1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vỡ nợ, Sri Lanka tính bán hãng hàng không quốc gia

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Sri Lanka đang nghiên cứu khả năng tư nhân hóa hãng hàng không quốc gia, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của nước này đang ngày càng trầm trọng.

Vỡ nợ, Sri Lanka tính bán hãng hàng không quốc gia - 1
Một máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Sri Lankan Airlines (Ảnh: SimpleFlying).

Thủ tướng mới của Sri Lanka đã đề xuất bán toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại hãng hàng không quốc gia Sri Lankan Airlines đang làm ăn thua lỗ, trong một nỗ lực nhằm đưa quốc gia này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lankan Airlines đã lỗ khoảng 123 triệu USD trong tài khóa 2020-2021. Tổng lỗ lũy kế hiện tại của hãng đã vượt quá 1 tỷ USD.

"Ngay cả khi chúng ta tư nhân hóa Sri Lankan Airlines, đây cũng là một tổn thất cho đất nước. Các bạn phải biết rằng đây là một mất mát mà người dân nghèo của đất nước này chưa từng bước lên máy bay phải gánh chịu", Thủ tướng Wickremesinghe nói.

Sri Lankan Airlines là hãng hàng không quốc gia của Sri Lanka và được thành lập từ năm 1979. Trụ sở chính của hãng được đặt tại sân bay quốc tế Bandaranaike nằm gần thủ đô Colombo. Tính đến năm 2022, hãng hàng không này duy trì một đội bay gồm 24 máy bay Airbus và một mạng lưới đường bay đến 117 điểm đến trong và ngoài nước. Sri Lankan Airlines được hãng hàng không khổng lồ Emirates Airlines quản lý từ năm 1998 đến năm 2008.

Đất nước Sri Lanka gần như đã phá sản và buộc phải đình chỉ việc chi trả cho khoản vay nước ngoài giá trị khoảng 7 tỷ USD trong năm nay. Tổng nợ nước ngoài của đất nước hiện là 51 tỷ USD. Tuy vậy, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết nước này hiện chỉ có 25 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được cho việc trả nợ.

Thủ tướng Wickremesinghe cho biết nước này cần gấp khoảng 75 tỷ USD để giúp cung cấp cho người dân những mặt hàng thiết yếu, nhưng kho bạc của đất nước đang vật lộn để tìm kiếm dù chỉ 1 tỷ USD.

Trong nhiều tháng, người dân Sri Lanka đã buộc phải xếp hàng dài để mua các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu khan hiếm như thuốc men, nhiên liệu, khí đốt và thực phẩm vì thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng. Được biết, các nguồn thu của chính phủ cũng giảm mạnh.

Trong một thông điệp gửi tới người dân, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho hay tình hình tài chính của đất nước tồi tệ đến mức chính phủ buộc phải in tiền để trả lương cho nhân viên chính phủ và mua các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác.

"Tôi không muốn che giấu sự thật và nói dối công chúng. Mặc dù những sự thật này thật khó chịu và đáng sợ, nhưng đây là tình huống có thật. Có thể, tương lai của chúng ta sẽ còn khó khăn hơn những khoảng thời gian mà chúng tôi đã trải qua", Thủ tướng Wickremesinghe chia sẻ.

Theo Al Jazeera