Thủ tướng: Không tự ý ban hành các "giấy phép con" gây ách tắc lưu thông

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con".

Vấn đề trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và Bộ, ngành, địa phương, diễn ra ngày 8/8. 

Thủ tướng: Không tự ý ban hành các giấy phép con gây ách tắc lưu thông - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến ngày 8/8 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc thực hiện "mục tiêu kép" là một chủ trương đúng đắn. Những chính sách đã được ban hành cần được thực hiện một cách linh động, sáng tạo.

Nói về tình hình lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa, trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, ông đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng không tham mưu cho lãnh đạo TP Hải Phòng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa.

"Là cửa ngõ lưu thông hàng hóa của cả miền Bắc, Hải Phòng cần hết sức nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, không để xảy ra một trường hợp nào nữa" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng GTVT cũng đề cập tới nhận trách nhiệm liên quan đến tình hình ùn tắc giao thông xảy ra thời gian qua ở một số địa phương trong bối cảnh giãn cách xã hội vì Covid-19, vận tải không thông suốt.

"Thay mặt ngành giao thông và các địa phương, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết và nói thêm rằng Bộ GTVT duy trì họp giao ban mỗi tuần 3 lần để tổng kết, rút kinh nghiệm. Ngoài ra còn có các nhóm công tác để giải quyết ngay các phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thủ tướng: Không tự ý ban hành các giấy phép con gây ách tắc lưu thông - 2

Giao thông ùn tắc kéo dài nhiều ngày ở cửa ngõ TP Hải Phòng xảy ra hồi giữa tháng 7 vừa qua (Ảnh: Báo Giao thông).

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã cấp mã QR Code cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm trái.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng không có bất kỳ một văn bản nào về việc hạn chế lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều địa phương hiểu và áp dụng chưa đúng, máy móc. Thậm chí, tại các nơi phong tỏa, giãn cách, Thủ tướng Chính phủ còn nhấn mạnh thêm việc phải bảo đảm hàng hóa, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc hàng hóa trong lưu thông từ địa phương này, đến địa phương khác.

Với quan điểm không đặt ra các điều kiện và yêu cầu gây ách tắc lưu thông hàng hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế.

"Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng: Không tự ý ban hành các giấy phép con gây ách tắc lưu thông - 3

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhất quán các chính sách đã ban hành (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là bảo đảm nguyên liệu, sản xuất liên tục cho các sản phẩm tiêu dùng ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội.