Thanh Hóa:

"Cử tri đặc biệt" ở trại tạm giam: Chúng tôi vui vì được coi là công dân

Bình Minh

(Dân trí) - Những "cử tri đặc biệt" ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa xúc động trước việc được cán bộ đến tận buồng giam tuyên truyền kế hoạch của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp diễn ra.

Cử tri đặc biệt

Hơn 1 tháng nay, sau khi nhận được kế hoạch bầu cử của Công an tỉnh Thanh Hóa, cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp xuống từng buồng giam để phổ biến cho người đang bị tạm giữ, tạm giam biết quyền được bầu cử của họ.

Ngoài việc mở loa phát thanh để tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh cũng như quy định của pháp luật về bầu cử, cán bộ quản giáo còn thông tin về tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cử tri đặc biệt ở trại tạm giam: Chúng tôi vui vì được coi là công dân - 1

Danh sách hơn 700 cử tri được niêm yết tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, cán bộ quản giáo cũng lựa chọn những người đang bị tạm giữ, tạm giam có khả năng làm công tác tuyên truyền để quán triệt, hướng dẫn. Sau khi được nghe giới thiệu các thông tin quan trọng về cuộc bầu cử, họ sẽ là những "tuyên truyền viên" thực hiện nhiệm vụ truyền đạt lại cho bạn cùng buồng.

Khi biết bản thân vẫn có quyền được bầu cử, rất nhiều người đang bị tạm giam, tạm giữ ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa tỏ ra phấn khởi, vui mừng. Họ cho biết, đã nghe cán bộ tuyên truyền cả tháng nay nên hiểu và sẽ chấp hành đúng luật bầu cử.

Tại nhà giam nam, danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, danh sách cử tri tham gia bỏ phiếu được niêm yết ở vị trí trang trọng. Cán bộ quản giáo - trung tá Bách Văn Thắng giới thiệu cho anh N.S.V. (SN 1967, ở xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương) về quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND cũng như thông tin tóm tắt về các ứng cử viên.

"Ngày nào cũng vậy, cán bộ quản giáo đều đến từng buồng để thông tin cho chúng tôi biết tiến độ, kế hoạch của cuộc bầu cử sắp diễn ra. Nhờ công tác tuyên truyền của các cán bộ, tôi và những người trong buồng giam hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam.... Tôi rất vui khi ở đây vẫn được thực hiện quyền công dân" - Anh N.S.V chia sẻ.

Còn chị Đ.T.L (SN 1965 ở phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa) nói: "Trong những quyền mà người tạm giam, tạm giữ được hưởng, tôi cho rằng, quyền bầu cử là quyền lớn nhất. Đây là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước cũng như pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rất vui và xúc động vì dù ở đây, chúng tôi vẫn được xem là những công dân. Đó cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu cải tạo tốt".

Cử tri đặc biệt ở trại tạm giam: Chúng tôi vui vì được coi là công dân - 2

Cán bộ quản giáo của Trại tạm giam kiểm tra danh sách cử tri.

Được biết, Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.000 đối tượng bị tạm giam, tạm giữ và phạm nhân đang thụ án. Hiện tại, trại tạm giam (tổ bầu cử số 2, thuộc Ủy ban Bầu cử phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa) có 750 cử tri được tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Liên tục cập nhật danh sách cử tri

Theo Đại tá Lê Bá Chinh, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh, hiện tại, trại tạm giam có 750 cử tri được tham gia bỏ phiếu bầu cử. Tuy nhiên, từ nay đến ngày bầu cử, con số này còn có nhiều biến động.

Vì vậy, cán bộ trại tạm giam phải thường xuyên rà soát, cập nhật để bổ sung kịp thời số cử tri là người nhập trại hoặc đưa ra khỏi danh sách những cử tri có quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn, trả tự do... Theo đánh giá, qua công tác tuyên truyền, người bị tạm giam, tạm giữ cơ bản nắm bắt được quyền lợi của mình và thể hiện thái độ hợp tác, chấp hành.

Đến thời điểm trước 24 giờ diễn ra bầu cử (23/5/2021), trại tạm giam sẽ chốt danh sách cử tri với Ủy ban Bầu cử phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa để nhận và phát thẻ cử tri cho người bị tạm giam, tạm giữ.

Cũng theo Đại tá Lê Bá Chinh, trong ngày bầu cử, nếu tình hình dịch bệnh Covid -19 còn diễn biến phức tạp, Trại tạm giam Công an tỉnh sẽ bố trí 50% cán bộ cảnh sát của trại bỏ phiếu trước tại hòm phiếu chính. Sau đó, trại sẽ cử cán bộ đưa hòm phiếu phụ di chuyển qua từng buồng giam để các "cử tri đặc biệt" này thực hiện quyền công dân của mình. Sau khi các "cử tri đặc biệt" bỏ phiếu xong thì số cán bộ cảnh sát còn lại mới được bỏ phiếu.

Theo khoản 5, Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc...