80 tuổi cần mẫn lao động, góp gạo tặng người nghèo

Gần 80 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Lẹ, ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên (Kiên Giang) vẫn cần mẫn nhặt dây nhựa tái chế thành sản phẩm thủ công.

Sợi dây nhựa buộc gạch ống là loại dây cứng, khó tái sử dụng, các vựa ve chai không thu mua, vì vậy người dân thường đốt bỏ hoặc tùy tiện vứt đi, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan nông thôn.

Ông Lẹ chia sẻ: "Được người em làm công nhân ở TP. Phú Quốc đem về sản phẩm đan lát từ sợi dây nhựa buộc gạch của các công trình xây dựng nên tôi nhặt về đan thử. Do trước đây tôi được học nghề đan lát thủ công bằng tre nên khi làm chất liệu này khá thuận lợi. So việc đan bằng tre, đan sợi dây nhựa nhàn hơn vì không mất thời gian chẻ và vuốt tre. Chất liệu này cứng, độ dẻo vừa phải nên sản phẩm làm ra có độ bền cao, chịu sức nặng tốt".

1 sản phẩm, rồi 2 sản phẩm, nếu tính đến thời điểm hiện tại từ bàn tay khéo léo ông Lẹ đã cho ra đời hàng chục loại sản phẩm thủ công như xịa, rổ, giỏ xách, chậu cây… Những sản phẩm từ nguồn rác thải nhựa này không chỉ phục vụ tốt nhu cầu sử dụng của người dân, mà số tiền làm ra ông Lẹ còn chi vào việc có ích - mua gạo tặng người nghèo.

80 tuổi cần mẫn lao động, góp gạo tặng người nghèo - 1

Ông Nguyễn Văn Lẹ đan sản phẩm từ sợi dây nhựa buộc gạch nhặt từ các công trình xây dựng.

Để có những sợi dây nhựa, dù tuổi gần 80 nhưng ông Lẹ vẫn cần mẫn đạp xe đi thu nhặt. Từ năm 2019 đến nay, cứ nghe chỗ nào có công trình đang thi công hoặc người dân trong xóm, ấp cất, sửa nhà là ông Lẹ có mặt để thu nhặt loại rác thải nhựa này.

Khi mọi người biết việc làm ý nghĩa của ông, nhiều cơ sở bán vật liệu xây dựng, công trình lớn mỗi khi có dây nhựa thải ra gom sẵn và gọi ông lại chở về. Loại dây nhựa dùng để buộc vật liệu xây dựng nên sản phẩm thủ công của ông Lẹ bền chắc hơn so nhiều loại sản phẩm từ dây nhựa trên thị trường lại vừa không bị mối mọt làm hư như các sản phẩm đan lát bằng tre, trúc.

Các sản phẩm của ông Lẹ được người dân địa phương ưa chuộng sử dụng và thường xuyên đặt mua theo yêu cầu. Bình quân mỗi tháng, ông Lẹ kiếm 3 triệu đồng từ việc tái chế rác thải nhựa. Đây là nguồn kinh phí ông Lẹ dành để mua gạo tặng người nghèo.

Ông Lẹ chia sẻ: "Giờ các con tôi đã lớn và có cuộc sống ổn định, vợ chồng tôi mong góp chút gì đó giúp người nghèo. Vợ chồng tôi lớn tuổi nên cho thuê đất canh tác, hàng ngày tôi gom dây nhựa rồi đan một vài sản phẩm bán dành tiền giúp người nghèo".

Cách học và làm theo Bác của ông Lẹ tạo ra giá trị vật chất để chăm lo cho người nghèo, góp phần lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư về ý thức bảo vệ môi trường, tích cực cùng chính quyền địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Thị Mận - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Mương Chùa cho biết: "Ông Lẹ là tấm gương về thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm, gương mẫu và sáng tạo. Dù lớn tuổi nhưng ông vẫn cố gắng duy trì việc nhặt dây nhựa về đan bán kiếm tiền, mua gạo tặng người nghèo. Đây là cách để ông Lẹ giáo dục, động viên con cháu trong gia đình không ngừng học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp sức xây dựng và phát triển quê hương".

Với việc làm bình dị, nhưng mang nhiều ý nghĩa cao quý, ông Lẹ được Ban Thường vụ Huyện ủy An Biên tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh quý II-2022.

Theo baokiengiang.vn