DMagazine

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ

(Dân trí) - Konon Trofimovich Molody - người được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ thực chất lại là sĩ quan tình báo Liên Xô hoạt động dưới vỏ bọc doanh nhân.

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ

Konon Trofimovich Molody - người được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ - thực chất lại là sĩ quan tình báo Liên Xô hoạt động dưới vỏ bọc doanh nhân.

Konon Molody sinh ngày 17/1/1922 trong một gia đình người gốc Moscow gồm những người làm công tác khoa học. Vào tháng 10/1929, khi Konon được 7 tuổi, cha ông qua đời vì đột quỵ. Evdokia, mẹ ông, ở vậy nuôi các con. Gia đình gặp nhiều khó khăn, không có đủ tiền để sinh sống.

Em gái của Evdokia là Anastasia di cư đến Mỹ từ năm 1914 đã biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình người chị. Anastasia không có con nhưng có khả năng tài chính nên đã khuyên chị gái gửi con trai sang Mỹ cho cô chăm sóc.

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ - 1

Konon Trofimovich Molody (Ảnh: Lenta.ru).

Konon, khi ấy mới 10 tuổi, đã ra nước ngoài và sống ở San Francisco, Mỹ. Ở đó, Konon đã học tại một trường địa phương, thông thạo các ngôn ngữ Anh, Đức và Pháp. Năm 1938, Konon trở lại Liên Xô, tiếp tục học tại trường số 36 và tốt nghiệp vào năm 1940.

Nhưng ước mơ học đại học của Konon đã phải hoãn lại khi chiến tranh bắt đầu. 19 tuổi, Konon ra mặt trận. Anh được điều về đơn vị pháo binh và ít lâu sau trở thành chỉ huy của một trung đội trinh sát quang học.

Konon kết thúc cuộc chiến với quân hàm trung úy và chức tham mưu trưởng sư đoàn trinh sát của Mặt trận Belorussia, nhận được huân chương "Quân công", Huân chương Sao Đỏ và Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng I và II.

Ngoại hình lý tưởng

Sau khi xuất ngũ, Konon đã tiếp tục việc học hành. Anh chọn ngành luật và theo học tại Học viện Ngoại thương. Sau khi tốt nghiệp loại ưu vào năm 1951, Konon ở lại trường để dạy tiếng Trung Quốc. Anh dự định thi cao học và cống hiến cuộc đời mình cho khoa học, nhưng số phận lại quyết định theo hướng khác.

Một lần, Konon được người đồng đội Anton đến thăm. Sau chiến tranh, Anton tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực tình báo và mời Konon gia nhập nhóm của họ dưới sự lãnh đạo của Rudolf Abel.

Ban đầu, Konon từ chối, nhưng Anton đã thuyết phục được anh: trong điều kiện Chiến tranh Lạnh, Liên Xô rất cần người làm tình báo, những người sẽ khai thác thông tin trong hang ổ của đối phương là Anh và Mỹ. Điều đáng chú ý là Konon có ngoại hình lý tưởng cho một nhà tình báo. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, anh có thể đóng vai một người Pháp hoặc một người Anh.

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ - 2

Sĩ quan tình báo Konon Trofimovich Molody (Ảnh: Lenta.ru).

Mang mật danh là Ben, Konon phải đến Anh qua Canada dưới cái tên Gordon Lonsdale, là dân ở một làng thuộc khu mỏ Cobalt.

Cái tên này không phải được chọn một cách tình cờ: Gordon Lonsdale là một người thực sự tồn tại, nhưng đã chết vào năm 1943 trong một hoàn cảnh bí ẩn. Konon lựa chọn Canada là nơi quá cảnh trước khi đến Anh, vì người Anh coi đất nước này là một phần của Đế quốc Anh và coi công dân Canada giống như những người họ hàng xa.

Khi đặt chân đến Canada, Konon nhanh chóng nhập vai một người lạnh lùng, tính toán và chỉ quan tâm đến tiền bạc.

Konon đã có được giấy tờ, hộ chiếu của Canada và sẵn sàng lên đường đến Anh, nhưng cần phải có lý do cho chuyến đi. Ngay sau đó anh nhận được đề nghị từ cấp trên vào trường Nghiên cứu Châu Phi và Phương Đông tại Đại học London.

