DMagazine

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á

(Dân trí) - Ngoại trừ chủ nhà Qatar, tất cả đại diện còn lại của bóng đá châu Á đều để lại dấu ấn đậm nét tại World Cup 2022. Đó là tuyên ngôn đanh thép cho sự vươn mình của lục địa vàng.

Ngoại trừ chủ nhà Qatar, tất cả đại diện còn lại của bóng đá châu Á đều để lại dấu ấn đậm nét tại World Cup 2022. Nhật Bản thực sự để lại cú sốc lớn nhất khi thắng cả Đức và Tây Ban Nha để giành ngôi đầu bảng E World Cup 2022. Đó là tuyên ngôn đanh thép cho sự vươn mình của lục địa vàng.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 1

Ngoài châu Âu và Nam Mỹ, trong "thế giới thứ ba" của bóng đá, châu Á luôn bị đánh giá yếu thế so với châu Phi. Nhiều người nói, lục địa đen là cái nôi của nhân loại, nơi sở hữu nguồn gen phong phú nhất Trái Đất. Bởi vậy cầu thủ lục địa này có nền tảng thể chất nổi trội. Thế nên cho dù chưa có đại diện nào lọt vào bán kết World Cup như Hàn Quốc song Phi châu đã sản sinh ra hằng hà sa số vì tinh tú từng tỏa sáng trên bầu trời bóng đá.

Từ Quả bóng vàng 1995 George Weah, "Voi rừng" Didier Drogba, "báo đen" Samuel Eto'o hay ngày nay có Sadio Mane, Mohamed Salah v.v. Dĩ nhiên, ở đây còn chưa đề cập đến cầu thủ gốc Phi.

Trong khi đó, các cầu thủ đến từ lục địa vàng luôn bị đánh giá thấp bé nhẹ cân. Suy cho cùng, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, yếu tố tiên quyết là thể chất. Tuy nhiên, với những diễn tiến sôi động và bất ngờ của World Cup 2022 tại Qatar, bóng đá châu Á ngày càng cho thấy sự thu hẹp khoảng cách so với các nền bóng đá hàng đầu. Ngoại trừ đội tuyển chủ nhà - một chi tiết đáng bàn - các đại diện còn lại đều tạo dấu ấn đậm nét.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 3

Saudi Arabia đánh bại Argentina của Lionel Messi, tạo ra cú sốc lớn đầu tiên trên đất Qatar. Đặc biệt Nhật Bản đã trải qua một kỳ World Cup 2022 xuất sắc nhất lịch sử khi họ ngược dòng hạ cả Đức lẫn Tây Ban Nha để giành ngôi đầu bảng E và tạo cú sốc lớn nhất ở World Cup 2022. Kịch bản hai chiến thắng không tưởng này gần như giống nhau, Samurai xanh không hề nao núng dù bị dẫn bàn, họ dần chiếm lĩnh thế trận, công kiên, điều chỉnh và tung đòn kết liễu. Về phần Iran, sau thảm bại 2-6 trước tuyển Anh, đội tuyển xứ Ba Tư cũng rũ bùn đứng dậy sáng lòa bằng chiến thắng 2-0 trước xứ Wales. Trong khi đó, Hàn Quốc cầm hòa Uruguay không bàn thắng trong 90 phút.

Phân tích sâu hơn, Saudi Arabia vượt qua Argentina không hề theo kịch bản đổ bê-tông thường thấy ở các đội yếu khi gặp đội mạnh. Thầy trò Renard chơi thứ bóng đá thời thượng nhất hiện nay. Đó là chiến thuật đẩy cao đội hình để gây áp lực (pressing) quyết liệt lên đối phương. Nhật Bản hay Hàn Quốc thì chơi thứ bóng đá khoa học không khác gì các đội bóng châu Âu. Còn Iran, họ kết liễu Xứ Wales bằng những pha dứt điểm đẳng cấp cực cao ở phút bù giờ.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 6

Ngoài những chiến thắng địa chấn, minh chứng cho sự vươn lên của bóng đá châu Á là các đại diện của lục địa vàng rất khó bị đánh bại và thi đấu ngang ngửa với các đội tuyển đến từ châu lục khác. Khi nhiều ý kiến vẫn hoài nghi thực lực Saudi Arabia, thầy trò Herve Renard đã chơi một trận ra trò trước Ba Lan và có thể đánh giá là thua trên thế thắng. Nhật Bản chỉ chịu thua tức tưởi Costa Rica vào phút cuối, sau khi lấn lướt trong cả trận đấu. Hàn Quốc thất trận trước Ghana bằng màn rượt đuổi tỷ số nghẹt thở.

