DMagazine

Hùng Trần Got It: "Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác"

(Dân trí) - Nhận mình chỉ "chém gió, ăn tàn phá hại", Hùng Trần, Founder Got It, có những chia sẻ thú vị về chuyện người Việt thành công ở nước ngoài, về nước đóng góp, chuyện quản trị "những người giỏi nhất".

Nhận mình "chỉ đi đi về về chém gió, ăn tàn phá hại", Hùng Trần, Founder Got It, có những chia sẻ khá thú vị với Dân trí về câu chuyện người Việt thành công ở nước ngoài, trở về Việt Nam đóng góp, chuyện quản trị "những người giỏi nhất".

19h. Kệ giày dép ngoài cửa trụ sở Got It trên tầng 9 và 12 một tòa nhà "view hồ Tây" vẫn còn hầu như toàn… giày thể thao. Trước khi bước vào, chúng tôi đã hình dung đến những mái đầu rối tung, những cặp kính cận dày cộp, tiếng gõ máy lọc cọc… đúng chất một công ty công nghệ - nơi có đến 90% nam giới, làm việc theo kiểu tự do, vô lối và có phần "khác người".

Nhưng không. Văn phòng Got It giống như một… quán cà phê co-working đầy lãng mạn, có kệ sách, piano, có những chậu cây xanh rợp, ghế treo, có bếp, quầy bar, bàn bi-a, bi lắc… và điểm đặc biệt là có rất nhiều nữ nhân viên trẻ, xinh xắn đang ngồi làm việc. Độ tuổi trung bình của nhân viên Got It, theo tiết lộ từ nhà sáng lập, là 27 tuổi.

"Đây là khu bếp. Đây là khu giải trí. Đây là khu "xả stress", có tâm sự hay hay ấm ức tới mức phát khóc gì thì chỉ đứng đây 15 phút để drama, giải quyết xong rồi thôi, làm việc tiếp…", Hùng Trần, nhà sáng lập Got It, dẫn chúng tôi đi tham quan văn phòng. Nhận mình "chỉ đi đi về về chém gió, ăn tàn phá hại", anh có những chia sẻ khá thú vị với Dân trí về câu chuyện người Việt thành công ở nước ngoài, trở về Việt Nam đóng góp, chuyện quản trị "những người giỏi nhất".

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 1

Giờ thì Got It gần như vẫn là một trong những tượng đài startup Việt thành công ở thung lũng Silicon. Tôi rất tò mò là lúc mới sang Mỹ, người sáng lập Got It mang theo gì?

Có 2 vali toàn… áo ấm. Tôi được khuyến cáo từ trước khi lên đường là Iowa lạnh kinh khủng nên mang nhiều. Mới sang mà, nên biết gì đâu, mọi người nói thế thì biết thế và ngoan ngoãn làm theo. Ngoài áo ấm ra thì là mì tôm và vài giáo trình chuyên môn thời học đại học. Mang sách vì nghĩ sang đó sẽ có một số kiến thức cũ mình sẽ quên chẳng hạn thì phải đọc lại, rồi tiếng Anh nhiều khi chưa tốt thì mang sách tiếng Việt để ôn lại cho nhanh. Có vậy thôi.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 3

Còn tiền thì sao?

Tôi có học bổng VEF từ chính phủ Mỹ và của Đại học Iowa nên mang tiền ít lắm, chủ yếu để mua sắm một số đồ lặt vặt khi chuyển tới nơi ở mới và để đề phòng là chính chứ cũng không có nhu cầu mua bán gì cả. Học bổng thì đã bao gồm toàn bộ vé máy bay, học phí, bảo hiểm, tiền chi tiêu hàng tháng và một số khoản phụ phí như đi hội thảo cho suốt thời gian làm nghiên cứu sinh.

Tôi hỏi như vậy vì trước đây anh có từng chia sẻ là lúc học đại học xong chỉ nghĩ đơn giản là có thể đi làm kiếm tiền. Và thực tế cũng không phủ nhận là với nhiều người, giấc mơ Mỹ của họ là giấc mơ đổi đời về kinh tế. Với anh thì không?

Đúng là lúc đi học đại học thì chỉ nghĩ đơn giản là làm thế nào để thoát khỏi cảnh cuối tháng hết tiền không phải xin gia đình thôi (cười). Nhưng sau này ra trường rồi đi làm, ngành IT có may mắn là lương rất ổn, khá khẩm hơn so với đa số các ngành khác lúc đó.

Giai đoạn 2007 thì lương cũng khoảng hơn 1.000 USD, sống tương đối OK rồi và nếu tiếp tục làm việc ở Việt Nam thì cũng sẽ có các cơ hội có thu nhập tốt hơn nhiều khi kinh nghiệm của mình có nhiều lên. Ngành IT thì chả bao giờ lo thiếu việc cả, cũng không phải lo lương thấp bao giờ. Và điều đó đúng, đến tận lúc này với mức thu nhập nói chung của ngành còn "khiếp" hơn. Thế nên tôi quan niệm đi Mỹ không phải duy nhất vì vấn đề kinh tế. Có phải đi lao động xuất khẩu đâu (cười), mà xác định đã đi học là phải tận dụng cơ hội để học đến nơi đến chốn những gì mình không được học ở Việt Nam. Giấc mơ Mỹ mà là giấc mơ nhặt nhạnh về mặt kinh tế thì chắc là của thời xa xưa lắm rồi, lâu lắm rồi, bây giờ ở Việt Nam có khi còn kiếm nhiều tiền hơn!

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 4

Vậy giấc mơ Mỹ của Hùng Trần là gì?

Thực tế mà nói thì lúc đầu cũng không hề rõ ràng đâu, cứ tìm cơ hội để đi đã rồi tính tiếp. Chỉ nghĩ Mỹ là thủ đô công nghệ, mọi phát minh hoành tráng về công nghệ đều đến từ Mỹ nên là ai làm công nghệ cũng muốn qua đây. Cũng giống như mấy bạn làm thời trang muốn đến Paris, thì "dân" công nghệ muốn đến Silicon Valley. Lúc đó, tôi có cơ hội học bổng đi Hàn Quốc hay Singapore sớm hơn nhưng tôi vẫn chờ để chọn Mỹ.

Sau thời gian học tập và khởi nghiệp ở Mỹ, nếu không phải tiền, vậy anh thấy mình được gì?

Cái được ở Mỹ của tôi không phải là tiền mà là sự thay đổi về mặt tư tưởng (mindset). Chính điều đó làm cho tôi nhận ra các điểm yếu chết người của mình để chịu khó học hỏi và thay đổi để có những kiến thức và kỹ năng cần thiết cả về chuyên môn cũng như quản lý để làm việc thoải mái và tự tin hơn. Hiện tại ở Got It, bên dưới tôi là một đội ngũ lãnh đạo bao gồm rất nhiều người giỏi hơn tôi cả 1.000 lần, toàn người cực "khủng" và có số má nhưng mọi thứ vẫn hoạt động rất nhịp nhàng để giúp công ty luôn tiến nhanh về phía trước.

Nghe có vẻ khó tin đúng không? Ở Mỹ, những người giỏi người ta cần một người lãnh đạo có tầm nhìn và luôn tạo điều kiện hết mức có thể để người ta phát triển về mặt nghề nghiệp. Người ta không cần một người sếp "cái gì cũng biết cái gì cũng giỏi", nếu thế thì lãnh đạo đi mà làm hết đi chứ sao phải tuyển họ về làm gì.

Còn nếu hiểu theo kiểu sếp phải là người giỏi nhất, mọi người đều kém hơn hay "điều 1 là sếp không bao giờ sai, điều 2 là xem lại điều 1" theo cách mà chúng ta rất hay thấy ở Việt Nam thì không ai muốn làm việc với mình cả. Đối với người giỏi ở Mỹ mà làm thế thì chắc chắn trong chốc lát mọi người sẽ nghỉ hết và công ty chỉ còn có mỗi mình sếp.

Người giỏi ở đó thì không thiếu cơ hội làm việc ở bất kỳ công ty lớn nào. Họ tham gia đội ngũ và ở lại với mình vì họ thấy họ có cơ hội lớn để tạo ra ảnh hưởng trực tiếp lên sản phẩm hay dịch vụ của công ty và họ được hỗ trợ hết mức có thể. Sếp là người tạo điều kiện để các nhân viên cùng phát triển và tạo ra kết quả tốt nhất từ cả đội ngũ chứ không phải theo kiểu mình là sếp nên mình quyền lực thích làm gì là làm và thích sai ai gì thì sai, làm vậy là hỏng hẳn. Đó là một trong những cái mà tôi học được.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 5

Thứ hai là việc "sống đúng với mình". Các bạn ở Mỹ không biết thì bảo không biết, biết thì bảo là biết mà không bao giờ phải giấu diếm và lo lắng bị người khác soi và đánh giá này nọ khi mình không biết một cái gì đó. Trước đây, bản thân tôi vì lý do nào đó không rõ nữa nhưng rất khó khăn khi mình chấp nhận mình dốt một cái gì đó. Không biết nhưng cứ nói vòng vòng, không bao giờ nhận là mình không biết cả. Khi mình đã không biết mà cứ giả vờ hoặc lảng tránh, người nói chuyện với mình họ có thể nhận ra một cách dễ dàng và thú thực là chả ai thích thú gì khi làm việc với những người như vậy cả.

Khi phỏng vấn nhiều bạn để tuyển người cho Got It thì tôi thấy thói quen này vẫn rất phổ biến trong các bạn trẻ. Chỉ cần nghe nói cái là tôi biết ngay bạn đó có biết hay không nhưng vẫn cứ kiên nhẫn nghe và hỏi sâu cho đến khi bạn nhận là "không biết thật". Khi đó, tôi cũng chỉ nhẹ nhàng "ô thế sao lại phải đi vòng vậy, từ nãy mất cả 5 phút để tránh trả lời những câu trực tiếp mà bạn chưa biết, lãng phí thời gian cả 2 bên" và hy vọng là các bạn học được một kỹ năng và thái độ mới kể cả là có vào làm việc ở Got It hay không. Nói chung là được ở những cái rất đơn giản như vậy thôi.

Đừng cái gì cũng cãi, cũng chối, cũng đổ tại, và đặc biệt là biết tuốt… Phải biết mình mạnh yếu như thế nào để rồi từ đó phát huy thế mạnh và bổ sung những gì còn yếu thì sẽ càng ngày càng ngon lành.

Đến giờ, anh thấy mình đủ giàu chưa?

Cũng chẳng biết thế nào là giàu vì mọi người có những cái định nghĩa rất khác nhau về sự giàu có. Nếu định nghĩa giàu có chỉ dựa vào số tiền mình có được thì tôi thuộc dạng nghèo kiết xác, còn định nghĩa giàu là sự học hỏi và trải nghiệm thì tôi cũng có chút ít vốn liếng (cười). Đương nhiên là không có đồng tiền nào thì cũng không thể sống được.

Cuộc sống của tôi khá đơn giản, không cầu kỳ nên gần như muốn cái gì thì cũng không phải quá khó khăn để có thể chi trả được. Tôi thấy bây giờ đã khá thoải mái, có đủ những thứ cần thiết như nhà cửa rồi và tôi nghĩ nếu có nhiều tiền hơn nữa cũng không thay đổi lắm cuộc sống của mình. Thực tế, ở Mỹ, không phải tiền là tất cả đâu. Họ có những thước đo khác về sự thành công.

Vậy anh có thấy mình thành công?

Nói chung là tôi thấy mình cũng làm được một số việc khá đặc biệt. Chưa biết đó có phải thành công hay không nhưng cũng có thể coi là làm được vài việc mà người khác chưa làm được hoặc thử mãi chưa làm được. Thực tế mà nói, Got It là công ty đầu tiên do những du học sinh trong nước qua Mỹ học xong ở lại làm mà có thể đi xa được cho đến bây giờ, cũng là công ty đi xa nhất. Ngoài Got It thì có vài cái tên khác nhưng nếu tính về quãng đường đi xa nhất thì là Got It.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 7

Ngày đầu khởi nghiệp trên đất Mỹ, anh có nghĩ mình đi xa thế và có khi nào anh nghĩ sẽ mang Got It về Việt Nam?

Không. Có một điều cực kỳ thú vị thì tôi làm thôi chứ tôi vẫn nghĩ tốt nghiệp xong sẽ làm ở công ty nào đó như mọi người, làm sao nghĩ được vậy, làm sao tính toán được. Cái chính, tôi thấy khả năng thích nghi của mình rất cao, kiểu như đi đến đâu thì cũng thích nghi được và tiếp tục.

Còn chuyện mang về Việt Nam ư, cũng không nghĩ nốt. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cứ làm cho nó hoạt động đi đã rồi tính sau. Khi nó hoạt động rồi thì lại muốn mở rộng tới càng nhiều nơi càng tối như cách gọi dân dã là chiếm càng nhiều đất càng tốt. Founder "đứa" nào chả tham (cười). Tuy nhiên mình cũng phải thực thế vì mong muốn là một chuyện và thực lực lại là một chuyện khác.

Cũng đúng thôi, vì khi lập doanh nghiệp rồi lại phải đi giải quyết bài toán kinh tế là hoạt động nào tốt nhất cho doanh nghiệp của mình. Đối với Got It thì Mỹ vẫn là thị trường tốt nhất nếu xét về mặt kinh tế vì đội ngũ quen với thị trường này, chưa kể ở đấy người ta sẵn sàng tiêu tiền cho dịch vụ của mình…. Sau đó, tôi mới tính đến mở rộng. Nhưng không phải vì mình là người Việt Nam mà mình "cố sống cố chết" để mang sản phẩm về Việt Nam bằng được nếu chưa biết hiệu quả như thế nào. Bài toán kinh tế ở đây là nhận tiền của nhà đầu tư thì phải có trách nhiệm với tiền đó, không thể bừa bãi được. Nên hiệu quả thì tôi mới làm. Kiểu vậy.

Và như thế, sau mỗi lần khó khăn, cần phải có lời giải thì Got It lại dường như càng phát triển. Có khi nào anh nghĩ nếu phẳng lặng thì mọi thứ đã không được như thế?

Có bài hát có câu "What doesn't kill you makes you stronger" (cái gì không giết được bạn sẽ làm bạn mạnh hơn) đấy thôi (cười). Mình mà đã không chết thì chắc chắn qua đó mình sẽ khỏe hơn, học được nhiều hơn để đi được xa hơn. Đó là tự nhiên. Hoặc lúc đó là chết thì chết hẳn không thể gượng dậy để đi tiếp được, nếu không chết vượt qua được thì chắc chắn là tốt hơn. Nói chung là công thức chung rồi, không phải mình công ty tôi.

Trước khi gây chấn động với việc gọi vốn 9 triệu USD, anh chia sẻ Got It bị từ chối nhiều lần. Cụ thể là bao nhiêu lần và lý do là gì?

Chắc vài chục lần gì đó. Lý do thì là người ta không tin mình. Có 3 yếu tố để người ta tin: Một là tin về sản phẩm, nếu tin sản phẩm họ sẽ xem đến yếu tố thứ hai là thị trường. Có thị trường tốt không, màu mỡ không, thị trường cạnh tranh khốc liệt không. Thứ ba là đội ngũ có ngon lành không. Có sản phẩm tốt, thị trường tốt thì đội ngũ có biến công ty đó thành khổng lồ hay không. Nhiều khi có công thức nhưng cảm giác chưa tự tin thì người ta vẫn "say no". Điều đó rất là bình thường. Pandora, Air BnB mà còn bị từ chối thẳng thừng và phũ phàng thì Got It bị từ chối cũng bình thường thôi.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 9

Có khi nào sự từ chối đó đến từ việc Got It do người Việt Nam làm?

Có thể có đó. Vì thường người ta sẽ tính đến mẫu số của một công ty mới thành công bao gồm vài yếu tố: lập trình viên gốc Do Thái trong độ tuổi 20, bỏ học khỏi các đại học lớn kiểu Stanford, Havard… Từ trước đến giờ, người gốc Việt cũng có một số người thành công ở Silicon Valley nhưng số đó không nhiều và chưa thấy sự thành công được lặp đi lặp lại. Còn người ở trong nước qua thung lũng Silicon thì giai đoạn đó hầu như chưa có ai cả. Chưa ai gọi vốn Serie A, chưa ai thực sự quá "hot" để mà người ta nhắm mắt đưa tiền. Nếu chỉ ở mức 50-60% người ta tự tin thôi thì cũng khó. Trong khi các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc chẳng hạn, startup nhiều "như quân Nguyên". Kiểu vậy. Và người ta bảo "thôi không đầu tư nữa", thì mình cũng biết nói sao.

Đó liệu có phải là một kiểu phân biệt chủng tộc trong đầu tư?

Không. Không phải phân biệt chủng tộc gì đâu. Sẽ là phân biệt chủng tộc nếu như việc startup đó là của người Việt Nam làm là lý do duy nhất để họ từ chối. Nhưng ở đây không phải, do họ chưa thấy đủ các yếu tố làm cho họ tự tin chứ không phải do ghét người Việt nên không đầu tư. Cũng như kiểu học Stanford ra cơ hội thành công cao thì không có nghĩa không học Stanford cơ hội không cao. Chỉ là do họ chưa nhìn thấy.

Còn với các trường hợp khác có hay không có chuyện phân biệt chủng tộc thì tôi không biết, không kết luận được. Chỉ biết trong trường hợp của mình thì điều đó không đúng.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 11

Thời đó thì ít nhưng bây giờ thì người châu Á nói chung và người Việt Nam cũng có một số khá là thành công ở Silicon Valley. Theo anh thì vì sao?

Ở Mỹ, người các nơi cũng thành công khá nhiều chứ không chỉ có người châu Á đâu. Nhiều khi người châu Á thành công ở Mỹ so với nơi họ xuất phát có gì đó khác biệt thì họ được chú ý thôi. Ví dụ như Got It cũng được mọi người biết nhiều vì hồi đó lần đầu có thứ kiểu vậy. Còn nếu bạn nhìn hàng ngày, gặp hàng ngày thì bạn không thấy đó là điều đặc biệt gì cả. Ví dụ ngày xưa chúng tôi gọi vốn được 9 triệu USD thì là đặc biệt nhưng giờ các công ty của founder người Việt gọi được vài trục triệu USD thì người ta cũng không quan tâm nhiều nữa vì nó xảy ra khá thường xuyên rồi. Cái người ta quan tâm ở thời điểm đó là nó hiếm, chứ bây giờ, 9 triệu USD "là cái đinh" (cười). Lần đầu tiên, bạn luôn được chú ý.

Thế Hùng Trần thành công ở Silicon Valley do đâu, liệu có hoàn toàn do may mắn?

May chứ. Tôi may nhiều. Một cách nào đó, tôi tuyển được toàn người giỏi và những người đó giúp tôi giải quyết tất cả vấn đề về sau. Cho đến tận bây giờ không nhiều người nghĩ tôi có thể tuyển được những người như vậy đâu, những người đang có công việc cực kỳ "xịn xò" và "ngon lành". Sau vài buổi nói chuyện để tìm hiểu kỹ về tầm nhìn và định hướng phát triển của công ty cũng như tiềm năng tạo ra các giá trị tích cực, họ quyết định nghỉ việc, tham gia vào Got It. Cái đó chính tôi cũng không thể giải thích được.

Khi gặp họ, anh kể gì mà họ bỏ việc "xịn" để theo anh - founder một startup non trẻ ở Silicon Valley?

Tôi chỉ kể mình muốn gì, cơ hội thành công của công ty không cao nhưng nếu thành công thì có thể thay đổi thế giới thế nào. Điều này "match" được với cái mà họ đang muốn làm, họ mơ ước, thế là họ tham gia thôi. Đại loại là Got It có một câu chuyện khá là hay và dễ tạo ra sự đồng cảm với nhiều người để họ nghĩ là cũng đáng để chấp nhận một chút rủi ro khi chuyển việc. Nhiều khi ở Mỹ, mọi thứ chỉ đơn giản như thế thôi.

Đi làm headhunter như thế, anh có kỷ niệm gì?

Khi công ty đạt được cột mốc về sự hòa hợp giữa sản phẩm và thị trường, chúng tôi liên tục gặp những khó khăn về tăng trưởng do khâu vận hành kém. Công ty xác định luôn là chỉ có thể sống sót được nếu có một người vận hành giỏi. Tôi gặp một bạn đang làm sếp cao cấp ở Lyft - công ty cạnh tranh với Uber bên Mỹ. Trước Lyft thì bạn ấy làm Google Books, phụ trách nguyên một mảng vận hành. Mọi thứ của bạn ấy đều đang cực "ngon". Nhưng sau mấy lần nói chuyện với nhau, bạn ấy đồng ý về Got It, giờ thì đang phụ trách toàn bộ mảng vận hành của công ty. Quyết định nhanh chóng của bạn ấy như vậy khiến chính tôi cũng không hiểu tại sao luôn.

Nếu nói về lương, thì Got It trả lương đâu có cao. Đương nhiên nếu tham gia từ những ngày đầu thì nhân sự cao cấp như thế cũng có những "stock option" (quyền mua cổ phiếu) tương đối để mà đảm bảo nếu công ty thành công thì sẽ bù lại tất cả những gì thiệt thòi về mặt tài chính khi nhân sự đó bỏ việc ở chỗ cũ. Nhưng đó vẫn là tương lai và bản chất là tôi đang đi bán câu chuyện của tương lai thôi. Thời điểm đó mọi thứ mới chỉ là khởi đầu với đầy rủi ro và thách thức ở phía trước.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 13

Như vậy là anh sales khá tốt đó chứ?

Có lẽ vậy. Đó là may mắn. May mắn tôi gặp được đúng người đó để mà sales. Chứ gặp người chả muốn mua thì mình sales thoải mái người ta cũng không nhận lời. (Cười).

Hoặc như ông Peter Relan, CEO của Got It bây giờ, người được mệnh danh là "bố già Silicon Valley". Lúc đầu thì ông ấy có một quỹ đầu tư nho nhỏ, có một cái vườn ươm khởi nghiệp. Nhưng mà tôi làm việc với ông một thời gian rồi tôi lại thuyết phục ông ấy bỏ tất cả để tham gia với mình, ông cũng đồng ý. Tham gia là tham gia, chẳng tính toán nhiều. Có khi người ta cũng trải qua những cái đó nhiều nên dựa vào kinh nghiệm thôi. Và còn rất nhiều các nhân sự giỏi khác nữa từng người từng người một. Chứ ở Việt Nam mà bảo ai đó bỏ hết mọi thứ đi theo thì khó lắm. Tuy nhiên không phải người nào cũng tin vào câu chuyện của mình cả, có những người trước đây người ta không tin và bây giờ gặp lại nói chuyện thì cũng có một chút gì đó tiếc nuối.

