1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

"Thiên vị cái đẹp" từ góc nhìn luật pháp

(Dân trí) - Trả lương thấp vì... ngoại hình "yếu", có lời lẽ khiến người khác cảm thấy tiêu cực vì ngoại hình của họ, những điều này đều là ví dụ của việc "phân biệt ngoại hình".

Phân biệt đối xử vì ngoại hình là gì?

Phân biệt đối xử vì ngoại hình là một thuật ngữ khái quát việc một người bị đối xử bất công vì những vấn đề liên quan tới ngoại hình. Thuật ngữ này có thể được sử dụng trong rất nhiều bối cảnh, từ môi trường công việc, môi trường xã hội, tới các mối quan hệ tình cảm.

Trong xã hội hiện đại, có nhiều sự phân biệt đối xử đã nhận được sự quan tâm lớn trong đời sống xã hội tại nhiều quốc gia phát triển, như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, nhưng phân biệt ngoại hình vẫn bị xem là ít nhận được sự quan tâm hơn, và cũng thiếu đi những điều luật để xử lý thấu đáo, trong khi các hình thức phân biệt đối xử khác vốn đã được luật pháp quan tâm từ lâu.

Dù ít nhận được sự quan tâm hơn, nhưng phân biệt ngoại hình là một vấn đề xuất hiện phổ biến.

Dù ít nhận được sự quan tâm hơn, nhưng phân biệt ngoại hình là một vấn đề xuất hiện phổ biến, ảnh hưởng lớn tới cơ hội của mỗi người trong nhiều lĩnh vực đời sống.

Có một thực tế rằng, nhiều người vẫn đánh giá đối phương qua diện mạo, diện mạo đẹp đồng nghĩa với những ấn tượng đẹp, đánh giá tích cực, và ngược lại... Chính thái độ thiếu đúng đắn, không thấu đáo này đã gây ảnh hưởng tới cách con người tương tác với nhau.

Những nghiên cứu xã hội về vấn đề diện mạo từ lâu đã chỉ ra rằng nhìn chung, những người có diện mạo hấp dẫn vẫn có nhiều ưu thế hơn, chính nhờ diện mạo đẹp, họ dễ được người khác đánh giá tích cực. Nhìn chung, yếu tố diện mạo có ảnh hưởng đối với cách nhận định về một con người.

Rõ ràng, mọi sự phân biệt đối xử đều đã là không công bằng, nhưng phải thừa nhận rằng, phân biệt đối xử vì yếu tố ngoại hình vẫn xuất hiện khá phổ biến trong đời sống, trong nét tâm lý - cách hành xử của con người. Kỳ thực không có cách nào để loại bỏ hoàn toàn những yếu tố đó, nhưng có cách để giảm bớt những sự phân biệt nghiêm trọng gây nên những hệ lụy tiêu cực.

Phân biệt ngoại hình từ góc nhìn luật pháp

Đề tài phân biệt ngoại hình đã từng được giáo sư luật tại Đại học Stanford (Mỹ) - bà Deborah Rhode (1952 - 2021) nghiên cứu nhiều năm.

Năm 2010, bà Deborah Rhode đã cho ra mắt cuốn sách "The Beauty Bias" (Thiên vị cái đẹp), nội dung cuốn sách xoay quanh việc phân biệt đối xử vì vấn đề diện mạo và góc nhìn từ phía luật gia. Khi ra mắt, cuốn sách đã ngay lập tức thu hút sự chú ý.

Một số bang của Mỹ đã có những điều luật chống phân biệt ngoại hình.

Một số bang của Mỹ đã có những điều luật chống phân biệt ngoại hình. Ở tại những nơi có điều luật chống phân biệt ngoại hình, người ta đã chứng kiến những vụ việc pháp lý có tính điển hình rất đáng quan tâm, phân tích.

Chẳng hạn, ở bang Michigan, trung bình mỗi năm, nhà chức trách nhận được khoảng 30 đơn tố cáo xung quanh vấn đề phân biệt ngoại hình, nếu vụ việc không nghiêm trọng và có thể dàn xếp được bên ngoài tòa án, vụ việc sẽ không cần phải đưa ra tòa.

Chỉ có khoảng... một vụ phải đưa ra tòa xử lý mỗi năm để tất cả cùng thấy tính chất nghiêm túc và cần thiết của luật chống phân biệt ngoại hình.

Chẳng hạn vụ xét xử xung quanh việc một sinh viên học chuyên ngành chăm sóc - điều dưỡng bị đuổi học vì... thừa cân, hay việc một nhãn hàng thời trang tổ chức những buổi đánh giá hàng tuần mà thực chất là duyệt ảnh chân dung của các nhân viên làm việc tại các chi nhánh bán lẻ, để quyết định xem có những gương mặt nào không đạt tiêu chí.

Thực tế, khó lòng tồn tại sự bình đẳng, công bằng tuyệt đối trong đời sống xã hội xung quanh yếu tố ngoại hình, nhưng bằng những điều luật cụ thể, bằng việc đẩy mạnh thông tin, nâng cao nhận thức, chúng ta có thể giảm bớt sự bất bình đẳng, sự thiếu công bằng gây ra bởi phân biệt ngoại hình, để làm giảm bớt những khốn khổ xảy ra đối với nhiều người.

(Ảnh minh họa)

Xã hội hiện đại hôm nay có ý kiến cho rằng vẫn còn bị ám ảnh bởi vấn đề ngoại hình hơn trước đây, bằng chứng là phẫu thuật thẩm mỹ dần trở nên phổ biến, quen thuộc trong đời sống. Ai cũng muốn đẹp hơn, thậm chí là đẹp hơn bằng can thiệp thẩm mỹ, đó là nhu cầu và quyền lựa chọn của mỗi người, không ai có quyền phán xét, chỉ trích.

Nhưng cũng trong xã hội hiện đại hôm nay, vấn đề phân biệt ngoại hình đã được quan tâm nhìn nhận hơn bao giờ hết. Trong đó, việc người mẫu "đầy đặn", người mẫu cao niên tham gia catwalk sau quãng thời gian chuẩn đẹp "mình dây" thống trị, chính là một thành công của việc chống phân biệt ngoại hình trong lĩnh vực thời trang - lĩnh vực từng chỉ chuộng người đẹp trẻ trung, mảnh dẻ.

Đời sống xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn sẽ còn chứng kiến nhiều hơn nữa những đổi thay tích cực trong các đối thoại và cách nhìn nhận của truyền thông - công chúng, cũng như nhà chức trách, xung quanh vấn đề này.