Nếu thiếu thực lực, các đại diện của bóng đá châu Á vẫn có thể gây chút bất ngờ nào đó chứ không thể đồng loạt thách thức thế giới bóng đá như vậy.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 7

Trên giấy tờ, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) có 6 đại diện tham dự World Cup 2022. Bao gồm Australia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Hàn Quốc. Australia chỉ là đại diện cho lục địa vàng trên danh nghĩa. Qatar lại tham dự với tư cách chủ nhà hơn là vị thế đại biểu ưu tú. Bằng chứng là từ trước đến nay, Qatar chưa hề vượt qua vòng loại và thực lực yếu kém của đội bóng này đã được thể hiện rõ qua 3 trận thua lấm lưng trắng bụng tại vòng bảng.

Ngược dòng thời gian trở lại 20 năm trước, tại kỳ World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á, kịch bản ngược lại đã xảy ra. Tận dụng "ưu thế" sân nhà, Hàn Quốc đã tiến rất sâu trong sự bất phục của các hàng loạt đội bóng lớn. Nhật Bản ít thành công và… tai tiếng hơn khi chỉ vượt qua vòng bảng lần đầu tiên trong lịch sử. Thực tế, giới quan sát cũng không dựa vào chiến quả của hai đội đồng chủ nhà để kết luận bóng đá châu Á đang tiếp cận đẳng cấp hàng đầu.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 10

Ngược lại, những đại diện khác của châu Á là Saudi Arabia và Trung Quốc đều bị loại ngay từ vòng bảng với thành tích thua tan tác cả 3 trận. Những màn trình diễn này mới phản ánh chân thực khoảng cách trình độ giữa bóng đá lục địa vàng so với các lục địa khác. So sánh với một chút liên tưởng, khoảng cách giữa bóng đá châu Á và các nền bóng đá hàng đầu vào năm 2002 có lẽ tương đương khoảng cách giữa Qatar và World Cup 2002.

Đánh giá một cách khách quan, World Cup 2002 chính là cú hích để bóng đá châu Á vươn mình, để đạt được những thành quả như tại World Cup 2022. Nhật Bản hay Hàn Quốc chính là minh chứng sống động nhất. Trong kỳ tích lọt vào bán kết 20 năm trước, thực tế đội hình trong tay HLV Guus Hiddink chỉ có vỏn vẹn 2 cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu. Đó là Seol Ki Hyeon thi đấu cho Anderlecht của Bỉ và Ahn Jung Hwan khoác áo Perugia tại Italy.

Chiến tích đệ tứ anh hào thế giới trên sân nhà mới mở ra cánh cửa đến châu Âu chơi bóng cho các tuyển thủ Hàn Quốc. Thành công nhất chính là Park Ji Sung, cựu cầu thủ Manchester United. Khi đường đi đã thành, cộng thêm sự phát triển của bóng đá trong nước để cho ra những cầu thủ chất lượng, ngày càng có nhiều cầu thủ châu Á chơi bóng ở châu Âu. Bằng chứng sống động nhất là trong danh sách đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup 2022, có tới 8 cầu thủ, chiếm 1/3 quân số, đang chơi bóng tại các giải bóng đá hàng đầu châu Âu. Trong đó, thủ quân Son Heung Min từ lâu đã được thừa nhận vươn tới đẳng cấp ngôi sao hàng đầu tại Ngoại hạng Anh.

Tương tự là câu chuyện của bóng đá Nhật Bản. Samurai Xanh tham dự World Cup 2022 với quá nửa đội hình, chính xác là 19 tuyển thủ đang chơi bóng tại châu Âu. Riêng tại Đức, đối thủ họ vừa đánh bại, có 8 tuyển thủ, bao gồm cả Takuma Asano và Ritsu Doan, tác giả 2 pha lập công. Thế nên không chỉ đơn giản là phong cách, ngay cả chất lượng con người ngày nay, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không khác gì một đội bóng châu Âu.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 11

Như HLV trưởng Hajime Moriyasu đánh giá sau trận đấu với tuyển Đức: "Chúng tôi đang đạt tới tiêu chuẩn toàn cầu". HLV Jose Mourinho cũng đồng ý với quan điểm này. Vị chiến lược gia lừng danh đang dẫn dắt AS Roma cho biết ông không xem chiến thắng của Nhật Bản trước Đức là bất ngờ kiểu điên rồ. Đối với nhà cầm quân này, sự hiện diện của các cầu thủ xứ Phù Tang tại Âu châu đã trở thành làn sóng.

Thống kê cũng chỉ ra, từ năm 1998 đến 2010, chưa bao giờ có nhiều hơn 5 cầu thủ trong danh sách tham dự World Cup của đội tuyển Nhật Bản thi đấu ở nước ngoài. Bước ngoặt đến vào World Cup 2014, với 12 cầu thủ thi đấu ở các CLB nước ngoài. Chiến thắng trước Đức và Tây Ban Nha cũng chứng tỏ Samurai Xanh sở hữu đội hình có chiều sâu và hàng công đủ chất lượng để phá hủy mọi hệ thống phòng ngự. Đó là yếu tố xác quyết sự vươn mình của bóng đá châu Á.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 13

