1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine bác tối hậu thư, nêu điều kiện đàm phán với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Kiev không phản đối các cuộc đàm phán với Nga dù xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ukraine bác tối hậu thư, nêu điều kiện đàm phán với Nga - 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (Ảnh: AP).

"Ukraine không phản đối các cuộc đàm phán. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh G20 đã nói về "hòa bình thế giới" và bày tỏ ý chí để đạt được điều đó", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Pháp Le Parisien hôm 25/11.

Theo Ngoại trưởng Ukraine, để các cuộc đàm phán diễn ra, Nga phải ngừng "nhầm lẫn đàm phán với tối hậu thư". Ông Kuleba nói thêm rằng không một nhà lãnh đạo phương Tây nào, kể cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có thể thúc đẩy Ukraine đàm phán ngược lại với các lợi ích của nước này.

"Một nền hòa bình công bằng bắt đầu bằng việc khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", nhà ngoại giao Ukraine nhấn mạnh.

Vào ngày 15/11, trong thông điệp gửi tới hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine không muốn ký một thỏa thuận hòa bình đi ngược lại với các lợi ích của nước này. Ông cho rằng Nga sẽ "vi phạm thỏa thuận ngay sau khi ký kết". Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Zelensky, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, phát biểu của ông Zelensky "hoàn toàn xác nhận" rằng Ukraine không sẵn sàng đàm phán.

Cũng trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Zelensky đã nêu "công thức hòa bình" gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.

Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ". 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko cũng cho rằng "Nga không có quyền đặt ra các quy tắc đàm phán". Theo ông, "điều kiện hòa bình cho Ukraine không thay đổi gồm: ngừng chiến tranh ngay lập tức, rút toàn bộ quân đội Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bồi thường thiệt hại và đưa ra các đảm bảo hiệu quả về việc không lặp lại hành động xâm chiếm".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/11 đã ra "tối hậu thư" với Kiev, tuyên bố lãnh đạo Ukraine có mọi cơ hội để đưa tình hình trở lại bình thường và giải quyết tình hình nếu đáp ứng các yêu cầu của Nga. Trước đó, Điện Kremlin cho biết, việc Ukraine từ chối đàm phán buộc Nga phải thực hiện các cuộc tập kích diện rộng nhằm vào hạ tầng quan trọng của nước này gần đây.

Cùng ngày, Tổng thống Zelensky cho biết chiến lược phá hủy hạ tầng mà Nga đang tiến hành sẽ không thể làm suy yếu Ukraine. Ông một lần nữa nhấn mạnh, giải pháp lâu dài duy nhất cho cuộc chiến hiện nay là Nga phải rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine