"Vượt bẫy cảm xúc": Yêu thương bản thân chính là phương thuốc trị hổ thẹn

Hà Thanh

(Dân trí) - Cảm giác hổ thẹn khiến người ta không nhìn nhận bản thân như một người phạm sai lầm, mà thay vào đó, họ thấy mình là người xấu.

Biện pháp "trừng phạt" kẻ xấu

Hồi còn ở Nam Phi, có một câu chuyện tôi thường được nghe kể lại nhưng chưa bao giờ có cơ hội xác minh. Tương truyền rằng tại một số bộ lạc, khi thành viên nào đó có hành động xấu hoặc phạm sai lầm, anh ta phải đứng một mình ở trung tâm của ngôi làng. Tất cả thành viên của bộ tộc sẽ tập trung xung quanh, sau đó, từng người một sẽ tiến hành biện pháp trừng phạt. Nhưng cách trừng phạt của dân làng không phải là nói về sai phạm mà là tỉ mỉ liệt kê tất cả những phẩm chất tốt đẹp của anh.

Vượt bẫy cảm xúc: Yêu thương bản thân chính là phương thuốc trị hổ thẹn - 1

Cho dù có thật hay không, câu chuyện này cũng phản ánh sức mạnh của những lời tốt đẹp. Một phiên bản của câu chuyện này là một cảnh trong bộ phim điện ảnh It's a Wonderful Life (tựa tiếng Việt: Cuộc sống tươi đẹp), khi tất cả các công dân của thị trấn Bedford Falls nhắc George Bailey nhớ về những tác động to lớn mà anh đã mang lại cho bạn bè và hàng xóm của mình trong vai trò chủ của một công ty nhỏ chuyên về cho vay và tiết kiệm.

Hãy tưởng tượng sẽ ra sao nếu mỗi người chúng ta cũng yêu thương và cảm thông với bản thân như trong hai câu chuyện trên, thay vì tự kết tội mình như chúng ta vẫn thường làm. Yêu thương và cảm thông với bản thân không có nghĩa là cố tình xem nhẹ những sai lầm hay khuyết điểm của mình, xoắn xít tìm cách che đậy hoặc thậm chí là phủ nhận chúng, mà là tha thứ cho chính mình khi phạm sai lầm hoặc khi biết mình còn nhiều thiếu sót, để từ đó chúng ta có thể tiếp tục hướng tới những điều tốt đẹp và hiệu quả hơn.

Đương đầu với thử thách đòi hỏi chúng ta phải có can đảm. Thật đáng sợ khi hình dung chúng ta có thể biết được điều gì về bản thân nếu nhìn vào nội tâm mình. Nếu chúng ta "khui" ra một sự thật có thể làm lung lay một mối quan hệ nào đó thì sao? Thế nhưng đương đầu không có nghĩa là cầm búa tạ đập nát mọi rào cản. Đương đầu là xem xét những chuyện đã diễn ra và bối cảnh hiện tại để tìm ra ý nghĩa đầy đủ của những sự kiện mà ta đang đối mặt, và sau đó vận dụng nhận thức này để cải thiện tình hình.

Bước ra và đương đầu với thực tế đòi hỏi chúng ta thừa nhận những suy nghĩ của bản thân mà không mặc định tin rằng chúng phản ánh đúng sự thật. Không ít người có phản ứng theo kiểu càng thường xuyên nghe đi nghe lại những lời mơ hồ, dù chỉ trong tâm trí mình, chúng ta càng dễ chấp nhận những lời đó như sự thật. Đương đầu là bước đầu tiên của quá trình đưa chúng ta thoát khỏi móc câu này.

Trên thực tế, một trong những nghịch lý lớn nhất của trải nghiệm làm người là chúng ta không thể thay đổi bản thân hay hoàn cảnh nếu không chấp nhận những gì đang tồn tại ngay lúc này. Chấp nhận là điều kiện tiên quyết để thay đổi. Điều này nghĩa là chúng ta cần để cho thế giới này tồn tại đúng với bản chất của nó, vì chỉ khi ngừng cố gắng kiểm soát vũ trụ thì chúng ta mới có thể chung sống hòa bình với vũ trụ. Điều tương tự cũng diễn ra với thế giới nội tâm của chúng ta: chỉ khi ngừng chống lại thực tại, chúng ta mới có thể thực hiện được những nỗ lực mang tính xây dựng hơn và có ích hơn.

