1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine muốn Nga từ bỏ vũ khí hạt nhân để đàm phán đảm bảo an ninh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nghị sĩ cấp cao, lãnh đạo phái đoàn đàm phán của Ukraine David Arakhamia nêu ra 4 điều kiện để Kiev thương lượng về an ninh với Nga, trong đó có điều khoản Moscow tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ukraine muốn Nga từ bỏ vũ khí hạt nhân để đàm phán đảm bảo an ninh - 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của quân đội Nga (Ảnh: Sputnik).

Ông David Arakhamia - lãnh đạo các nghị sĩ đảng cầm quyền Đầy tớ của nhân dân trong quốc hội Ukraine, đã nêu ra các điều kiện để thương lượng về việc đảm bảo an ninh cho Nga.

Hôm 3/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, phương Tây nên xem xét giải quyết ra sao các yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga, nếu Moscow đồng ý đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Pháp nhận định, châu Âu cần chuẩn bị cho kiến trúc an ninh trong tương lai khi Nga đồng ý thương lượng tháo gỡ xung đột ở Ukraine. 

Theo ông Arakhamia, người cũng là lãnh đạo phái đoàn đàm phán của Ukraine với Nga, Kiev sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Nga, nhưng tất cả những gì Nga phải làm là: Rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine; trả tiền bồi thường chiến sự; trừng phạt tất cả tội phạm chiến tranh; tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.

"Sau đó, chúng tôi sẽ ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận về các đảm bảo an ninh", ông Arakhamia tuyên bố.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài tới tháng thứ 10 nhưng giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt và chưa có dấu hiệu 2 bên sẽ nối lại đàm phán sau nhiều tháng đình trệ.

Cuối tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các cuộc thương lượng giữa Nga và Ukraine chỉ có thể bắt đầu nếu Kiev thể hiện thiện chí chính trị để thảo luận về các yêu cầu của Moscow. Điện Kremlin nói rằng, việc Ukraine từ chối đàm phán buộc Nga phải thực hiện các cuộc tập kích diện rộng nhằm vào hạ tầng quan trọng của nước này gần đây.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trước đó nói, nước này không phản đối các cuộc đàm phán. Theo nhà ngoại giao Ukraine, để các cuộc đàm phán diễn ra, Nga phải ngừng "nhầm lẫn giữa đàm phán với tối hậu thư". Ông cũng khẳng định "một nền hòa bình công bằng bắt đầu bằng việc khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Mặt khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ". 

Nga và Ukraine từng đạt được thỏa thuận được cho là có thể chấm dứt xung đột trong cuộc hòa đàm do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi cuối tháng 3. Tuy nhiên, Moscow cáo buộc Kiev phớt lờ thỏa thuận, khiến quá trình đàm phán bị đình trệ nhiều tháng qua.

Nga nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Trong bài phát biểu hôm 1/12, ông Lavrov cáo buộc Mỹ và Anh chỉ đạo các hành động của Ukraine. Ông nói rằng, Washington theo đuổi mục tiêu làm suy yếu Nga và thu lợi từ việc bán vũ khí mà người dân Ukraine phải trả giá đắt.

Ông Lavrov tuyên bố Mỹ và các đồng minh từ chối các biện pháp giảm căng thẳng với Nga. Ông khẳng định, căng thẳng ở Ukraine bắt đầu gia tăng sau khi Kiev phớt lờ những cảnh báo của Nga rằng, sự mở rộng của NATO đang vượt qua lằn ranh đỏ. Nga cho rằng NATO đã gạt sang một bên một thỏa thuận an ninh được đề xuất, trong khi Moscow tin rằng thỏa thuận này sẽ giải quyết được vấn đề.

Theo Ukrainska Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine