Lý do nhiều người Hà Nội lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Là đại đô thị hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu xe, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thực trạng Hà Nội phải đối mặt nhiều năm qua. Giao thông công cộng được xem là một trong những biên pháp giải quyết tình trạng này.

Giao thông công cộng ngày càng tiện lợi

Bắt đầu ngày làm việc mới, anh Xuân Khiêm, 31 tuổi, Hà Đông, có mặt trên tuyến đường đê Đồng Mai lúc 6h30 đợi xe buýt. Anh từ bỏ thói quen lái xe cá nhân, chuyển sang phương tiện công cộng gần 2 năm khi tuyến xe buýt 123 chạy qua trục đường này.

Anh Khiêm chia sẻ cùng với sự phát triển và mở rộng không ngừng của mạng lưới xe buýt, việc tham gia giao thông công cộng không còn khó khăn với những người sinh sống ở khu vực ngoại thành như anh.

"Trước kia, nếu muốn đi xe buýt, tôi phải đi xe đạp hoặc xe máy mất khoảng 15 phút quốc lộ 6. Hiện tại, tôi chỉ cần đi bộ mấy phút là ra điểm bắt xe buýt vào trung tâm. Đi xe buýt tiết kiệm được chi phí và quan trọng nhất là không lo khói bụi, tắc đường", anh Khiêm chia sẻ.

Lý do nhiều người Hà Nội lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng - 1
Các điểm xe buýt phục vụ người dân đón xe đi lại hàng ngày (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Thuận tiện hơn khi sống ở gần trung tâm, chị Thùy Trang, nhà ở Trung Văn, Hà Đông, vẫn lựa chọn đi BRT cho quãng đường từ nhà đến cơ quan. Cùng một trục đường, trước đây nếu sử dụng xe máy trong giờ cao điểm, chị Trang phải mất khoảng 30 - 45 phút, còn với buýt BRT chỉ mất từ 25 - 30 phút. "Nhà chờ sạch sẽ, lịch sự, không lo nắng hay mưa, xe di chuyển nhanh trên cung đường ưu tiên. Với tôi, sử dụng BRT rất tối ưu", chị Trang nói.

Thực tế, nhờ sự thuận tiện và đáp ứng thời gian di chuyển thấp hơn hoặc tương đương xe cá nhân nên xe buýt nhanh BRT ngày càng có sức hút đối với hành khách.

Trả lời cử tri mới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động (từ năm 2017 đến hết tháng 6/2022), loại hình buýt nhanh BRT đã mang lại những kết quả tích cực. Sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao. Khách bình quân giờ cao điểm trong điều kiện bình thường có thể đạt 70 hành khách/lượt, nhiều lượt xe vận chuyển tới trên 100 hành khách.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham gia giao thông công cộng của người dân, Hà Nội không chỉ mở thêm các tuyến xe buýt chạy về những khu vực xa trung tâm mà còn tăng cường kết nối giữa các điểm giao thông công cộng, tạo thuận lợi cho hành khách.

Ngày 28/11, Trường Đại học Công nghệ GTVT cùng Trung tâm quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp tổ chức lễ ra mắt chương trình "Thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: Từ nhà chờ BRT Văn Khê đến trung tâm thương mại AEON Hà Đông". Phương án thí điểm này cho phép người dùng sử dụng xe điện 2 bánh miễn phí thông qua phầm mềm quản lý (V-Share) để kết nối hành khách đi xe buýt BRT, xe buýt thường gần khu vực trạm dừng BRT Văn Khê tới trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông và ngược lại.

Ngoài hệ thống xe buýt, "bức tranh" giao thông công cộng Hà Nội ngày càng phong phú với sự góp mặt của tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Các tuyến buýt Hà Nội hiện nay đều được tổ chức kết nối với tuyến metro, do đó người dân có thể thuận tiện đi đến các địa điểm khác nhau trong thành phố.

