Sà lan trăm tấn liên tiếp chìm ở cống trăm tỷ, Bạc Liêu khẩn tìm giải pháp

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Chỉ khoảng 20 ngày, tại cống Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã xảy ra hai vụ chìm sà lan hơn trăm tấn. Ngành chức năng tỉnh này đang khẩn trương tìm nguyên nhân, giải pháp để tránh thêm sự cố.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Bạc Liêu nói về cống Nhà Mát

Hai vụ chìm sà lan hơn trăm tấn ở cả 2 cổng cống

Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 3h30 ngày 4/5, anh P.T.V. (SN 1973, ngụ tỉnh Long An) điều khiển tàu có trọng tải 5 tấn kéo theo sà lan trọng tải hơn 371 tấn, lưu thông trên kênh 30/4 hướng từ phường 2 ra cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), khi tàu đến cống Nhà Mát thì bị kẹt lại tại cổng số 1. Đến khoảng 4h, sà lan bị nước tràn vào làm nghiêng rồi chìm ngay tại cống. Toàn bộ máy móc, hàng hóa, vật tư trên sà lan đều bị chìm theo.

Trước đó, vào sáng ngày 13/4, anh D.M.C. (SN 1978, ngụ tỉnh Bạc Liêu) điều khiển sà lan chở hàng trăm tấn đá lưu thông trên kênh 30/4 theo hướng từ phường 2 ra cửa biển Nhà Mát. Đến khoảng 7h sáng cùng ngày, khi sà lan đến cống Nhà Mát thì bất ngờ va chạm vào cửa cống số 2 rồi chìm xuống nước.

Rất may, cả hai vụ chìm sà lan nói trên không gây thiệt hại về người.

Sà lan trăm tấn liên tiếp chìm ở cống trăm tỷ, Bạc Liêu khẩn tìm giải pháp - 1

Chiếc sà lan hơn 370 tấn chìm tại cổng số 1 ngày 4/5.

Được biết, cống đập trụ đỡ Nhà Mát (cống kết hợp cầu giao thông) có vốn đầu tư hơn 153 tỷ đồng. Công trình này nhằm ngăn triều chống ngập, cải thiện môi trường đô thị TP Bạc Liêu, kết hợp phục vụ giao thông thủy, giao thông bộ. Cống bắt đầu đưa vào vận hành từ tháng 10/2019.

Khẩn trương tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục

Chiều ngày 5/5, phát biểu tại cuộc họp với các sở ngành, Thượng tá Nguyễn Xuân Vũ, Phó phòng Cảnh sát đường thủy Bạc Liêu cho biết, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ chìm sà lan mới nhất ở cống Nhà Mát. Tuy nhiên, theo Thượng tá Vũ, qua làm việc với chủ sà lan và người dân địa phương thấy rằng, thực tế có tình trạng nước cạn cũng như thiếu biển báo, cảnh báo tại khu vực cống.

Do đó, Thượng tá Nguyễn Xuân Vũ kiến nghị Sở NN&PTNT phối hợp Sở GTVT lắp đặt biển báo, cảnh báo theo quy chuẩn về đường thủy nội địa để các phương tiện biết. "Nếu có biển báo điện tử thì càng tốt để thuận lợi khi thông báo rõ thông tin", Thượng tá Vũ nói.

Sà lan trăm tấn liên tiếp chìm ở cống trăm tỷ, Bạc Liêu khẩn tìm giải pháp - 2

Sà lan chở hàng trăm tấn đá chìm vào ngày 13/4 tại cổng số 2.

Đại diện Đồn Biên phòng cho rằng, nếu như không nạo vét tuyến kênh thì việc lưu thông qua cống Nhà Mát đối với phương tiện trọng tải trên 100 tấn khá khó khăn.

Theo ông Bùi Hồng Kỳ, Phó giám đốc Sở GTVT Bạc Liêu, hiện vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra các vụ chìm sà lan. "Cần rà soát tuyến kênh này, nếu có chướng ngại vật, công trình ngầm dưới đáy để có phương án xử lý", ông Kỳ đề nghị.

Ông Lê Hoàng Vinh, Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu đề nghị cân nhắc đến phương án hạn chế tàu thuyền qua lại cống. Ông Vinh đồng tình với việc có biển báo điện tử hoạt động 24/24h ở khu vực cống. Bởi theo ông, nếu điều tiết, cảnh báo lưu thông không tốt có khi lại xảy ra ách tắc, sự cố.

Sà lan trăm tấn liên tiếp chìm ở cống trăm tỷ, Bạc Liêu khẩn tìm giải pháp - 3

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho rằng, sự cố xảy ra có thể do nguyên nhân khách quan.

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu nghiêng về nguyên nhân khách quan chứ không phải về vấn đề kỹ thuật vận hành dẫn đến chìm sà lan. Bởi theo ông, cống Nhà Mát đưa vào vận hành đã lâu, nhiều phương tiện qua lại. Ông Tùng thống nhất cần có biển báo và gợi ý có thể dùng cả biển phản quang và biển điện tử để sử dụng phù hợp cho ban ngày và ban đêm. 

"Chúng tôi sẽ đưa thợ lặn xuống kiểm tra dưới đáy cống, vừa phục vụ điều tra, vừa dọn sạch chướng ngại vật. Việc đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến kênh này rất quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, vật tư phục vụ các dự án lớn", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu chốt lại.

Là đơn vị quản lý cống, ông Đặng Minh Pháp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu cho biết, khi cống Nhà Mát đưa vào vận hành, bảo đảm tĩnh không và tĩnh ngang thông thuyền theo quy định.

Việc hai sà lan bị chìm tại cửa cống, ông Pháp cho rằng, có thể do bất cẩn của người điều khiển khi chủ quan đi vào thời điểm thủy triều rút xuống thấp. Khi đó, dòng nước chảy rất xiết, dòng chảy bị co hẹp, phương tiện rất dễ va chạm vào thành cống.

Theo ông Pháp, lẽ ra khi qua cầu, cống lớn, thuyền trưởng sà lan có tải trọng lớn phải đi vào thời điểm nước lớn để hạn chế va đập. Mặt khác, trước khi qua, chủ sà lan hoặc thuyền trưởng nên dừng lại để hỏi rõ cán bộ kỹ thuật vận hành cống để bảo đảm an toàn hơn.