Đắk Nông:

"Đánh thức" tiềm năng hang động núi lửa Việt Nam

Đặng Dương

(Dân trí) - Ngày 22/11, tại Đắk Nông đã diễn ra Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo khoa học "15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam".

Tại buổi lễ khai mạc, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực về Công viên địa chất (CVĐC), hang động núi lửa.

Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai Hội nghị ISV20 đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới.

Đánh thức tiềm năng hang động núi lửa Việt Nam - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị ISV20 (Ảnh: P.H).

Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, mặc dù là thành viên còn rất trẻ trong Mạng lưới Công viên địa chất, nhưng thông qua hoạt động này, tỉnh Đắk Nông sẽ thu hút được các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao thêm giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - khẳng định thêm đây là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế đến bạn bè trong và ngoài nước.

Đánh thức tiềm năng hang động núi lửa Việt Nam - 2

Núi lửa Nâm Ka- một trong những núi lửa trẻ nhất trong hệ thống núi lửa tại Đắk Nông (Ảnh: T.L).

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông hy vọng thông qua sự kiện này, tỉnh sẽ học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 26/11. Trong khuôn khổ chương trình, sẽ có một số hội thảo, triển lãm ảnh và khám phá thực tế 8 hang động núi lửa tại Đắk Nông.

Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2020.

Công viên có diện tích 4.760km², trải dài trên địa bàn 5 huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa. Nằm trong công viên này, có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m.