Con tự kỷ, chồng bị tai nạn lao động, người thân còn không ngừng gây áp lực

Vợ chồng cô hầu như không còn tiền tiết kiệm mà con đường điều trị cho con bị tự kỉ còn rất dài. Mảnh ruộng còn lại ở quê cũng đã bán, vậy mà giờ đây lại quá nhiều nỗi lo...

Con tự kỷ, chồng bị tai nạn lao động, người thân còn không ngừng gây áp lực - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Tâm sự của người phụ nữ có con bị tự kỷ, chồng bị tai nạn lao động, lại còn chịu áp lực từ người thân, như cô tâm sự là "lo lắng đến dồn dập".

Cô kể, vợ chồng cô hầu như không còn tiền tiết kiệm mà con đường điều trị cho con bị tự kỉ còn rất dài. Mảnh ruộng còn lại ở quê cũng đã bán, vậy mà giờ đây lại quá nhiều nỗi lo. Cô dường như không biết nên đi theo con đường nào vào lúc này.

Cu Tít được gần 5 tuổi, vợ chồng cô đã phải rất cố gắng mới giữ được con, bởi vậy, con là nguồn sức mạnh và điều quý giá nhất của gia đình. Khi biết con có những dấu hiệu của tự kỉ, cô đã vô cùng lo lắng và hoang mang. Cô luôn tự hỏi: Liệu con mình bị như thế, sau này có thể phát triển bình thường, trưởng thành và hạnh phúc được không?

Khi con được hơn 3 tuổi, thấy con chậm nói và có những dấu hiệu khó khăn trong giao tiếp và cách thể hiện cảm xúc, cô đã giục chồng đưa con đi kiểm tra. Việc đầu tiên là đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Sau khi được chẩn đoán, đúng là con có các triệu chứng của tự kỉ, vợ chồng cô đã rất lo sợ. Nhưng bác sỹ cũng đã cho họ những lời khuyên để trấn an tâm lý, chỉ cần can thiệp sớm, con sẽ có những thay đổi tích cực. Tuy vậy, đã có những lúc, cô lo sợ không ăn, không ngủ được. Chồng cô an ủi và động viên vợ rất nhiều nên cô đã cố gắng bình tĩnh.

Vợ chồng cô chỉ làm công ăn lương, gia đình cũng không khá giả nhưng khi biết tình trạng của con có thể thay đổi được, họ không quản ngại điều gì có thể làm cho con. Vợ chồng cô có 2 mảnh ruộng ở quê, ông bà đã sang tên nên toàn quyền sử dụng. Vậy là từng mảnh đất được bán để lấy tiền điều trị cho con. Cô đã xin nghỉ việc ở công ty, cùng con lên Hà Nội thuê 1 căn phòng nhỏ cạnh bệnh viện, hàng ngày đưa con đến gặp bác sỹ. Đều đặn, 1 tuần 7 ngày, 2 mẹ con đến gặp bác sỹ tâm lý. Mỗi ngày 90 phút can thiệp và những bài tập rèn luyện với con, cô hầu như không thể làm thêm được việc gì khác. Còn chồng vẫn làm việc ở quê, cuối tuần bắt xe khách lên thăm 2 mẹ con.

Ban đầu con không hợp tác, hay cáu gắt và ăn vạ. Nhưng sau đó con cũng có sự thay đổi. Từ chỗ chỉ thấy con ngồi nhìn qua khe cửa, ngắm những hạt bụi bay trong không trung, không nói năng gì, thì sau 1 năm, con đã cởi mở hơn với mẹ. Nhưng những điều không may trong cuộc sống vẫn không buông tha cho gia đình cô. Chồng cô bị tai nạn lao động, thương tích khá nặng, bị gẫy tay và 1 xương sườn. Vì không muốn 2 mẹ con lo lắng nên anh đã nói dối là không sao. Sau khi ra viện, anh cũng vội đi làm luôn, khiến cái tay bị nặng thêm. Người nọ, người kia nói cô không biết quan tâm tới chồng. Mẹ chồng thì gọi điện lên mắng chửi và nói cô không cần về nhà nữa, khiến cô rất tủi thân.

Tiền chữa bệnh cho 2 bố con tốn kém. Cô đã nghỉ làm, chồng cô cũng chưa thể đi làm lại. Miệng ăn thì núi lở, giờ nhiều việc xảy ra khiến cô không thể sắp xếp được suy nghĩ của mình. Cô hỏi Thanh Tâm xem mình nên làm gì? Cô cho biết, con đang trong "giai đoạn vàng" để can thiệp và đồng hành. Con đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhưng chồng cô cũng cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Chồng cô vẫn nói, cô hãy ở lại, không được từ bỏ, vì con còn cả tương lai phía trước. Nhưng nhìn chồng, cô thấy xót xa quá. Họ không còn tiền tiết kiệm, bởi vậy ít nhất 1 trong 2 người phải đi làm để duy trì cuộc sống. Cô đang rất hoang mang và mệt mỏi.

Thanh Tâm cố gắng trấn an cô khi cuộc sống có một mảng màu trầm. Vì nay, cô không chỉ là trụ cột về tinh thần mà còn là lao động chính trong nhà. Con đường hỗ trợ điều trị cùng con là thực sự cần thiết và không nên bỏ dở giữa chừng. Nhưng cô có thể trao đổi với bác sỹ về tình trạng hiện tại của con và hoàn cảnh gia đình để có phương án can thiệp tốt nhất.

Điều quan trọng nhất của trẻ tự kỉ là sự tôn trọng và yêu thương của cha mẹ. Thanh Tâm tin rằng, với sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ như hiện tại, con cô sẽ có nhiều thay đổi và tiến bộ. Cô có thể yên tâm đi làm lại và thu xếp thời gian chơi cùng con, vì trong khi chồng cô nghỉ làm hồi phục sức khỏe, anh ấy sẽ có nhiều thời gian để quan tâm con hơn. Sau thời gian nghỉ ngơi, điều trị cải thiện sức khỏe, chồng cô có thể tìm một công việc nhẹ nhàng hơn để làm việc, vừa tăng thu nhập gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe.

Thanh Tâm cũng khuyên vợ chồng cô cậy nhờ sự trợ giúp của gia đình, người thân để cùng tạo môi trường thân thiện cho con phát triển.