Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ

Trí Thành

(Dân trí) - Trong một ngôi miếu cổ ở Hải Phòng thờ một bức tượng đặc biệt có thể đứng lên nhẹ nhàng rồi lại từ từ ngồi xuống như người thật khiến người vô cùng tò mò.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 1

Bức tượng Đức Linh Lang Đại vương trong miếu Bảo Hà những ngày Xuân Nhâm Dần 2022.

Báu vật của làng

Làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) không chỉ nổi tiếng gần xa với nghề múa rối, tạc tượng truyền thống mà còn bởi có một bức tượng Đức Linh Lang Đại vương có thể chuyển động, đứng lên ngồi xuống vô cùng độc đáo thờ trong miếu Bảo Hà.

Ngôi miếu này còn có tên là Tam xã thượng đẳng từ bởi là tài sản chung của người dân 3 thôn: Bảo Động, Hà Cầu và Mai An ở xã Đồng Minh. Bên cạnh thờ Đức Linh Lang Đại vương, miếu còn thờ cụ Nguyễn Công Huệ, ông tổ nghề tạc tượng ở Bảo Hà.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 2

Nhiều người đến miếu Bảo Hà vì tò mò muốn được chiêm ngưỡng bức tượng có thể chuyển động đứng lên, ngồi xuống.

Nhiều du khách thập phương khi ghé thăm nơi đây không bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng bức tượng độc nhất vô nhị này. Bức tượng tạc nét mặt khôi ngô, có hồn như người thật, vai khoác hoàng bào, tay cầm văn tự ngồi trên ngai, có thể đứng lên nhẹ nhàng rồi lại ngồi xuống từ từ như người thật.

Qua tìm hiểu được biết, bí mật sự chuyển động này nằm ở cánh cửa bên phải điện thờ với hệ thống truyền lực kéo - đẩy nối giữa cánh cửa với tượng. Khi mở cánh cửa thì bức tượng dần đứng lên nhưng khi khép cửa lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu.

Bức tượng là sự sáng tạo tài tình của cha ông, kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối. Những nghệ nhân xưa đã sử dụng cách chuyển động trong múa rối để "thổi hồn" vào bức tượng tạo nên sự kỳ lạ, độc đáo.

Cận cảnh bức tượng đứng lên, ngồi xuống như người thật trong ngôi miếu cổ.

Bức tượng độc đáo này là "của hiếm" ở Việt Nam. Người dân địa phương coi đây là một báu vật và luôn bày tỏ niềm tự hào khi sở hữu một cổ vật là tinh hoa của làng nghề tạc tượng truyền thống.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bức tượng đứng lên, ngồi xuống đầu tiên đã bị phá hỏng khá nặng, hiện được lưu giữ trong hậu cung của miếu nhưng được che vải đỏ, bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ những vị chức sắc quan trọng của địa phương mới được lại gần. Sau này, dân làng quyết định tạc thêm một tượng Đức Linh Lang Đại vương giống với pho tượng cũ để cho mọi người chiêm bái như hiện nay.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 3

Một bức tượng tạc Đức Linh Lang Đại vương thờ ở bên ngoài được đánh giá vô cùng tinh xảo, đẹp mắt.

Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông sinh năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân. Linh Lang được sinh ra tại làng Trị Chợ, Thủ Lệ (quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay). Khi giặc Tống xâm lược nước ta, hoàng tử đã cầm quân chống giặc.

Trong một đợt hành quân, ngài đã tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân. Lúc ngài mất, dân làng xây miếu thờ ngay trên nền đồn binh xưa. Các triều đại sau như Cảnh Thịnh, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định đều phong sắc cho ngài là thượng đẳng thần, còn dân làng Bảo Hà tôn ngài là thành hoàng và tạc tượng thờ.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 4

Dân làng Bảo Hà suy tôn Đức Linh Lang Đại vương là thành hoàng làng.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 5

Miếu Bảo Hà còn lưu giữ nhiều cổ vật quý là tinh hoa của làng nghề tạc tượng lâu đời.

Tạc đàn voi từ… 7 hạt gạo nếp

Miếu Bảo Hà là một trong những di tích ở xã Đồng Minh còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc qua nhiều thế hệ của người Linh Động, Hà Cầu xưa. Năm 1991, miếu Bảo Hà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngôi miếu do chính bàn tay của những người thợ tài hoa của làng ở thế kỷ 13 chạm trổ có hoa văn tinh xảo, đẽo tạc những bức tượng đẹp được lưu giữ hàng trăm năm qua. Tổ nghề tạc tượng làng Bảo Hà là cụ Nguyễn Công Huệ.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 6

Cụ Tổ làng nghề tạc tượng Nguyễn Công Huệ phối thờ trong miếu Bảo Hà.

Tương truyền, cụ Huệ từng bị giặc Minh bắt đi phục dịch ở Quan Xưởng (Trung Quốc). Trong thời gian đó, cụ đã chú tâm học nghề chạm khắc, sơn mài và châm cứu. Đến đời vua Lê Nhân Tông, cụ Huệ trở về quê và dạy nghề tạc tượng cho dân làng.

Những người thợ tạc tượng Bảo Hà xuất sắc như cụ Hoàng Đình Ức, được phong chức Cục phó Cục Tạc tượng, tước Nam vào năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), Diệu nghệ bá Tô Phú Luật và phải kể đến Kỳ tài hầu Tô Phú Vượng, người gắn liền với giai thoại "7 hạt gạo nếp tạc thành đàn voi".

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 7

Sắc phong cho cụ Tô Phú Vượng, hậu duệ của cụ Tổ Nguyễn Công Huệ.

Tương truyền, vua Lê Cảnh Hưng đã vời ông Vượng vào cung tạc ngai vàng. Sau khi tạc xong ngai vàng, ông sung sướng đã tạo ra một kiệt tác nên ngồi thử. Bị thái giám phát hiện và tâu với nhà vua, ông Vượng bị khép tội "khi quân phạm thượng", nhốt vào ngục tối chờ ngày xử trảm.

Sống trong ngục mấy hôm, ông Vượng cảm thấy buồn tẻ, nhìn những cọng rơm nếp còn sót lại một vài hạt thóc nên đã bóc, chuốt 7 hạt gạo nếp thành 7 con voi với các tư thế khác nhau. Chuyện về đàn voi tí hon truyền đi khắp nơi, nhà vua biết chuyện, cảm phục cái tài của người thợ tạc tượng tài hoa, đã quyết định tha bổng, phong ông Tô Phú Vượng tước Kỳ tài hầu và cho về quê mở mang, lưu truyền nghề nghiệp.

Rất nhiều những bức tượng đẹp trong các ngôi chùa như chùa Mía, chùa Thầy (Hà Nội) tương truyền là do những người thợ tài ba làng Bảo Hà sáng tạo ra. Ngày nay, nhiều hộ dân làng Bảo Hà vẫn lưu giữ nghề tạc tượng, làm con rối mà cha ông để lại.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 8

Các bức tượng do nghệ nhân làng Bảo Hà tạc mang nét riêng biệt rất độc đáo, ấn tượng so với các nơi khác.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 9

Trong miếu còn có một giếng nước hình bán nguyệt được gọi là "mắt rồng". Thời xưa, nếu thả quả bưởi xuống giếng, quả bưởi có thể trôi xa ra tận sông Vĩnh Trinh cách khoảng 500m phía trước miếu. Nhưng hiện nay, do người dân xây nhà nhiều, nên thả quả bưởi chỉ còn trôi xa khoảng 30-40m ra đến cái hồ trước cửa miếu.

Khám phá bức tượng kỳ lạ biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ - 10

Người dân địa phương tự hào và gìn giữ di tích hàng trăm tuổi miếu Bảo Hà.