Konon liên lạc với trường đại học, tìm hiểu tất cả các chi tiết và bắt đầu chuẩn bị lên đường. Biết rằng ở Anh, nếu có một tài khoản ngân hàng thì sẽ được coi là một dấu hiệu của sự tôn kính, Konon đã đến mở tài khoản tại một ngân hàng Canada có văn phòng đại diện ở London.

Một nhân viên văn phòng cấp cao, đồng thời là thư ký chi nhánh Canada của Liên đoàn Hải ngoại Hoàng gia Anh, đã mời Konon tham gia tổ chức này. Liên đoàn do chính Nữ hoàng Elizabeth II bảo trợ, quỹ thành viên chỉ mất có 5 USD, nhưng việc tham gia tổ chức này mang lại rất nhiều lợi thế: những người nước ngoài được giúp đỡ để định cư ở Anh, được tổ chức đi du lịch khắp đất nước và giới thiệu những người hữu ích.

Konon không hề do dự, đồng ý đề nghị trở thành thành viên của liên minh hoàng gia. Konon bắt đầu theo học tại Đại học London, duy trì liên lạc với cấp trên thông qua các nhà tình báo khác là Maurice và Leontine Coen. Theo vỏ bọc, họ là một gia đình buôn bán đồ cổ có họ là Kroger.

Konon được giới thiệu với vợ chồng Coen với tư cách là một nhà tình báo tên Arnie và sẽ giúp trang bị một hầm điện đài trong căn nhà của họ.

Nhn nhim vụ

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ - 3

Chủ tịch KGB Liên Xô V.E.Semichastny (thứ nhất từ trái sang) tiếp các nhà tình báo Liên Xô R. Abel (thứ hai từ trái sang) và K. T. Molody (thứ hai từ phải sang) (Ảnh: Lenta.ru).

Nhiệm vụ đầu tiên được trung tâm giao cho Konon là đến Paris, Pháp để gặp một nhân vật tên Jean. Người này có trách nhiệm đưa Konon đến gặp một đặc vụ quan trọng đối với tình báo Liên Xô là Wilson. Ông này đã tiếp cận với việc phát triển vũ khí vi trùng, được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu các Phương pháp tiến hành Chiến tranh sinh học, đặt tại Porton, Anh.

Để gặp Jean, Konon đã đến bảo tàng Louvre. Đặc vụ phải nhận ra Konon bằng dấu hiệu ngón tay giữa được băng bó trên bàn tay trái, áp vào thái dương. Sau khi ra tín hiệu, Konon rời Louvre và đi về phía Cánh đồng Elysees. Không lâu sau, một chiếc Mercedes màu đen, do Jean lái, đuổi kịp anh. Sau một cuộc trò chuyện ngắn, Konon nhận được thông tin về các đặc vụ mà anh sẽ làm việc cùng, và các điều kiện để gặp họ, trong số đó có đặc vụ Wilson.

Konon bắt đầu làm việc và tạo ra những mối quan hệ hữu ích trong quá trình hoạt động. Trong một lần đi nghỉ, Konon đã làm quen với các vị khách du lịch - Raymond Straw và vợ của anh ta. Straw là một thiếu tá trong Không quân Mỹ, từng phục vụ tại Căn cứ Lakenheath ở Anh - nơi đóng trụ sở của hàng không chiến lược Mỹ. 

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ - 4

Сăn cứ không quân Lekenheath ở Anh (Ảnh: Lenta.ru).

Straw có cảm tình với Konon và mời anh đến thăm căn cứ ở hạt Suffolk. Trong chuyến thăm, qua cuộc trò chuyện, thấy thái độ lo âu của cô vợ Straw, Konon đã biết về vụ máy bay Mỹ rơi tại căn cứ.

Một máy bay ném bom rơi xuống một kho ngầm chứa đầu đạn hạt nhân và bốc cháy. Konon đã báo cáo với trung tâm về trường hợp tai nạn này, cũng như về bộ nhớ bí mật trên lãnh thổ của căn cứ.

Nhờ người cung cấp thông tin Wilson mà Konon đã có trong tay chiếc phích đựng các mẫu vũ khí sinh học và anh ngay lập tức cho chuyển về cho cơ quan tình báo.

Doanh nhân thành công

Konon gặp gỡ gia đình trong một kỳ nghỉ năm 1955. Mỗi năm một lần Konon có dịp về Moscow. Anh dùng giấy tờ giả để đến một trong những nước xã hội chủ nghĩa, và từ đó về Liên Xô. Anh kết hôn với một giáo viên làm việc trong trường dành cho trẻ em khuyết tật nhưng vợ anh không biết Konon thực sự đang làm gì. Năm 1958, Konon có một cậu con trai. 

