"Từ nước mắt đến nụ cười": Chứng bệnh tinh thần cần phương thuốc tinh thần

Nguyễn Thao

(Dân trí) - Câu hỏi khôn ngoan nhất khi chúng ta buồn sâu sắc không phải là: "Tôi có thể chấm dứt hoặc làm tê liệt nỗi đau này ngay lập tức như thế nào?" mà là: "Ý nghĩa của nỗi đau này là gì?".

"Trầm cảm", "khủng hoảng tinh thần", "tự sát". Những năm gần đây, tần suất xuất hiện của những từ khóa này trên các phương tiện truyền thông ngày càng tăng lên. Điều đó cho chúng ta thấy điều gì? Rằng cách vận hành của xã hội hiện đại đã đẩy cao xung đột trong tâm hồn con người? Hay, nhìn một cách tích cực, việc nhắc tới thường xuyên chứng tỏ xã hội ngày nay đã đủ nhận thức để dành cho đề tài này sự quan tâm xứng đáng?

Dù nhìn nhận theo cách nào, chúng ta hẳn có thể đồng ý ở một điểm: Nỗi đau tinh thần là một thứ mông lung và khó nắm bắt; một liều thuốc, một mũi tiêm hay một lời động viên không đủ để giải quyết vấn đề.

Từ nước mắt đến nụ cười: Chứng bệnh tinh thần cần phương thuốc tinh thần - 1

Trong cuốn sách "Từ nước mắt đến nụ cười" của tác giả Marianne Williamson, bạn đọc sẽ không tìm được một giải pháp tức thời cho các triệu chứng bề mặt. Thay vào đó, thông qua những phân tích về xã hội, tôn giáo và tác động của chúng lên tâm hồn, tác giả dẫn chúng ta qua hành trình để tìm kiếm căn nguyên của nỗi đau con người, từ đó xây dựng cho bản thân một khung sườn tinh thần vững chắc.

1, Hiểu về xã hội

Xã hội hiện đại đem những mệnh lệnh của một mô hình kinh doanh áp vào mọi thứ. Ta được dạy những cách thức để chiến thắng trong cuộc đua địa vị và vật chất, rằng đứng ngoài là thua cuộc, và thể hiện sự hoang mang là biểu hiện của kẻ yếu đuối. Khi ta nhận ra vết rạn giữa hệ thống này với tiếng gọi sâu thẳm từ bản nguyên tâm hồn, nỗi thất vọng vì không thể tìm ra cách hàn gắn chúng sẽ ném ta vào bãi lầy đen tối của cuộc khủng hoảng hiện sinh.

"Chúng ta càng hiểu rõ bối cảnh xã hội lớn hơn của các vấn đề mình gặp phải thì càng có khả năng giải quyết chúng", tác giả đề xuất.

Rất nhiều khi, nỗi đau khổ cá nhân có nguyên nhân sâu xa đến từ các lỗ hổng trong chính sách xã hội. Tỉ lệ tội phạm, tình trạng thất nghiệp, sự ảnh hưởng của một mô hình giáo dục lên từng cá thể - việc hiểu rõ cơ chế của các vấn đề này có thể góp phần vào quá trình thay đổi nhận thức của chính ta.

2, Tìm về tâm linh

Khi lạc lối trong một xã hội đầy thúc giục, ta quên mất rằng chìa khóa giải thoát vẫn luôn hiện diện ngay đây, trong những triết lý tâm linh đã luôn ở bên con người từ xưa đến nay.

Từ nước mắt đến nụ cười: Chứng bệnh tinh thần cần phương thuốc tinh thần - 2

Marianne Williamson dành riêng ba chương để kể câu chuyện của ba vị lãnh đạo tâm linh vĩ đại là Đức Phật, Moses và Chúa Jesus. Mặc cho trong suốt chiều dài lịch sử, con người với những toan tính bạo lực đã làm vấy bẩn vẻ ngoài của các tôn giáo, cốt lõi của mọi triết lý tâm linh đều hướng về bản chất thiêng liêng của tâm hồn và sự giải thoát khỏi khổ đau. Dù bạn đọc có theo một tôn giáo nào hay không, con đường tâm linh là con đường dùng ánh sáng của cái thiện để hóa giải nỗi đau tâm hồn.

3, Mở lòng để kết nối

Tác giả nhấn mạnh, với bất kỳ ai, việc chỉ tập trung vào cá nhân đang gặp đau khổ có thể gây trầm trọng thêm vấn đề. Tách bạch nỗi lo cá nhân ra khỏi nỗi lo tập thể dẫn đến một suy nghĩ đáng lo ngại: Nỗi đau của tôi là duy nhất, nên tôi phải một mình chịu đựng.

Về cơ bản, nỗi đau chính là dấu hiệu của một tâm hồn đang thiếu vắng tình yêu. Trong hành trình đi qua bóng tối, ta sẽ nhận ra rằng để tìm thấy tình yêu, chính ta phải mở lòng đón nhận nó trước. Chẳng hạn, cha mẹ nặng lời với ta, có thể vì họ cũng đang chực bùng nổ trước áp lực mưu sinh. Hiểu được điều đó là giơ tay khuyến thiện, và ta tìm được niềm giải thoát trong nỗi an lành.

Trong "Từ nước mắt đến nụ cười", những phê phán của tác giả hướng vào các phương pháp trị liệu bằng dược phẩm có thể gây tranh cãi, khi mà sự tiến bộ của y học trong việc nghiên cứu các căn bệnh tinh thần là không thể phủ nhận. Bạn đọc hãy mở lòng đón nhận hành trình tâm linh như một cơ hội khai mở tâm hồn mình, từ đó tự đánh giá đâu là phương pháp phù hợp cho bản thân.