Khi Got It về Việt Nam, anh có còn giữ quan điểm dùng người giỏi nhất nữa không vì theo tôi được biết thì văn hóa Việt Nam không giống như Mỹ, leadership của Việt Nam cũng khác hoàn toàn?

Có chứ. Yếu tố số 1 để công ty có thể phát triển với tôi vẫn là tuyển quân. Thậm chí, nhiều khi tôi xác định luôn nhiệm vụ số 1 của tôi là tuyển và đào tạo những người giỏi. Chúng tôi có cả một quy trình để tuyển chọn và đào tạo các tài năng cho đội ngũ ở Việt Nam và quy trình này hoạt động khá hiệu quả. Không những tuyển chọn được những bạn xuất sắc ở Việt Nam mà còn thu hút được rất nhiều bạn trẻ người Việt ở nước ngoài về Hà Nội làm việc.

Tôi may mắn có được sự hỗ trợ của gia đình chứ nếu gia đình bấp bênh là "toang" như chơi. Nhà tôi thì vợ tôi gần như "mù quáng" nghe theo. Bảo đưa tiền là đưa, bảo về Việt Nam là về. Vợ đang đi làm bình thường nhưng mọi thứ có vẻ bấp bênh nên tôi bảo "về Việt Nam đi", thế là bỏ việc đi về luôn. Kiểu thế. (Cười).

2014 là năm cực kỳ khó khăn với Got It. Tôi stress từng ngày chứ không phải thỉnh thoảng. Đang gọi vốn "ngon", đến vòng đàm phán với nhà đầu tư thì bạn co-founder bỏ cuộc. Lúc đó tôi phải thuyết phục nhà đầu tư cho thêm 3 tháng để vực dậy Got It.

Làm founder, bạn sẽ có cảm giác cực kỳ cô đơn vì không ai hiểu mình cả. Khi mọi thứ đều không diễn ra như mong muốn, mình đứng giữa và cảm giác như cả thế giới đang chống lại mình vậy. Cảm giác đó cực kỳ cô đơn nhưng bạn lại không thể trốn tránh mà phải đối mặt để giải quyết. Ví dụ bạn đi làm, bạn ghét sếp và muốn bỏ việc thì bạn có thể bỏ. Chứ founder thì không thể bỏ công ty được, phải đối đầu mà giải quyết. Tôi rất đề cao văn hóa công ty là vì thế. Gặp thành phần nào mà không "fit" với văn hóa, gây ra những thứ không tốt với team thì sẽ giải quyết luôn. Khi đó, giỏi hay dốt không còn quan trọng nữa, quan trọng là phải "fit" văn hóa. Giỏi mấy mà không "fit" được thì cũng ra đi.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 15

Hunt toàn người giỏi về, anh làm sao để quản trị họ?

Giỏi hay không không quan trọng. Quan trọng là mình phải có công việc cụ thể cho họ và yêu cầu kết quả. Giỏi hay không giỏi khi đó sẽ thể hiện được ở việc có ra kết quả hay không. Nhiều người "chém" giỏi lắm nhưng có làm được việc đâu. Luôn miệng bảo không thích cách này, tôi sẽ làm theo ý tôi, không theo tiến trình nhưng đưa sản phẩm ra lại không khớp được với thị trường global, chả ra đâu cả, thì không được.

Còn về quản trị, tôi nghĩ làm gì thì làm, mình phải là người gương mẫu đầu tiên. Có những đợt cả đội cũng gặp vấn đề chứ, mọi thứ không đâu vào đâu thì chính tôi sẽ là người đầu tiên làm việc 20 tiếng một ngày. Hoặc có vấn đề gì đó mà cầu mọi người phải tham gia giải quyết thì tôi cũng phải nhảy vào. Nguyên tắc của tôi là không bắt ai làm việc gì mà chính bản thân mình còn không muốn làm. Khi làm được như vậy, mọi người sẽ có cảm giác họ luôn được hỗ trợ.