Trong khi đó, Konon quyết định kinh doanh ở Anh - không phải vì lợi nhuận, mà là để hợp lý hóa việc tiếp tục ở lại nước này sau khi tốt nghiệp đại học. Anh nhanh chóng trở thành chủ sở hữu của một số máy đánh bạc và đĩa nhạc.

Trong giai đoạn đầu, hoạt động kinh doanh không thuận lợi, do đó quỹ KGB phải chi trả để bù lỗ. Nhưng ngay sau đó, Konon đã đảm nhận vị trí giám đốc của chính công ty nơi anh mua máy móc.

Ngoài vũ khí sinh học, Konon còn quan tâm đến trung tâm nghiên cứu dưới nước của Hải quân Anh. Nước này đã thiết kế các tàu ngầm hạt nhân, các phương tiện phát hiện và bảo vệ, cũng như các loại vũ khí hạt nhân mới.

Cùng lúc đó, Konon nhận được đề nghị từ cấp trên về việc xem xét kỹ lưỡng Harry Houghton, một cựu sĩ quan cấp cao của hải quân Hoàng gia Anh. Vào đầu những năm 50, Houghton làm chuyên gia mật mã tại phòng tùy viên quân sự - hải quân Anh tại Ba Lan.

Konon đã liên lạc qua điện thoại với người thủy thủ đã nghỉ hưu, đóng giả là trợ lý của tùy viên quân sự - hải quân Mỹ tại London, Trung tá Hải quân Alec Johnson. Những khi gặp nhau, trong câu chuyện, Konon có ý phàn nàn rằng Anh đã không tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận với Mỹ về việc trao đổi thông tin quân sự - kỹ thuật.

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ - 5

Harry Houghton sau khi được thả (Ảnh: The Times).

Houghton là người đầu tiên đề nghị hỗ trợ thông tin cho "Ngài trung tá" Mỹ, tất nhiên không phải là miễn phí. Sau khi tặng cho người cung cấp thông tin tương lai một chiếc bật lửa vàng, Konon hứa sẽ có phần thưởng hậu hĩnh cho sự trợ giúp của ông ta.

Houghton, hoạt động dưới mật danh Shah, sau đó đã giới thiệu Konon với vị hôn thê của mình, Ethel G., làm nghề văn thư, thường làm nhiệm vụ in sao giấy tờ và có điều kiện tiếp xúc với tài liệu mật liên quan đến Hải quân Hoàng gia. Vợ sắp cưới của Houghton, lấy mật danh Asya, ngay lập tức đồng ý lấy bí mật quân sự cho Alec Johnson.

17.000 tờ tài liệu mật được chuyển đến trong quá trình Konon hợp tác với Houghton và Ethel G. Trong số đó có dữ liệu về khả năng bảo vệ chống tàu ngầm, mật mã, hệ thống âm thanh, phòng thủ cảng, tình trạng kỹ thuật của hạm đội Anh và diễn tập hải quân của các nước NATO. Những tài liệu này rất hữu ích đối với các nhà khoa học và nhà thiết kế Liên Xô, ví dụ như các thiết bị sonar - thiết bị nghiên cứu bề mặt đáy đại dương - được tạo ra trên cơ sở các phát triển của Anh.

Tước hiệu được phong tặng

Năm 1959, một trong những nhân viên của công ty đã yêu cầu Konon đánh giá phát minh về hệ thống báo động ô tô có khóa. Konon rất thích ý tưởng này, anh đã tìm các nhà đầu tư và bắt đầu sản xuất hệ thống báo động. Vào tháng 3/1960, tại một cuộc triển lãm quốc tế ở Brussels, phát minh này đã nhận được Huy chương Vàng lớn.

Sau đó, việc kinh doanh sản xuất và bán hệ thống báo động lên như diều gặp gió. Konon đã trở thành một triệu phú thực sự. Anh mua một biệt thự sang trọng và bổ sung vào garage của mình những chiếc xe hơi đắt tiền.

Nữ hoàng Elizabeth II đã rất ấn tượng trước thành công của doanh nhân người Canada và bà đã phong cho anh tước hiệu Hiệp sĩ. Tuy nhiên, Konon vẫn không quên mục tiêu chính. Anh gửi cho cấp trên dữ liệu về công nghệ gia công kim loại và việc tạo ra các hợp kim có độ bền cao, mà anh có được nhờ doanh nghiệp của mình.

