Xem người giàu mua tranh, để thấy "người giàu đang giàu lên khủng khiếp"

Bích Ngọc

(Dân trí) - Giá các tác phẩm nghệ thuật đang tăng lên nhanh chóng, những con số chục triệu USD, trăm triệu USD liên tục xuất hiện, điều đó nói lên điều gì?

Xem người giàu mua tranh, để thấy người giàu đang giàu lên khủng khiếp - 1

Bức "Untitled" (Không đề) được thực hiện bởi họa sĩ người Mỹ Jean-Michel Basquiat (1960 - 1988) hồi năm 1982 (Ảnh: The Guardian).

Bức "Untitled" (Không đề) được thực hiện bởi họa sĩ người Mỹ Jean-Michel Basquiat (1960 - 1988) hồi năm 1982 từng được bán ra thị trường hồi năm 2004 với giá 4,5 triệu USD. Trở lại thị trường 12 năm sau, bức tranh có giá 57,3 triệu USD. Khi ấy, con số này đã là mức giá kỷ lục trả cho một tác phẩm của Basquiat.

Tới giữa tháng 5 này, bức "Untitled" (1982) xuất hiện trở lại trong một cuộc đấu giá tổ chức ở New York (Mỹ) và đạt mức giá lên tới 85 triệu USD, người mua là một nhà sưu tầm đến từ Châu Á. Đây hiện là bức tranh đắt giá thứ 4 trong sự nghiệp ngắn ngủi của danh họa đoản mệnh người Mỹ.

Bức "Shot Sage Blue Marilyn" được thực hiện bởi danh họa Andy Warhol được bán ra với giá 195 triệu USD hồi đầu tháng này.

Ba bức tranh của Pablo Picasso, Claude Monet và Paul Cézanne vừa đạt tổng mức giá gần 166 triệu USD trong một cuộc đấu giá diễn ra cách đây ít ngày.

Mới đây, bộ sưu tập nghệ thuật của cặp vợ chồng người Mỹ nổi tiếng trong giới sưu tầm mỹ thuật - ông Harry Macklowe và bà Linda Macklowe - cũng được đem ra rao bán đấu giá sau khi hai nhà sưu tầm quyết định ly hôn khi tuổi đều đã ngoài 80.

Bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật trị giá 246 triệu USD của nhà Macklowe bao gồm nhiều tác phẩm được thực hiện bởi các danh họa như Andy Warhol, Jackson Pollock và Mark Rothko... Sau cùng, bộ sưu tập đã được bán ra với tổng số tiền thu về lên tới 922 triệu USD.

Bộ sưu tập 12 tác phẩm mỹ thuật của nhà sưu tập quá cố người Mỹ - bà Anne Bass (1941 - 2020) cũng vừa được bán ra thị trường với mức giá lên tới 363 triệu USD.

Xem người giàu mua tranh, để thấy người giàu đang giàu lên khủng khiếp - 2

Bức "Shot Sage Blue Marilyn" được thực hiện bởi danh họa Andy Warhol được bán ra với giá 195 triệu USD hồi đầu tháng này (Ảnh: The Guardian).

Các nhà đấu giá nổi tiếng tại New York như Sotheby, Christie, Phillips đều đã bán ra được hàng loạt tác phẩm nghệ thuật với tổng số tiền thu về lên tới 2 tỷ USD chỉ tính riêng trong tháng 5 này.

Đặc biệt, nhà đấu giá Sotheby New York đã thu về hơn một tỷ USD từ việc bán ra các tác phẩm nghệ thuật chỉ tính riêng trong tuần thứ 3 của tháng 5 này. Sotheby ước tính lượng tiền chi ra nhiều nhất đang đến từ giới sưu tầm tại Châu Á và từ những phiên đấu giá online.

Vì sao thị trường sưu tập tranh bùng nổ?

Giữa những biến động khó lường về địa chính trị, lạm phát gia tăng, chứng khoán sụt giảm, thì thị trường sưu tầm tác phẩm nghệ thuật lại bùng nổ. Sự bùng nổ này được "mồi lửa" bởi sự xuất hiện của những tác phẩm có giá trị cao, được thực hiện bởi các danh họa và một khi xuất hiện chắc chắn sẽ khiến giới sưu tầm khao khát.

Giờ đây, những tác phẩm như thế đang đồng loạt xuất hiện trở lại trên thị trường, trong khi đó, số người có khả năng kinh tế để mua được những tác phẩm ấy lại cũng đang gia tăng.

Chuyên gia phân tích thị trường nghệ thuật - bà Georgina Adam nhận định: "Người giàu đang giàu lên khủng khiếp. Một khi đã ở vào đẳng cấp của giới siêu giàu, kỳ thực, không có nhiều thứ mà họ có thể mua để thực sự khiến bản thân họ cảm thấy tự hào.

Thứ khiến họ tự hào khi sở hữu phải là thứ mà không ai khác có được, không chỉ đắt giá mà còn phải là độc nhất vô nhị, nhiều người muốn có, nhưng chỉ mình họ có thể có. Nghệ thuật đáp ứng được những nhu cầu ấy, và nghệ thuật đang được giới siêu giàu tìm đến để chứng tỏ tiềm lực bản thân".