Cách thu hút người dân tham gia giao thông công cộng

Hiện Hà Nội là một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân với hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu xe, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia VCCI - cho rằng với một đô thị nén như Hà Nội, giao thông công cộng chắc chắn phải là giải pháp để phát triển thành phố. Các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề như ùn tắc giao thông và đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí. Theo ông Đức, muốn phát triển giao thông công cộng, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là đường dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất bất cập của Hà Nội vì người đi bộ đã bị lãng quên từ lâu khi tổ chức giao thông.

Lý do nhiều người Hà Nội lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng - 2
Xe cá nhân gia tăng khiến giao thông Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng (Ảnh: Hữu Nghị).

Vị chuyên gia khuyến nghị, Hà Nội nên tập trung xử lý các điểm trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè, làm mất lối đi của người đi bộ và xử lý tình trạng đỗ xe không đúng nơi quy định bởi giải pháp này vừa giúp giảm phương tiện cá nhân, lại vừa giúp giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

"Tôi biết đây là việc khó. Do đó cần có biện pháp mạnh mẽ và quyết tâm chính trị từ trên thì mới có thể thay đổi được thực tế này", ông Đức nói và cho biết đã vận động đồng nghiệp, bạn bè, con cái của họ sử dụng giao thông công cộng: "Thành phố ngày càng trở nên căng thẳng và ô nhiễm, mà nguyên nhân chính đến từ các phương tiện giao thông cá nhân. Dù biết rằng ô tô và xe máy thuận tiện hơn, nhưng tôi vẫn ưu tiên chọn đi xe buýt vì tôi giảm thiểu đóng góp của mình vào sự ùn tắc và ô nhiễm đó", ông Đức chia sẻ.

Theo vị chuyên gia VCCI, không phải ai cũng có điều kiện để đi phương tiện công cộng, có người phải đưa đón con đi học lòng vòng, có người mà tính chất công việc buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, những ai có thể thì cố gắng tìm cách bố trí sắp xếp để có thể dùng phương tiện công cộng. Thường thì những lần đầu sử dụng sẽ mất thời gian, không quen do phải tìm kiếm tuyến xe, lên xuống nhầm bến. Nhưng sau một vài lần thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn.

Để khuyến khích người lao động tham gia giao thông công cộng, thay đổi thói quen đi lại, nhiều doanh nghiệp đã cùng chung tay, có các giải pháp hỗ trợ. Ông Nguyễn Khánh Trinh, chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội, cho biết công ty đã có chính sách hỗ trợ nhân viên bằng tiền nếu đi làm phương tiện công cộng.

Theo ông Trinh, các doanh nghiệp cần chung tay giảm tải ùn tắc, ô nhiễm. Công ty của ông Trinh có trụ sở tại Hạ Đình, bến tàu điện trên cao gần nhất ở ngã tư Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, cách khoảng 750m. Vị chủ doanh nghiệp cho rằng đây là khoảng cách hợp lý, thuận tiện để sử dụng phương thức di chuyển mới thay xe máy.

Lý do nhiều người Hà Nội lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng - 3
Ngày càng nhiều người chọn sử dụng xe buýt, các phương tiện công cộng để đi lại (Ảnh: Trọng Trinh).

Nhiều chuyên gia giao thông khác cũng cho biết, để thu hút khách đến với vận tải công cộng, việc quan trọng cần làm là phát triển hạ tầng giao thông công cộng, phủ kín mạng lưới để người dân ở tất cả mọi nơi đều có thể tiếp cận được.

Song song với việc cải thiện hạ tầng, các chuyên gia cho rằng cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như tổ chức lại giao thông, tổ chức các bãi đỗ xe, trong đó có khu vực trung tâm thành phố để thuận tiện hơn cho người đi xe công cộng.

"Sử dụng phương tiện vận tải công cộng vốn có nhiều lợi thế so với phương tiện cá nhân, mà lợi thế dễ nhận thất nhất là giá rẻ hơn rất nhiều. Đã rẻ rồi mà còn thuận tiện nữa thì ai mà ko thích đi chứ", một chuyên gia giao thông chia sẻ.