế Nghị định số 128/2014/NĐ-CP của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 của Quốc hội.

Thứ tư, theo Quyết định số 26 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) thuộc nhóm cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, hiện nay, Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn:  Khách sạn Bến Thành - Rex Hotel,  Khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và Khách sạn Kim Đô có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn và có vị trí tại trung tâm thành phố, mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên làm việc với TPHCM - 5

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên lề buổi làm việc (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhà nước TP thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất (đây là các khoản bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị tiền thuê đất trong một thời gian xác định) với các tổ chức nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh. Các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng trước mắt và lâu dài. Do vậy nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này.

Từ đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án 1, chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc TP để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.

Phương án 2 là chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, bên cạnh việc quản lý 4 khách sạn nêu trên, hiện nay, Saigontourist là đơn vị chủ chốt, quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch của TPHCM; đồng thời, Saigontourist còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP giao.

Ngoài ra, Saigontourist đang có trên 50 phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trải dài hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và phần lớn các doanh nghiệp này đang sử dụng các nhà đất có vị trị trung tâm, đắc địa tại địa phương hoạt động.

Trường hợp Saigontourist được giữ 100% vốn nhà nước, TPHCM sẽ có cơ sở điều chuyển thêm một số khoản vốn góp liên doanh trong lĩnh vực khách sạn (của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa) về Saigontourist quản lý, tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ chốt của Saigontourist.