Làng Mỹ Nghiệp - Nơi giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Mai Vân

(Dân trí) - Làng nghề Mỹ Nghiệp là một trong hai làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm.

Trải qua hàng thế kỷ tồn tại, nghề dệt thủ công Mỹ Nghiệp ngày nay vẫn được duy trì phát triển trong cộng đồng dân cư, là điểm nhấn tham quan hấp dẫn của miền đất nắng gió.

Theo các bậc bô lão trong làng, trước kia làng có tên Chăm là Ca Klaing, tên tiếng Việt là Mỹ Nghiệp.

Thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất này, nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông lấy tơ dệt vải.

Bà đã truyền lại nghề cho vợ chồng ông Xa và bà Chaleng sinh sống ở làng. Từ đó, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được hình thành và phát triển đến tận ngày nay.

Làng Mỹ Nghiệp - Nơi giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận - 1

Con đường nhỏ bình yên nơi miền quê Mỹ Nghiệp (Ảnh: Mai Vân).

Theo các nghệ nhân lớn tuổi trong làng, để dệt được một tấm vải thổ cẩm cần phải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như: Tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống rất vất vả…

Trong đó khó nhất là công đoạn phối màu chỉ khi dệt. Để tạo được những hoa văn tinh xảo, người thợ dệt phải có hoa tay, sáng tạo, thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… như những họa sỹ thực thụ.

Làng Mỹ Nghiệp - Nơi giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận - 2
Trong các công đoạn dệt thổ cẩm khó nhất phải kể đến khâu phối màu.

Ngoài ra, dệt vải cũng là khâu quan trọng không kém, do yêu cầu phải làm đều tay, nhịp nhàng để vải được căng mịn, nổi bật hoa văn. Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo.

Làng Mỹ Nghiệp - Nơi giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận - 3

Ở khâu dập vải đòi hỏi phải làm đều tay, nếu không thổ cẩm sẽ không căng mịn và khó làm nổi bật hoa văn (Ảnh: Mai Vân).

Điểm độc đáo của mỗi tấm thổ cẩm Mỹ Nghiệp là đều có những nét riêng cho dù được dệt bởi cùng một nghệ nhân.

Đứng trước hàng nghìn tấm thổ cẩm, khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách… khi mỗi nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp tạo ra sản phẩm đều làm theo sự sáng tạo, ngẫu hứng riêng.

Không dừng lại ở các loại sản phẩm thô, các nghệ nhân ở làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp còn chế tác ra những mẫu mã khác như: Túi xách, ví, ba lô, áo khoác… để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ…

Làng Mỹ Nghiệp - Nơi giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận - 4

Mỗi tấm vải thổ Cẩm Mỹ Nghiệp đều là độc nhất vô nhị, mang tính độc bản (Ảnh: Mai Vân).

Điều đặc biệt, truyền thống của người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên nghề dệt này cũng được giữ gìn theo cách riêng, đó là mẹ truyền con nối.

Những người phụ nữ đảm nhiệm những khâu quan trọng nhất của nghề có được "đặc quyền" dệt những tấm vải dùng vào những nghi lễ thiêng liêng, trang trọng nhất của cộng đồng và trao truyền tri thức cho con cái.

Ở làng Mỹ Nghiệp có 700 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu thì đã có tới 500 nghệ nhân dệt thổ cẩm. Trong đó, hầu hết là phụ nữ, đầy kinh nghiệm gắn bó lâu năm với khung dệt.

Làng Mỹ Nghiệp - Nơi giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận - 5

Hầu hết nghệ nhân dệt ở làng Mỹ Nghiệp đều là phụ nữ, đầy kinh nghiệm gắn bó lâu năm với khung dệt (Ảnh: Mai Vân).

Làng dệt Mỹ Nghiệp có rất nhiều cơ sở dệt quy mô, không chỉ cung cấp sản phẩm thổ cẩm cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Đức, Pháp và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ sự yêu thích của người tiêu dùng, những cơ sở ở làng dệt Mỹ Nghiệp ngày càng nổi tiếng và có doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động, hiện nay, làng nghề Mỹ Nghiệp đang dần hồi phục trở lại.

Liên kết cùng sản xuất, hỗ trợ nhau nâng cao tay nghề để làm nên những sản phẩm có chất lượng, các mô hình dệt thổ cẩm tại ngôi làng Mỹ nghiệp thuộc xã Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã và đang góp phần mang lại sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm.

Hiệu quả kinh tế cũng như những giá trị văn hóa truyền thống đang hàng ngày được lưu giữ chính là lợi ích kép mà Hợp tác xã dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp đã đạt được.

Để duy trì và phát triển, hợp tác xã đã kết nối với nhiều đơn vị lữ hành trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh để nhận đơn đặt hàng với số lượng lớn. Sau khi nhận đơn đặt hàng, hợp tác xã sẽ phân công công việc cho từng người, đảm bảo ai cũng có việc làm. Nhờ tay nghề cao mà sản phẩm của hợp tác xã luôn được khách hàng đánh giá cao; tạo việc làm thường xuyên và mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã.