1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Đề xuất hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến trong di sản Hoàng thành Thăng Long

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo một số chuyên gia, việc hạ giải nhà Cục Tác chiến là cần thiết để hoàn trả không gian điện Kính Thiên.

Theo kết quả đợt khai quật khảo cổ được công bố ngày 22/11, từ một số hố thám sát nằm trong tòa nhà Cục Tác chiến, các nhà khoa học đã có một số phát hiện mới, quan trọng về Hoàng thành Thăng Long. Địa tầng Thời Lê sơ và Lê trung hưng tiếp tục phát lộ dấu tích sân Đan Trì, đường Ngự Đạo.

Đặc biệt, lần đầu xuất lộ Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của Đoan Môn.

Đề xuất hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến trong di sản Hoàng thành Thăng Long - 1

Di tích Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: Hữu Nghị).

Nhà Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ) nằm trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long. Hiện tòa nhà này chia đôi quảng trường trước cửa nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn làm hai khu vực.

Chính vì vậy, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nêu đề xuất hạ giải nhà Cục Tác chiến. Tòa nhà được đề xuất hạ giải không bao gồm Hầm Chỉ huy tác chiến T1 - khu vực hiện vẫn đang được khai thác, phục vụ khách tham quan.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, việc hạ giải nhà Cục Tác chiến là cần thiết để hoàn trả không gian điện Kính Thiên.

Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia thuộc Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đồng tình với quan điểm hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến.

Theo ông, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. UNESCO đã khuyến nghị là phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Đề xuất hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến trong di sản Hoàng thành Thăng Long - 2

Dấu tích cống nước mới được phát lộ (Ảnh: M.T).

"Di tích của chúng ta có đặc trưng là phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học. Tất cả đang nằm trong lòng đất, muốn hiểu được thì phải khai quật lên. Dưới nền của tòa nhà là rất nhiều dấu ấn của sân Đan Trì. Nếu không nghiên cứu được thì không phục hồi được không gian điện Kính Thiên", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng theo ông, tòa nhà Cục Tác chiến hiện đang xuống cấp nặng. Nơi đây được cho là không gian lính Pháp ở. Nếu hạ giải, nên bảo tồn di tích này dưới dạng khác: Tư liệu hóa, số hóa và trưng bày những nét điển hình.

"Quan điểm của tôi là ủng hộ hạ giải nhà Cục Tác chiến, nhưng phải tư liệu hóa rất kỹ kiến trúc ấy và phải bảo tồn, trưng bày nó ở một dạng thức khác", ông nhấn mạnh.

Đề xuất hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến trong di sản Hoàng thành Thăng Long - 3

Dấu tích sân Đan Trì (Ảnh: M.T).

Theo vị chuyên gia, điện Kính Thiên là không gian thiêng, quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long trên các phương diện quy hoạch kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng.

Trong tâm thức người Việt Nam, các sự kiện văn hóa, sự kiện lịch sử quan trọng đều diễn ra ở đây.

Không gian này được cấu trúc bởi ba thành phần kiến trúc cơ bản gồm: Chính điện Kính Thiên, sân Đan Trì (sân Đại Triều) và Đoan Môn. Vậy nên việc khai quật sân Đan Trì sẽ có đóng góp quan trọng trong khát vọng khôi phục không gian điện Kính Thiên.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số quan điểm lại cho rằng, việc hạ giải tòa nhà cần phải cân nhắc rất kỹ. Lý do là bởi đây cũng là di tích của một thời kỳ lịch sử đất nước.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m2.

Đặc biệt theo các chuyên gia khảo cổ, cuộc khai quật năm 2022 đã phát lộ nhiều tư liệu mới, giúp các nhà khoa học làm rõ rất nhiều giá trị của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, nhất là có thêm nhiều tư liệu mang tính xác thực cao để khôi phục không gian điện Kính Thiên.

Hạ giải di tích là hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích hoặc di chuyển cấu kiện đến một nơi khác để lắp dựng lại mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện đó.