Nhưng thành công không kéo dài bao lâu: cuối năm 1960, Konon lọt vào tầm ngắm của lực lượng phản gián Anh. Trên đường về nhà, Konon thấy có kẻ bám theo xe của mình. Ngay sau đó, một cuộc khám xét bí mật được thực hiện tại nhà của anh, được các đặc vụ đặc biệt của Anh ngụy trang thành một vụ trộm.

Konon rút lui khỏi các hoạt động tình báo, nhưng vẫn tiếp tục điều hành công việc kinh doanh của công ty, cố gắng không cho ai thấy sự lo lắng của mình. Konon chuẩn bị cho cuộc gặp cuối cùng với Houghton, dự kiến vào ngày 7/1/1961.

Konon không biết rằng người cung cấp thông tin của anh đã rơi vào bẫy của tình báo Anh và ông ta đã khai ra Konon để đổi lấy lời hứa giảm bớt thời hạn tù cho chính mình và người vợ chưa cưới.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của Konon và Houghton diễn ra trên đường Waterloo. Người cung cấp thông tin đến cùng vợ chưa cưới, điều này khiến nhà tình báo ngạc nhiên vì anh không ngờ Ethel cũng tới. Ngay khi Konon cầm túi tài liệu của cô gái, cả 3 người đã bị nhân viên phản gián Anh bắt giữ. Vài giờ sau, vợ chồng Coen cũng bị bắt, nhân viên phản gián Anh đã tìm thấy trong dinh thự của họ thiết bị chụp ảnh, giấy tờ giả mạo, nơi cất giấu bí mật và một máy bộ đàm.

Trao đổi điệp viên

Konon từ chối làm chứng vì hiểu rằng có rất ít cơ hội để tránh khỏi án tù, và chuẩn bị cho 14 năm tù - thời hạn tối đa cho tội danh có âm mưu bí mật.

Chỉ sau khi Konon bị bắt, vợ anh mới biết chồng mình thực sự là ai: Các nhân viên KGB đã nói với cô về vụ bắt giữ Konon.

Phiên tòa xét xử nhà tình báo bắt đầu vào tháng 3/1961 tại Tòa án Hình sự Trung tâm Old Bailey và có tên gọi là "Nữ hoàng kiện Gordon Lonsdale". Lực lượng phản gián Anh không tìm ra được mối liên hệ của Konon với tình báo Liên Xô, nhưng điều này không làm giảm mức độ nghiêm trọng của bản án.

Vỏ bọc hoàn hảo giúp điệp viên Liên Xô được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ - 6

Greville Wynn - Điệp viên Anh hoạt động tại Liên Xô (Ảnh: Lenta.ru).

25 tù giam là bản án dành cho Konon Molody. Houghton và vị hôn thê của ông cũng không được cơ quan tình báo giảm nhẹ hình phạt như đã hứa, và cả hai đều phải nhận 15 năm tù. Vợ chồng Coen bị kết án 20 năm tù.

Tuy nhiên, Konon chỉ ở tù có 3 năm ở nhà tù ở Anh. Vào tháng 4/1964, Konon được đổi lấy một điệp viên người Anh, Greville Wynn. Cuộc trao đổi diễn ra tại một khu vực trung lập gần một trạm kiểm soát biên giới ở Tây Đức. Vì hồi hộp, Konon thậm chí còn không nhớ mình đã ngồi vào xe của lực lượng đặc biệt Liên Xô vào thời điểm nào.

Không lâu sau, Konon được thăng quân hàm đại tá và được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ. Gia đình Konon được cấp một căn hộ trên phố Frunzenskaya Nabereznaia. Konon tiếp tục hoạt động tình báo, nhưng chuyển từ hoạt động tác chiến sang giảng dạy. Ông đã viết một cuốn hồi ký mà sau đó được xuất bản ở phương Tây.

Konon mơ ước trở lại hoạt động tình báo một lần nữa và vì điều này, ông thậm chí còn đồng ý phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng ông đã không kịp thực hiện mong ước của mình. Vào tháng 10/1970, nhà tình báo 48 tuổi qua đời vì một cơn đau tim đột ngột. Konon Molody được an táng tại nghĩa trang Donskoy ở Moscow.