Cuối cùng là phải công bằng để đánh giá đúng. Đừng cướp công của người khác và đừng để những ai không chịu làm việc nhưng vẫn được hưởng thái bình. Nhiều sếp có kiểu "làm sai thì lỗi ở anh, còn làm đúng thì do tôi nghĩ ra cái đó". Như vậy không ổn, chẳng ai sẽ tin là mình sẽ công bằng để mà tiếp tục làm việc với mình nữa.

Tất cả điều đó tôi học được từ những người giỏi. Gặp họ sớm, họ chỉ ra cho mình.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 17

Như vậy thì suy cho cùng, quan trọng số 1 vẫn là làm trong môi trường của những người giỏi, số 2 là giữ được người tài. Về Việt Nam, quan điểm đó của anh có bị tác động?

Thật ra thì phải tạo ra môi trường như thế và phải làm hết sức để tạo ra môi trường như thế. Không làm được là thất bại. Nên tôi có những bạn làm việc cùng từ những ngày đầu tiên hồi năm 2011 đến giờ vẫn đang tiếp tục làm việc ở công ty, hay ở Mỹ thì có người làm từ 2014 đến giờ, đó là điều cực kỳ hiếm.

Nói chung phải tạo ra môi trường để đó là môi trường mà người ta đến đó để làm việc, không lãng phí một giây phút nào cho những "drama", không làm được thì mình thất bại chứ không phải họ. Tôi xác định mình luôn phải là "người gác cổng", làm cho môi trường của mình "healthy". Môi trường tốt sẽ kéo được người tốt vào. Là founder thì phải xác định làm được điều đó và làm việc cực chăm chỉ để luôn được như vậy.

Còn thì mỗi công ty lại đặt một mục tiêu tối ưu hóa. Có nơi trả lương cao, vắt kiệt sức rồi quẳng người ta ra đường. Nhưng cũng có những công ty khác như Got It chẳng hạn thì kiên nhẫn tuyển người trẻ về, đào tạo đến khi họ trưởng thành. Khi đó, một là họ "fit" với mình, lúc ấy thì lương lậu không còn là vấn đề chính nữa mà cái chính là mình đưa cho họ một "career path" (con đường sự nghiệp). Đương nhiên mình cũng không thể trả lương thấp lè tè được mà cũng phải ở mức tương đối so với thị trường, ước mơ gì đi nữa thì cũng cần phải có tiền để sống đã chứ. Tôi không bao giờ bỏ tiền gấp 3-4 lần đi câu người ở chỗ khác. Và ngược lại, nhiều công ty khá cố gắng nhưng cũng không dễ gì câu được người của Got It. Đấy là văn hóa mình tạo nên.

Chúng tôi có IASK - định nghĩa con người ở Got It. I là Intelligence (thông minh), A là Attitude (Thái độ), S là Skills (Kỹ năng) và K là Knowledge (Kiến thức). Trong đó thì I và A là quan trọng nhất. Tôi sẽ chọn người thông minh, có thái độ tốt. Có thể họ non, chưa kinh nghiệm, chưa có kiến thức sâu. Những thứ đó có thể đào tạo nhưng nếu láo và thái độ xấu thì chắc là vô phương.

Tức là nếu thông minh nhưng thái độ chưa ổn thì cũng khó mà tiến xa được?

Môi trường làm việc sẽ làm cho mọi người gắn kết tốt. Khi đó thì 1 + 1 sẽ bằng 3 chứ không phải bằng 2 nữa. Bạn để ý thấy STEAM For Vietnam (SFV) không. Đi nhanh như vậy vì copy paste mọi thứ từ Got It sang. 9 tháng kể từ khi thành lập mà bây giờ SFV đâu khác gì một công ty Serie B. Những startup "lởm khởm" khác ở Việt Nam không cạnh tranh được với SFV. Tất cả những gì tích lũy được trong 10 năm qua tôi đem hết về SFV, kể cả việc tuyển người.

Tôi và các cộng sự làm SFV mong muốn có một lực lượng làm công nghệ "xịn" hẳn, từ kỹ sư phần mềm, quản lý sản phẩm... Giờ chúng ta chưa có lực lượng đó. Tôi biết điều này vì đi phỏng vấn cả nghìn người rồi. Thị trường hiện tương đối bát nháo, thiếu lắm nên nói chuyện "global" đâu có được.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 19

Tại sao bây giờ tôi lại muốn tập hợp? Vì tôi nhìn thấy cơ hội. Nhiều người Việt mình trong lĩnh vực công nghệ ở nhà còn kém chút nhưng nếu ra nước ngoài được đào tạo, tôi luyện thì lại làm rất "ngon" ở các công ty công nghệ khổng lồ. Nói chung là người Việt mình có tài năng "thô" nhưng toàn để phí thôi, chưa được rèn giũa để trở thành hàng "khủng". Tôi thì thấy các bạn trẻ (tôi hay gọi vui là "trẻ trâu"), nếu được đào tạo từ sớm thì sẽ có nhiều cách để đi xa mà không cần phải đi theo con đường của thế hệ tôi nào phải học, thi cử, du học, tìm cách ở lại Silicon Valley… mới khá được. Giờ nếu người trẻ được học sớm, sâu, đủ ngấm vào người và có sự đam mê thì không lo gì không đi được xa.

Liên quan câu chuyện này thì vừa rồi Việt Nam đặt ra khát vọng hùng cường. Và nhiều chuyên gia cho rằng muốn làm được thì chúng ta phải đầu tư bài bản cho giáo dục. Góc nhìn của anh ra sao?

Đầu tư vào nhân lực là đúng, ai cũng biết. Nhưng quan trọng là làm như thế nào và nếu làm đến nơi đến chốn ra sao thì nhiều khi chỉ khác nhau chỗ đó thôi. Bắt tay vào làm là quan trọng. Đương nhiên, giáo dục là một lĩnh vực khổng lồ và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Nhưng nó có nhánh nhỏ và tôi nghĩ chúng tôi có thể làm được gì đó thì tập trung vào đó thôi. Sức mình đến đâu mình làm đến đó chứ không ai có thể "một tay che trời" cả. Cứ nghĩ mình làm tốt được đến đâu thì làm.

Nhưng cũng không phủ nhận câu chuyện chúng ta có những người giỏi và họ đi là đi luôn, đâu có quay về Việt Nam?

Cũng không biết thế nào là thành công, là giỏi. Mỗi người đều có một kế hoạch tối ưu riêng. Người tối ưu phát triển cá nhân, người muốn tối ưu sự học hành của con cái, người tối ưu sự ổn định.

Còn Got It, SFV hay tôi thì làm thế này cũng không phải trở về hay gì cả. Nói vậy to tát quá. Nó chỉ đơn giản là tôi thấy làm việc đó có ích cho xã hội. Miễn là làm việc có ích. Còn ở hay về đâu có quan trọng gì đâu, quan trọng là làm được gì. Giờ thế giới phẳng rồi. Bạn ở đâu thì cũng có thể đóng góp. Thậm chí, trong ngành công nghệ là không có biên giới. Cho nên đừng quan niệm quá nặng nề mà hãy nghĩ nên làm việc gì có ích cho người kém may hơn. Mình may mắn hơn người ta nhưng chưa chắc đã giỏi hơn đâu nhé. Ai vỗ ngực bảo giỏi, tôi nghĩ cũng cần xem lại. Hãy làm những việc đó, việc to, bé đều làm miễn mình vui vẻ. Khi mình thích thì mình sẽ làm được, tôi nghĩ thế.

Quay lại câu chuyện của SFV. SFV gần như không có đối thủ bởi vì những người tham gia là những người vô cùng giỏi. Họ toàn nhận lương 500.000 - 700.000 USD cả năm, chả có cửa gì mà tôi thuê họ cả. Nhưng họ vẫn tham gia và làm việc hết mình vì họ có "trái tim lớn", giỏi và có tâm. Họ dạy các em thì làm gì có ai là đối thủ nữa. Tôi thấy mọi người cũng có những ý kiến trái chiều về SFV nhưng tôi cũng không quan tâm. Làm là làm thôi. Kiểu thế.

Hùng Trần Got It: Nếu về tiền, tôi thuộc dạng nghèo kiết xác - 21

Got It ra mắt năm 2011, là ứng dụng giáo dục trên nền tảng hỏi - đáp. Ứng dụng này thường xuyên nằm trong top 10 ứng dụng giáo dục trên Apple Store của Mỹ. Sau 10 năm vận hành, startup do Hùng Trần sáng lập huy động được hơn 25 triệu USD vốn từ các quỹ đầu tư nổi tiếng, mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực khác nhau bên ngoài giáo dục. Got It giúp người dùng làm việc hiệu quả hơn thông qua việc kết nối người dùng với chuyên gia và tự động hóa dùng trí tuệ nhân tạo.

STEAM For Vietnam là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập tại Mỹ, có sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan đến giáo dục STEAM (Science - Technology - Engineering - Arts - Mathematics) tại Việt Nam. Không vì mục tiêu lợi nhuận, STEAM For Vietnam muốn tạo ra thế hệ trẻ có khả năng đi xa hơn cho ngành công nghệ Việt Nam.

Bài viết: Đan Anh - Hoàng Dung

Thiết kế: Khương Hiền - MS