Thủ tướng chốt hạn hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Phương  Thảo

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ GTVT tính khả năng bố trí vốn để chọn các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần làm, đảm bảo mục tiêu đến 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 26/4 về dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đánh giá Bộ GTVT rất cố gắng, trong thời gian ngắn đã tích cực chuẩn bị phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng nhấn mạnh, để đảm bảo hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị về chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc" và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam cho giai đoạn này.

Thủ tướng chốt hạn hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông - 1
Mục tiêu chung đề ra là đến 2030 Việt Nam có 5.000km đường cao tốc.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các chủ trương này phải được lấy ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… trước khi báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét thông qua. Sau đó sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến làm cơ sở trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7 tới).

Về phạm vi đầu tư, Thủ tướng nhắc Bộ GTVT căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Yêu cầu đề ra là đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông những nơi thật cần thiết.

Cùng với đó, Bộ GTVT căn cứ tính hiệu quả, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết, được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị thời gian qua như: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến kết nối Nam Trung Bộ với Tây Nguyên...

Các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM; Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và một số tuyến đường ở khu vực trung du miền núi phía Bắc cũng được người đứng đầu Chính phủ đốc thúc triển khai.

Rút kinh nghiệm về bế tắc khi làm BOT

Về phương thức thực hiện xây dựng cơ chế, khuyến khích, Thủ tướng nêu rõ ưu tiên đầu tư theo phương thức PPP, BOT nhằm huy động đa dạng các nguồn lực (ngân sách trung ương, địa phương, tư nhân); đồng thời, cần có cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, người dân, nhà đầu tư).

Bộ GTVT được giao khẩn trương tổng kết một số mô hình thành công khi giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện tốt để báo cáo Thường trực Chính phủ (hoàn thành trong quý II/2021) để đúc rút kinh nghiệm và triển khai diện rộng việc phân cấp, ủy quyền.

Chính phủ nhấn mạnh đường cao tốc đi qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ.

Chính phủ khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, có năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường cao tốc qua địa bàn.

Việc này nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp nguồn vật liệu xây dựng...

"Nguyên tắc là triển khai đường cao tốc đi qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ, việc hỗ trợ ngân sách Trung ương phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần",  Thủ tướng kết luận.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát quy định của pháp luật để đề xuất các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm các đề xuất trước đây làm bế tắc khi triển khai theo phương thức PPP và BOT.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo triển khai, bảo đảm tiến độ trình các cấp có thẩm quyền.