Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Sóng ở đáy sông" qua đời ở tuổi 81

Hương Hồ

(Dân trí) - Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông" vừa qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.

Chiều 9/11, nhà thơ Trần Đăng Khoa xác nhận với PV Dân trí, anh được con gái nhà văn Lê Lựu thông báo nhà văn Lê Lựu đã qua đời khoảng hơn 16h cùng ngày, tại nhà riêng ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên, sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, tuổi già. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho biết, vài ngày trước ông xuống nhà thăm nhà văn Lê Lựu nhưng lúc này ông không còn biết gì.

"Nhà văn Lê Lựu trước kia sống cùng người giúp việc tại Tam Trinh, Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, bệnh tình trở nặng, già yếu ông được con gái đầu đón về quê chăm sóc. Khi nghe tin ông mất dù không quá đột ngột, bất ngờ nhưng tôi vẫn cảm thấy "choáng" và mang một cảm xúc khó tả, thật sự rất tiếc thương...", nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động nói.

Nhà văn Lê Lựu - tác giả Sóng ở đáy sông qua đời ở tuổi 81 - 1

Nhà Văn Lê Lựu (Ảnh: Tư liệu).

Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những dòng chia sẻ xúc động trước sự ra đi của "nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam". 

Theo ông Thiều, những tác phẩm của nhà văn Lê Lựu đã làm rung động đời sống văn học Việt Nam như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng... Trong đó, tiểu thuyết Thời xa vắng là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những giá trị của người khác.

Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.

"Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam. Xin cúi đầu tiễn biệt ông", nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết. 

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) - được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh. Bộ ba tiểu thuyết Thời xa vắng(1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sónở đáy sông (1994)...

Tác phẩm của ông từng được trao nhiều giải thưởng như: Truyện ngắn Người cầm súng giành giải Nhì báo Văn nghệ 1968; tiểu thuyết Thời xa vắng đoạt giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990. Ông cũng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Sinh thời nhà văn Lê Lựu từng chia sẻ trên Dân trí: "Nhiều người tìm đến vì nghĩ tôi khổ, cần tiền ủng hộ nhưng tôi không cần ai thương hại. Tôi cũng từ chối những lời đề nghị chụp ảnh về cuộc sống của tôi. Tôi thấy mình trong những bức ảnh cũng thật đáng thương hại. Với tôi điều mong mỏi lớn nhất là mong được trở về căn nhà tổ tiên ở Hưng Yên để được thắp một nén hương cho ông bà, mà không bị ai cản trở…",