1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Viettel cùng các nhà mạng thế giới đồng loạt ‘tiến quân’ vào Esports

Trường Thịnh

(Dân trí) - Sau khi đồng hành cùng đội tuyển Mocha ZD Esports đại diện Việt Nam tại SEA Games 30, Viettel liên tục tài trợ và tổ chức các giải đấu thu hút hàng chục nghìn game thủ, cho thấy kế hoạch tiến sâu vào lĩnh vực này.

Vì sao nhà mạng xác định ‘đường trường’ cùng Esports

Công nghệ máy tính, smartphone, đồ họa, Internet đã khiến việc chơi game và thể thao điện tử (Esports) trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Giờ đây, Esports là những ‘sân vận động ảo’ của 2.5 tỷ fan hâm mộ, những đội tuyển chuyên nghiệp, các giải đấu hoành tráng tầm cỡ quốc tế.

Viettel cùng các nhà mạng thế giới đồng loạt ‘tiến quân’ vào Esports - 1
Rừng cổ động viên Việt Nam trong trận Chung kết thế giới 1 bộ môn Esports

Chính vì vậy, Esports đã trở thành 1 phần lối sống. Ngày càng nhiều bạn trẻ coi Esports là phong cách. Họ coi các ngôi sao game thủ cũng là người hùng, thần tượng của mình. Thị trường kinh doanh các vật phẩm hỗ trợ cho việc chơi, thi đấu, cổ vũ, thể hiện sự hâm mộ Esports… rất sôi động và tiềm năng. Lớp khách hàng thương mại trên nền tảng số vừa trẻ, lại có tầm ảnh hưởng khi hoạt động mạng xã hội thường xuyên, giàu tính liên kết.

Các nhà mạng toàn cầu, trong khi cần mẫn cung cấp hạ tầng cho viễn thông và Internet, đã để lỡ thế thượng phong ở mảng nội dung số (ứng dụng OTT và các nội dung giải trí) cho các công ty như Google, Facebook, Netflix… Tuy nhiên, việc tham gia lĩnh vực Esports là một phân khúc có thể giúp lấp đầy 1 cách khẩn cấp khoảng cách này khi mà lĩnh vực thể thao điện tử hội tụ đủ nội dung chọn lọc và livestream, giao tiếp và tương tác mạng xã hội, mua bán và thanh toán cũng như các sự kiện Online, Offline có khả năng ảnh hưởng toàn cầu.

Hàng loạt nhà mạng thức thời đã nhanh chóng vào cuộc và tiên phong trong lĩnh vực Esports ở đất nước mình. Riêng châu Á có thể kể đến SK Telecom và Korea Telecom ở Hàn Quốc; TrueMoveH và AIS ở Thái Lan; Telkomsel ở Indonesia; Singtel của Singapore và gần đây nhất là Viettel của Việt Nam.

Họ đã làm như thế nào?

Một trong những cái tên quen thuộc nhất với cộng đồng Game thủ châu Á nói riêng và thế giới nói chung, phải nói đến SK Telecom - tiên phong trong lĩnh vực giải trí, Esports và Game của Hàn Quốc. Nhà mạng này thành công rực rỡ với việc đầu tư cho đội tuyển SK Telecom T1 đã 3 lần vô địch thế giới bộ môn Liên Minh Huyền Thoại (2013, 2015 và 2016). Bên cạnh việc dùng Esports để quảng bá thương hiệu, các gói dịch vụ Data dành riêng cho nhu cầu về Game là một mảng doanh thu lớn của các nhà mạng Hàn Quốc. Hiện nay, ai mua SIM của SK Telecom hay Korea Telecom (kể cả khách nước ngoài vừa tới Hàn Quốc tại sân bay, hải cảng…) đều sẽ được nhân viên các nhà mạng này tư vấn những gói Data ưu đãi để chơi Game.

SK Telecom cũng đã ký hợp tác với các công ty viễn thông Singtel (Singapore) và AIS (Thái Lan) thành lập một liên doanh để tạo ra một nền tảng thể thao điện tử hướng tới 800 triệu game thủ châu Á.

Viettel cùng các nhà mạng thế giới đồng loạt ‘tiến quân’ vào Esports - 2

Trong bối cảnh Covid-19, Liên doanh trong lĩnh vực Game, Esports giữa SK Telecom, Singtel và AIS được kí kết Online

Ở thị trường khá tương đồng với Việt Nam là Indonesia, Telkomsel - nhà mạng số 1 của Indonesia đã tiên phong trong mảng thể thao điện tử từ nhiều năm nay với nhiều mô hình kinh doanh phục vụ lợi ích của người dùng cũng như tạo ra sự tăng trưởng doanh thu cho toàn bộ hệ sinh thái của nhà mạng này. Đáng kể như việc dùng tài khoản viễn thông để mua trực tiếp các đơn vị ảo trong game, gói data dành riêng cho từng môn chơi, và đặc biệt là tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp cũng như xây dựng sân chơi cho cộng đồng các game thủ.

Ông Auliya Ilman Fadli - Tổng Giám đốc Trò chơi và Ứng dụng của Telkomsel cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp trò chơi ở Indonesia, các khách hàng này có doanh thu trung bình lớn nhất trong các phân khúc người dùng các dịch vụ số khác như video, âm nhạc và ứng dụng. Họ cũng là nhóm khách hàng sử dụng dung lượng Mobile Internet lớn nhất của Telkomsel”.

Kết hợp kinh nghiệm thành công của Telkomsel với các nhà mạng khác, Viettel của Việt Nam cũng đang thể hiện những bước đi đầu tiên vào thị trường Esports thông qua chuỗi hoạt động của công ty con là Viettel Media.

Viettel Media – điều gì sau những giải đấu?

Gần đây nhất, cộng đồng người hâm mộ Esports ở Việt Nam nhận thấy một cái tên nổi lên là Viettel Media, đơn vị này liên tục các giải đấu đối với các bộ môn phổ biến nhất như Liên quân Mobile, Free Fire và FIFA Online 4…. Đơn vị này cho biết, trung bình mỗi giải đấu có tới gần 7000 người đăng ký, thể thức thi đấu cũng rất mới và kịch tính, với thông điệp ‘Được ăn cả, ngã về 0”.

Ông Võ Thanh Hải – Giám đốc Công ty Viettel Media cho biết: “Thể thao điện tử là một xu hướng lớn đã và đang diễn ra tại các nước phát triển, Viettel mong muốn tạo ra một hệ sinh thái Esports trên di động để đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực này, đồng thời tạo ra các mô hình kinh doanh mới, nằm trong tổng thể hệ sinh thái các dịch vụ số của Viettel. Với lợi thế tố chất của người Việt Nam, hoàn toàn chúng ta có thể mong chờ các thành tích thi đấu mang tầm quốc tế đối với môn thể thao mới này

Viettel cùng các nhà mạng thế giới đồng loạt ‘tiến quân’ vào Esports - 3
Giám đốc Viettel Media lạc quan về tương lai của hệ sinh thái Esports trên di động

Như vậy, rõ ràng mặc dù Viettel không phải là người đi đầu, nhưng với nguồn lực và lợi thế sở hữu hạ tầng và số lượng thuê bao di động lớn nhất, việc Viettel theo chân các nhà mạng lớn trên thế giới tham gia vào ngành công nghiệp Esports sẽ tạo điều kiện thúc đẩy một lĩnh vực rất tiềm năng, tạo cơ hội cho những vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp có thể theo đuổi đam mê của mình và tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho đất nước.