Một trong "tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc" bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ

Văn Yên

(Dân trí) - Nhều diện tích đất rừng tại khu vực đèo Ô Quy Hồ (tỉnh Lai Châu) đang bị san gạt, đào bới để phục vụ thi công dự án du lịch gây mất cảnh quan, khiến dư luận bức xúc.

Thời gian vừa qua, người dân xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cho biết, tại khu vực đèo Ô Quy Hồ (tỉnh Lai Châu) - Một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc (Đèo Mã Pí Lèng; Đèo Ô Quy Hồ; Đèo Pha Đin; Đèo Khau Phạ), đang bị một doanh nghiệp tư nhân đào xới để làm dự án khu du lịch sinh thái.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 1

Cả một khu vực rừng tại đèo Ô Quy Hồ bị đào xới, san lấp, gây mất cảnh quan (Ảnh: T.Đ).

Đất đá từ dự án làm ô nhiễm nguồn nước nuôi cá của dân?

Theo những người dân nơi đây, nhiều hecta rừng trên dãy Hoàng Liên Sơn đoạn khu vực Cổng Trời, xã Sơn Bình đã bị san gạt. Việc san, đổ đất còn làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.

Trao đổi với PV, ông Giàng A Máy (ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình) cho biết, việc thi công dự án trên đã diễn ra từ nhiều tháng nay.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 2

Người dân cho rằng khu vực suối đầu nguồn bị ô nhiễm do đất, đá từ dự án khu du lịch đổ xuống (Ảnh: T.Đ).

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 3

Ông Máy cho biết, khu vực suối đầu nguồn để nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) của các hộ dân tại bản Chu Va 12 bị ô nhiễm, đục bẩn bởi quá trình thi công dự án của Công ty Pusamcap (Ảnh: T.Đ).

"Trước đây nguồn nước nuôi cá của các hộ gia đình ở đây rất trong và sạch, tuy nhiên trong quá trình thi công, đơn vị này đã đổ đất đá trực tiếp xuống dòng suối, làm nguồn nước nuôi cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng cá của các hộ dân phía dưới bị chết hàng loạt. Các gia đình ở bản Chu Va 12 đã nhiều lần đến phản ánh nhưng phía doanh nghiệp đều bỏ ngoài tai, khiến chúng tôi rất bức xúc", ông Máy nói.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 4

Theo ông Máy, mỗi lần mưa lớn, nước lũ kéo theo đất đá từ công trình thi công dự án của Công ty Pusamcap đổ xuống nguồn nước suối đầu nguồn dẫn tới ô nhiễm, làm chết cá hàng loạt của người dân (Ảnh: Người dân cung cấp).

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đây là công trình thuộc Dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên, do Công ty cổ phần Pusamcap Lai Châu (Công ty Pusamcap) thực hiện. Dự án trên được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2012, với diện tích 51,75 hecta tại khu vực Cổng Trời, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 5

Máy móc san gạt, đào xới tại khu vực đèo Ô Quy Hồ (Ảnh: T.Đ).

Phản ánh tới báo Dân trí, người dân ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cho biết, việc thi công dự án trên khiến cảnh quan thiên nhiên tại khu vực đèo Ô Quy Hồ bị tàn phá, ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt đèo Ô Quy Hồ còn là một trong bốn "tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc".

Cũng theo phản ánh của người dân, khi thi công khu du lịch, Công ty Pusamcap đã lấn một phần vào diện tích rừng phòng hộ của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Xử phạt Công ty Pusamcap vì làm mất rừng phòng hộ

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2016, Công ty cổ phần Pusamcap Lai Châu tổ chức san gạt và xây dựng công trình trên diện tích khoảng hơn 12 hecta đất rừng tại khu vực đèo Ô Quy Hồ. 

Ngày 23/10, đoàn kiểm tra gồm Hạt kiểm lâm, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tam Đường và đại diện xã Sơn Bình đã có mặt tại khu vực thi công dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên để thực địa hiện trường, làm rõ một số phản ánh của người dân và truyền thông.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 6

Toàn cảnh khu vực đèo Ô Quy Hồ đang bị san ủi, phá dỡ cảnh quan thiên nhiên (Ảnh: T.Đ).

Theo đó, đoàn kiểm tra xác định diện tích đất bị san ủi tại khu vực đèo Ô Quy Hồ là hơn 3,5 hecta. Trong đó, hiện trạng lô đất trống không có rừng là 2,4 hecta, hiện trạng đất sạt lở là 0,57 hecta và đất có rừng phòng hộ bị mất do phá là 0,04 hecta...

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Văn Định - Chủ tịch xã Sơn Bình cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ người dân, địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh và yêu cầu phía Công ty Pusamcap dừng các hoạt động thi công tại các phần không thuộc diện tích được giao.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 7

Lối vào dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên trên quốc lộ 4D, qua đèo Ô Quy Hồ (Ảnh: T.Đ).

Ông Định xác nhận, trong số 3,5 hecta đất mà Công ty Pusamcap đã san ủi có 0,04 hecta đất thuộc diện tích rừng phòng hộ của Vườn quốc gia Hoàng Liên.

"Sau khi đoàn kiểm tra tiến hành đo đạc, xác minh, phía kiểm lâm và cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Pusamcap số tiền 22 triệu đồng vì đã xâm phạm vào diện tích đất rừng tái sinh, khu vực ngoài phạm vi thi công dự án", ông Định nói và cho hay, về số cây rừng đã bị đào, phá, lực lượng chức năng đã yêu cầu công ty khôi phục và trồng lại.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 8

Bên trong công trường thi công dự án tại đèo Ô Quy Hồ (Ảnh: T.Đ).

Về dự án Khu sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên của Công ty Pusamcap, theo hồ sơ của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lai Châu, tổng diện tích đất công ty này được thuê theo Quyết định số 1444/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh Lai Châu là hơn 51 hecta. Trong đó, hơn 30 hecta là đất lâm nghiệp do UBND xã Sơn Bình quản lý; hơn 21 hecta là đất lâm nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân xã Sơn Bình quản lý, sử dụng.

Một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc bị đào xới, mất cả rừng phòng hộ - 9

Toàn cảnh khu vực đèo Ô Quy Hồ đang bị "xẻ thịt" làm dự án khu du lịch (Ảnh: T.Đ).

Thông tin với PV Dân trí, ông Sùng Lử Páo - Chủ tịch huyện Tam Đường chia sẻ, về vụ việc này, chính quyền huyện Tam Đường đã bàn giao cho xã Sơn Bình giải quyết. Việc có xảy ra sai phạm trong cấp đất tại khu vực đèo Ô Quy Hồ cho các bên hay không là "do các nhiệm kỳ lãnh đạo khóa trước thực hiện, đang được làm rõ".

PV Dân trí đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu - để thông tin sự việc một cách khách quan, đa chiều. Ông Long khẳng định dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2012, với diện tích 51,75 hecta tại khu vực Cổng Trời, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, và đã có đầy đủ giấy phép.

"Tuy nhiên trong quá trình thi công dự án, công ty gặp phải một vấn đề liên quan tới đất đai với một số hộ dân, mà việc này lại từ các thời kỳ lãnh đạo trước của huyện Phong Thổ, nay là huyện Tam Đường, nên doanh nghiệp đang khá đau đầu", ông Long cho biết.

Ông Long xác nhận việc đã bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính do làm mất rừng phòng hộ trong khu vực 3,5 hecta mà công ty đã san ủi. Tuy nhiên vị giám đốc cho rằng, nguyên nhân của việc mất rừng là do thiên tai và nhiều vấn đề khác chứ không phải do công ty xâm lấn, phá rừng phòng hộ.

"Rừng chúng tôi được giao quản lý nên dù chỉ mất một cây thôi thì lực lượng kiểm lâm cũng sẽ quy trách nhiệm cho chúng tôi. Đây là việc ngoài mong muốn chứ không phải do chúng tôi san ủi vào", ông Long khẳng định.

Đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là đèo trên quốc lộ 4D ở vùng giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Với độ dài hơn 50km, độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, đây là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở phía Bắc Việt Nam.