Một cách khá hiệu quả để trở nên yêu thương và biết chấp nhận bản thân hơn, đó là hãy nhớ lại chính mình hồi bé. Suy cho cùng, bạn không thể lựa chọn cha mẹ, hoàn cảnh kinh tế, tính cách hoặc vóc dáng cơ thể của mình. Nhận ra bạn phải chơi với những quân bài được chia sẵn thường là bước đầu tiên trong hành trình đối xử với bản thân tử tế hơn và bao dung hơn. Bạn đã nỗ lực làm tốt hết mức có thể trong những hoàn cảnh đó và bạn đã sống sót.

Tiếp theo, hãy nghĩ về đứa trẻ bị tổn thương mà bạn từng là, và giờ đây đứa trẻ đó đang chạy đến bên bạn, một người trưởng thành ở hiện tại. Bạn có lập tức xem thường đứa trẻ, bắt nó giải thích, khẳng định đây là lỗi của nó và nói "Đáng đời!" hay không? Hẳn là không. Thường thì bạn sẽ vòng tay ôm lấy đứa bé đang buồn bã này vào lòng và an ủi nó.

Phải biết cách đối xử tử tế với bản thân

Vậy tại sao bạn lại không yêu thương và bao dung với con người trưởng thành của mình như bạn làm với đứa trẻ kia? 

Đối xử tử tế với bản thân càng trở nên quan trọng hơn trong những chặng đường đời nhấp nhô. Những người đang đau khổ vì một mối quan hệ tan vỡ, vì bị mất công ăn việc làm hoặc hụt cơ hội thăng tiến rất thường quay sang tự trách móc và trừng phạt bản thân. Đoạn độc thoại nội tâm đó bắt đầu với những lời như "lẽ ra mình nên…", "giá mà mình đã…", "phải chi mình có thể…" và câu tự trách kinh điển "mình không đủ tài giỏi/tốt đẹp".

Vượt bẫy cảm xúc: Yêu thương bản thân chính là phương thuốc trị hổ thẹn - 2

Bên cạnh đó, khi phải đối mặt với cảm xúc của mình trong những giai đoạn khó khăn, điều quan trọng là bạn hãy nhớ sự khác nhau giữa cảm giác tội lỗi và sự hổ thẹn. Cảm giác tội lỗi xuất hiện khi bạn thấy có lỗi và hối hận vì biết mình đã thất bại hoặc phạm sai lầm. Cảm giác này không dễ chịu, nhưng cũng như tất cả các cảm xúc khác, nó có lý do để tồn tại. Trên thực tế, xã hội cần chúng ta có cảm giác tội lỗi này vì nhờ vậy chúng ta mới không lặp lại sai lầm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, thiếu cảm giác tội lỗi là một trong những đặc điểm nổi bật của người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Nếu cảm giác tội lỗi tập trung vào những hành vi sai trái cụ thể thì sự hổ thẹn liên quan đến cảm giác chán ghét hoặc ghê tởm và tập trung vào đặc điểm tính cách của một cá nhân. Cảm giác hổ thẹn khiến người ta không nhìn nhận bản thân như một người phạm sai lầm, mà thay vào đó, họ thấy mình là người xấu. Đó là lý do người có cảm giác hổ thẹn thường thấy bản thân thấp kém và không có giá trị. Đó cũng là lý do sự hổ thẹn hiếm khi hướng chúng ta đến những hành động khắc phục sai lầm.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy hổ thẹn thường có phản ứng phòng thủ, có thể vì họ muốn thoát tội, chối bỏ trách nhiệm hoặc thậm chí đổ lỗi cho người khác. Cũng theo nghiên cứu, các tù nhân có biểu hiện hổ thẹn trong thời gian bị giam giữ thường có tỷ lệ tái phạm khi được phóng thích nhiều hơn so với những tù nhân thể hiện cảm giác tội lỗi.

Vậy thì sự khác biệt chính giữa hai loại cảm xúc này là gì? Đó chính là tình yêu thương bản thân. Đúng là bạn đã làm sai chuyện gì đó. Đúng là bạn thấy hành động đó thật tệ, và tất nhiên bạn cũng nên cảm thấy như vậy. Thậm chí bạn có thể đã làm việc gì đó thật sự sai trái. Nhưng ngay cả như vậy thì hành vi phạm lỗi đó cũng không biến bạn trở thành con người tồi tệ hết thuốc chữa. Bạn có thể sửa sai, xin lỗi và trả nợ cho xã hội bằng cách làm việc, dù đó là công việc giao hàng hay lao động công ích. Bạn có thể nỗ lực rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và làm tốt hơn trong tương lai. Tự yêu thương bản thân chính là phương thuốc chuyên trị sự hổ thẹn.

Theo First News