Xem người giàu mua tranh, để thấy người giàu đang giàu lên khủng khiếp - 3

Bức "Nu couché" của danh họa Amedeo Modigliani từng được bán ra với giá 170,4 triệu USD tại một phiên đấu giá ở New York (Mỹ) hồi năm 2015. Người mua là tỷ phú người Trung Quốc - ông Lưu Ích Khiêm (Ảnh: The Guardian).

Bà Georgina Adam cũng chỉ ra rằng trong vài năm trở lại đây, thế giới đã có thêm hơn 700 tỷ phú USD đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Giới siêu giàu đang đông lên thấy rõ, nhu cầu xác lập vị thế giữa họ cũng trở nên gay gắt hơn.

Chuyên gia phân tích thị trường nghệ thuật - ông Anders Petterson nhấn mạnh vào yếu tố đầu tư khôn ngoan của người giàu: "Sau khi chứng kiến những cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rằng họ vẫn cần phải đặt đồng tiền của mình vào những tài sản hữu hình, đó phải là những tài sản có giá trị bền bỉ qua thời gian".

Tác phẩm nghệ thuật đã được khẳng định về giá trị dần được giới siêu giàu xem như một kênh đầu tư an toàn, để họ dồn nguồn tiền rảnh rỗi đem đầu tư, chờ sinh lợi về lâu dài. Đối với thị trường các tác phẩm nghệ thuật đắt giá đầu bảng, số tiền đầu tư mua về tác phẩm còn có thể đưa lại số lãi khổng lồ về sau, khi tác phẩm được đem ra rao bán trở lại trên thị trường.

Kỳ thực trên thị trường hiện nay, không có mấy lựa chọn đầu tư có thể hứa hẹn đưa ra mức độ sinh lời "khủng khiếp" qua thời gian như đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật.

Trong giới sưu tầm tác phẩm nghệ thuật cũng đang có sự dịch chuyển. Hiện tại, các nhà sưu tầm chi mạnh tay đến từ Châu Á đang xuất hiện nhiều hơn. Giới sưu tầm cũng xuất hiện nhiều người trẻ và mới bắt đầu quan tâm tới việc sưu tầm tác phẩm nghệ thuật, nhưng họ cũng rất... "bạo chi".

Bên cạnh yếu tố "cầu" với sự xuất hiện của nhiều tỷ phú USD mới, còn phải kể tới yếu tố "cung". Trong đại dịch, những tác phẩm nghệ thuật quý giá được đem ra rao bán đấu giá bị sụt giảm về số lượng, bởi khi đó sự không chắc chắn bao phủ lên khắp thị trường, người ta không biết rồi mọi việc sẽ diễn ra thế nào, rất nhiều người lựa chọn "án binh bất động", chờ đợi thời gian trôi qua.

Ở thời điểm này, những người muốn bán tranh đang đồng loạt tung tranh ra thị trường, tạo nên nguồn cung dồi dào, trong đó có cả những tác phẩm lớn. Chính nguồn cung ấn tượng này đã kích thích những nhà sưu tầm có tiềm lực kinh tế mạnh, để họ chi ra những khoản lớn nhằm sở hữu bằng được tác phẩm quý.

Xem người giàu mua tranh, để thấy người giàu đang giàu lên khủng khiếp - 4

Bức "Femme nue couchée" (Người phụ nữ nằm khỏa thân) do Picasso thực hiện hồi năm 1932 vừa được đem ra bán đấu giá trong tháng này tại New York (Mỹ) và đạt mức giá 67,5 triệu USD (Ảnh: The Guardian).

Thị trường đấu giá nghệ thuật hiện nay cũng đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, nhờ vào những phiên đấu giá online. Điều này khiến số lượng người quan tâm tới hoạt động mua bán tác phẩm nghệ thuật thông qua đấu giá đang nhanh chóng gia tăng.

Trong tuần này, lần đầu tiên nhà đấu giá Sotheby chứng kiến một phiên đấu giá online trực tuyến thu hút gần 20.000 lượt xem tại một thời điểm.

Các nhà đấu giá đã buộc phải tìm tới kênh đấu giá trực tuyến vì đại dịch Covid-19, nhưng giờ đây, họ lại nhận thấy rằng những phiên đấu giá trực tuyến phát trên các nền tảng mạng xã hội đang đưa lại những lợi thế riêng.

Những cuộc đấu giá trực tuyến đã giúp các nhà đấu giá tiếp cận được với những nhóm khách hàng mới. Giờ đây, ai cũng có thể ngồi trước màn hình từ ngôi nhà của mình để theo dõi toàn bộ một phiên đấu giá. Điều này khiến nhiều người bỗng nhận thấy mình cũng bị hấp dẫn bởi hoạt động mua bán tác phẩm nghệ thuật thông qua đấu giá.

Theo The Guardian