Điền kinh Việt Nam khẳng định thế độc tôn tại Đông Nam Á

Trọng Vũ

(Dân trí) - Với 22 HCV giành được, điền kinh Việt Nam đứng đầu đại hội, bỏ rất xa đội đứng nhì Thái Lan. Đây là số HCV kỷ lục mà đội tuyển Việt Nam giành được từ trước đến nay, tại một kỳ SEA Games.

Lập hat-trick HCV, phá kỷ lục SEA Games, Nguyễn Thị Oanh nói điều bất ngờ

Tính luôn 3 HCV (các nội dung đi bộ nam, nữ, marathon nam), đội tuyển điền kinh Việt Nam kết thúc SEA Games 31 với 22 HCV, 15 HCB và 8 HCĐ, bỏ xa đội về nhì Thái Lan (12 HCV, 11 HCB và 8 HCĐ). Thành tích này khẳng định vị thế hàng đầu của Việt Nam ở môn thể thao nữ hoàng.

Những cái tên đặc biệt xuất sắc của đội tuyển điền kinh Việt Nam trong những ngày tranh tài vừa qua trên đường chạy và hố nhảy, có Nguyễn Thị Oanh (3 HCV: 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ), Nguyễn Thị Huyền (2 HCV: 400m và 4x400m nữ), Nguyễn Văn Lai (2HCV: 5.000m và 10.000m nam).

Điền kinh Việt Nam khẳng định thế độc tôn tại Đông Nam Á - 1

Điền kinh Việt Nam thành công rực rỡ tại SEA Games 31 (Ảnh: Hải Long).

Một số VĐV khác, tuy chỉ giành duy nhất một HCV, nhưng tấm HCV của họ có ý nghĩa rất lớn, đó là HCV marathon nam của Hoàng Nguyên Thanh, hoặc HCV nội dung 7 môn phối hợp nữ của Nguyễn Linh Na.

Ở nội dung 7 môn phối hợp, Nguyễn Linh Na là người Việt Nam đầu tiên sau 17 năm có được thành tích này ở đấu trường SEA Games.

Còn ở nội dung marathon nam, Hoàng Nguyên Thanh làm nên lịch sử khi giúp Việt Nam lần đầu tiên sau những 60 năm, mới giành được HCV. 

Điền kinh Việt Nam khẳng định thế độc tôn tại Đông Nam Á - 2

Hoàng Nguyên Thanh (giữa) giúp marathon nam Việt Nam có HCV SEA Games sau... 60 năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Điền kinh Việt Nam khẳng định thế độc tôn tại Đông Nam Á - 3

Quách Thị Lan lần đầu có HCV cá nhân tại Đông Nam Á vận hội, nội dung 400m rào nữ (Ảnh: Quân Đỗ).

Trong môn điền kinh, 7 môn phối hợp của nữ, 10 môn phối hợp của nam, cùng các cự ly chạy marathon là những môn khó nhất, đòi hỏi sự bền bỉ, cũng như sức chịu đựng đáng nể của các VĐV.

Nguyễn Thị Huyền cũng là cái tên nhận được nhiều sự thán phục. Bà mẹ một con này vẫn băng băng trên đường chạy 400m khiến cả Đông Nam Á sửng sốt.

Cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games trước đây, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận định: "Cơ thể phụ nữ sau khi sinh có những chuyển biến không có lợi cho các VĐV đỉnh cao. Chính vì vậy, việc Nguyễn Thị Huyền vẫn thi đấu và vẫn chiến thắng cho thấy sự bền bỉ và nghị lực phi thường của cô gái này".

Điền kinh Việt Nam khẳng định thế độc tôn tại Đông Nam Á - 4

Bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền vẫn băng băng trên đường chạy và đều đặn giành HCV là hình ảnh tiêu biểu cho sự bền bỉ dẫn đến thành công của điền kinh Việt Nam (Ảnh: Hải Long).

Ở chiều ngược lại, Bùi Thị Nguyên (HCV nội dung 100m rào nữ) là đại diện cho thế hệ mới trong môn thể thao nữ hoàng của đội tuyển điền kinh Việt Nam. 

Cô gái 21 tuổi này cũng là niềm an ủi cho chúng ta ở các nội dung chạy cự ly ngắn, sau khi Lê Tú Chinh chấn thương bất ngờ, khiến đội Việt Nam không có người đủ sức tranh chấp ở 2 nội dung 100m và 200m nữ, trong khi ở 2 nội dung này của nam, thần đồng 16 tuổi Puripol Boonson (Thái Lan) tỏ ra quá lợi hại, mà các VĐV chạy cự ly ngắn của Việt Nam chưa thể bắt kịp.

Đấy cũng là những nội dung đáng tiếc nhất của điền kinh Việt Nam tại SEA Games năm nay, giữa một kỳ đại hội thành công rực rỡ. Điền kinh Việt Nam thậm chí còn vượt xa thành tích của chính chúng ta ở kỳ SEA Games gần nhất (năm 2019, điền kinh Việt Nam giành 16 HCV tại Philippines).