Tại World Cup 2022, Saudi Arabia đã chơi thứ bóng đá chỉ thấy ở cấp CLB. Như đã đề cập, đó là chiến thuật dâng cao đội hình gây áp lực cường độ cao, cách đá thường thấy Man City hay Liverpool. Sở dĩ các đội bóng cấp quốc gia hiếm khi áp dụng lối chơi này, cho dù chất lượng con người tương đương đi chăng nữa, là bởi các tuyển thủ ít có thời gian ăn tập với nhau.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 16

Nếu như các cầu thủ ở CLB tập luyện với nhau hàng tuần thì mỗi năm chỉ có 5 đợt tập trung đội tuyển quốc gia theo quy định của FIFA (FIFA days). Bao gồm cuối tháng 3, đầu tháng 6, đầu tháng 9, đầu tháng 10 và giữa tháng 11, mỗi đợt kéo dài trong 9 ngày. Việc tập trung ít ỏi và ngắt quãng như vậy khiến chất lượng các đội tuyển quốc gia (ĐTQG) ngày nay không thể bằng các CLB. Đó cũng là nguyên nhân, bên cạnh vấn đề thu nhập, để các chiến lược gia hàng đầu thế giới hiện nay đều chọn làm việc ở cấp CLB thay vì dẫn dắt ĐTQG.

Saudi Arabia lại là câu chuyện khác. Đội tuyển quốc gia này như một CLB thu nhỏ. Toàn bộ 26 tuyển thủ tham dự World Cup 2022 đều đang thi đấu trong nước, gần một nửa (12 tuyển thủ) đang khoác áo Al-Hilal, đội bóng mạnh nhất nước, 1/3 thì khoác áo Al-Nassr. Chính việc thường xuyên sát cánh cũng như đối đầu với nhau như vậy đã giúp các tuyển thủ Saudi Arabia thi đấu ăn khớp và HLV Herve Renard có nhiều cơ hội để áp dụng các ý tưởng chiến thuật tân tiến thường thấy ở cấp CLB.

Tất nhiên, việc đi ngược xu hướng Tây du của Nhật Bản, Hàn Quốc hay kể cả Iran không hẳn là do chất lượng cầu thủ Saudi Arabia không đảm bảo. Màn trình diễn tại Qatar cho thấy những cầu thủ áo xanh dũng mãnh nhưng không kém phần khéo léo. Một trong những nguyên nhân chính là Saudi Arabia "có điều kiện".

Quốc gia này giàu có, hào phóng và đam mê bóng đá nhiệt thành. Cần biết đội bóng có giới chủ giàu nhất châu Âu hiện nay là Newcastle, thuộc sở hữu PIF, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia. Nếu QSI, chủ sở hữu PSG, với khối tài sản 220 tỷ bảng đã lũng đoạn thị trường chuyển nhượng thì PIF còn khủng khiếp hơn, khi được định giá 320 tỷ bảng.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 17

Về đội tuyển Saudi Arabia, sau trận thắng lịch sử trước đội tuyển Argentina, truyền thông đồng loạt đưa tin Thái tử Mohammed Bin Salman Al Saud đã tặng mỗi người một siêu xe Rolls-Royce Phantom có giá 460.000 USD (hơn 11 tỉ đồng). Chưa biết độ xác tín của thông tin, nhưng thu nhập của các cầu thủ Saudi Arabia thuộc hàng "khủng" nhất thế giới. Các cầu thủ của Al-Hilal, đội bóng sở hữu 10 triệu lượt theo dõi trên twitter, đa số hưởng mức lương triệu đô. Đến những cầu thủ dự bị sau chót cũng nhận khoảng chừng 400 ngàn USD/năm. Vì vậy, các cầu thủ Saudi Arabia được đảm bảo về thu nhập dù chỉ thi đấu trong nước. Với xu thế bóng đá đỉnh cao ngày càng tập trung cho cấp CLB, cách làm bóng đá chịu chơi của Saudi Arabia đôi khi đem đến ưu thế và tạo ra những bất ngờ.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 19

Bóng đá châu Á đã tiến những bước dài trong thế kỷ 21. Từ chỗ sang châu Âu chơi bóng như một hiện tượng hay chuyến phiêu lưu, các cầu thủ da vàng dần khẳng định năng lực, chiếm suất đá chính và thậm chí trở thành ngôi sao. Sự tỏa sáng của Son Heung Min là minh chứng các cầu thủ châu Á đủ phẩm chất để vươn tới đẳng cấp hàng đầu. Cộng với việc World Cup mở rộng lên 40 đội tham dự vòng chung kết, cơ hội cho những nền bóng đá châu Á phát triển theo hướng Nhật Bản hay Hàn Quốc, hoặc đi lên theo kiểu Saudi Arabia sẽ ngày càng nhiều. Bởi vậy, tương lai không xa, sau khi vươn từ nhược tiểu thành ngựa ô, những hiện tượng Á châu sẽ sánh vai với các cường quốc bóng đá hàng đầu thế giới.

World Cup 2022: Hành khúc vàng và sự vươn mình của bóng đá châu Á - 21

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Đỗ Diệp