Shark Tank "chỉ quan tâm mỗi em": Gây bức xúc với người xem có hiểu biết!

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Tiến sĩ Vũ Việt Anh, Chuyên gia giáo dục cho rằng phát ngôn của shark Phú, shark Hưng "xanh, sạch, xinh" dành của cho nữ CEO trên sóng truyền là phân biệt giới, xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ…

Những phát ngôn của shark Phú, shark Hưng... được công khai trên sóng truyền hình đang gây tranh cãi trong dư luận. Tiến sĩ Vũ Việt Anh suy nghĩ gì về sự việc này?

Đầu tiên phải khẳng định, những vụ việc đồ vật hóa phụ nữ "objectification of women" không phải là hiếm gặp từ trước đến nay. Việc coi nhan sắc của người phụ nữ xếp chung với tiêu chí của sản phẩm, của dự án "xanh, sạch, xinh" cũng được xếp vào nhóm hành vi như vậy.

Những điều này trái với chuẩn mực xã hội và thậm chí dưới góc nhìn của một số nhà quản lý có thể đã xếp vào nhóm quấy rối tình dục bằng lời nói (gạ tình).

Là một nhà giáo dục tôi cũng không đồng tình với những phát ngôn kiểu như vậy.

Shark Tank

Tiến sĩ Vũ Việt Anh, Chuyên gia giáo dục, Tổng giám đốc Học viện Thành Công (Ảnh: NVCC).

Có ý kiến cho rằng, lời bình luận của shark Phú không chỉ bất lịch sự mà thực chất còn là lời xúc phạm đến Thu Hằng, trong khi nữ CEO đang tâm huyết trình bày ý tưởng thì tất cả chất lượng và năng lực bị gạt bỏ sang một bên. Hóa ra được đầu tư chỉ cần xinh, không cần gì khác nữa? Anh nghĩ sao?

Trong bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát hành có nêu rõ: Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

Nên lời bình luận của shark trên truyền hình Quốc gia hướng đến một người phụ nữ như vậy thì không chỉ làm tổn thương đến họ và còn xúc phạm đến những người xem truyền hình có hiểu biết. Nó không chỉ không phù hợp với các nguyên tắc giao tiếp văn minh mà còn vi phạm đến những vấn đề đạo đức, nhân phẩm của người phụ nữ. Cổ súy cho lối tư duy phong kiến cổ hủ, trọng nam, khinh nữ.

Một điều nguy hiểm hơn là những phát ngôn kiểu này từ những người có ảnh hưởng xã hội sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ, chỉ cần chăm lo cho bề ngoài của bản thân mà không cần trau rèn nghị lực, nhân cách, trí tuệ, tạo ra một thế hệ trẻ trống rỗng chỉ thích màu mè.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, CEO Nguyễn Thị Thu Hằng - người bị cho là đang "hứng chịu" sự xúc phạm đó lại không cảm thấy... bị xúc phạm khi chị nói "mọi chuyện rất bình thường"? Anh có thấy… điều bất thường ở đây?

Chính đây là điều bất thường và nguy hiểm nhất vì chính "nạn nhân" lại cảm thấy bình thường và chấp thuận lối hành xử này. Điều này chứng tỏ nhận thức về bình đẳng giới còn thiếu hụt trầm trọng, vẫn chấp nhận tư tưởng "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta đùa".

Với xếp hạng 87/153 quốc gia về bình đẳng giới như hiện nay, Việt Nam cần có nhiều hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ.

Shark Tank

Việc shark Phú "thả thính" nữ CEO xinh đẹp với những câu như "Anh không quan tâm đến business, chỉ quan tâm đến mỗi em" ngay trên sóng truyền hình gây tranh cãi.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng những phát ngôn này là "quấy rối trắng trợn". Theo bà Hồng, "Việc dung túng cho những phát ngôn thô bỉ, những cử chỉ suồng sã và hành vi quấy rối tình dục, phân biệt đối xử giới tính... thật khó thể chấp nhận!" Anh có thể chia sẻ thêm về góc nhìn này?

Dung túng cho các phát ngôn chưa chuẩn mực là người dân chưa sử dụng hết vai trò quyền lực của mình. Có nhiều câu chuyện về kinh doanh cho thấy, những phát ngôn không đúng đắn có thể gây ảnh hưởng lớn đến thanh danh và sự nghiệp.

Hiệu ứng Ratner (Ratner Effect) là các trường hợp phát ngôn bừa bãi ảnh hưởng đến chuyện làm ăn. Đây là bài học kinh điển nhất trong lịch sử kinh doanh thế giới.

Qua sự việc này, cũng là lời cảnh tỉnh cho các lãnh đạo doanh nghiệp, cùng với việc phát triển kinh tế thì cũng rất cần về phát triển bản thân, trau rèn nhân cách.

Xã hội rất cần những người như shark Hưng, shark Phú nhưng các anh cũng cần là những người định hướng xã hội hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn.

Không chỉ ở Shark Tank; định kiến giới, phân biệt giới… vẫn đang diễn ra gần như hằng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các gameshow giải trí. Nơi mà yếu tố hình thể, đời tư… được đem ra mổ xẻ một cách vô tư, thậm chí để đùa bỡn, gây cười. Theo anh là vì sao?

Những định kiến giới ngày nay có thể thấy nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những quảng cáo sử dụng các câu chuyện rất sai trái về giới, như phần thưởng cho người đàn ông mạnh mẽ, thành đạt, nam tính, bản lĩnh (khi họ dùng sản phẩm) là sự ngưỡng mộ và tình yêu của cô gái đẹp.

Các nhãn hiệu điện tử gia dụng luôn nhắc những người phụ nữ rằng họ phải nấu ăn ngon, giặt quần áo sạch thơm, giữ nhà cửa tinh tươm, nồng nàn trong phòng ngủ để xứng danh người vợ hiền, người mẹ đảm. Như muốn lưu ý phụ nữ rằng họ nên an tâm với thiên chức bếp núc và đàn ông bình thản ngồi đợi vợ hay mẹ mình bưng thức ăn lên tận bàn mà không mảy may coi đó là vấn đề gì to tát... Các gameshow với các cô gái ăn mặc nóng bỏng, sexy…

Những điều này ảnh hưởng một phần yếu tố rất lớn từ văn hóa "hủ nho" đề cao nam giới, coi thường người phụ nữ, coi người phụ nữ chỉ là trò mua vui: "Mua vui cũng được một vài trống canh". Những nhận thức này cần phải thay đổi triệt để, việc truyền thông về bình đẳng giới cần thường xuyên và liên tục hơn nữa.

Những phát ngôn mang tính phân biệt giới có tác động như thế nào đối với các bạn trẻ?

Những phát ngôn mang tính phân biệt về giới sẽ có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn cho giới trẻ trong việc phát triển đất nước. Nguồn lực phụ nữ là rất lớn nhưng do định kiến giới và bất bình đẳng giới dẫn tới phụ nữ không phát huy được hết vai trò trong việc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.

Việc động viên, khích lệ, nâng cao nghiệp vụ, tạo cơ hội cho người phụ nữ được đảm nhiệm những công việc, vai trò ngang hàng nam giới sẽ giúp chúng ta có thêm nguồn lực mạnh mẽ để đưa đất nước tiến lên.

Shark Tank

Shark Hưng (phải) cũng gây tranh cãi với phát ngôn tại chương trình: "Đã bảo ngay từ đầu, cứ sạch, xanh, xinh là xong".

Theo anh, làm thế nào để chấm dứt tình trạng định kiến giới, phân biệt giới… này?

Với vai trò là một nhà giáo dục, bản thân tôi và Học viện Thành Công luôn tham gia tuyên truyền, tập huấn cho các đề án hướng tới phụ nữ và trẻ em gái như: Đề án 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt; Đề án an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; Bình đẳng giới... Chúng tôi cũng mong muốn có nhiều đề án hơn nữa hướng tới bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ trong phát triển bền vững, thịnh vượng.

Xin cảm ơn TS Vũ Việt Anh!

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Giảng viên Lê Anh Vũ (Trường Đại học Thủ Dầu Một) bày tỏ: "Những ứng xử của shark Phú, shark Hưng trong chương trình được chiếu trên Đài truyền hình quốc gia là rất đáng lên án khi có những biểu hiện của quấy rối tình dục ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở những biểu hiện cụ thể mà chúng ta đã quan sát thấy. Tôi quan tâm hơn đến những ý nghĩa xã hội đằng sau những biểu hiện đó! 

Sự vi phạm những chuẩn mực trong tương tác xã hội ở nơi công cộng giữa giới nam và giới nữ phải chăng thường được biện minh và coi như đó là sự bình thường như quan niệm "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu" mà chúng ta thường đề cập.

Tôi cho rằng, đằng sau những ngôn từ đó, là định kiến giới, bất bình đẳng giới mà ở đó vai trò và vị thế của người phụ nữ đều được coi là thấp kém hơn người đàn ông. Chính vì thế, lên tiếng với những hành động của những vị "cá mập" kia không chỉ mang hàm ý chỉ trích cá nhân mà còn giúp tất cả chúng ta phải nhìn lại những quan niệm về định kiến giới đã tồn tại bấy lâu nay mà có cách ứng xử đúng đắn để hướng tới một xã hội công bằng, văn minh và an toàn cho tất cả".