1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tướng Mỹ nói tên lửa siêu vượt âm Nga triển khai ở Ukraine "chưa hiệu quả"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một tướng cấp cao Mỹ nhận định các tên lửa siêu vượt âm hiện đại mà Nga đang sử dụng ở Ukraine hoạt động "chưa hiệu quả".

Tướng Mỹ nói tên lửa siêu vượt âm Nga triển khai ở Ukraine chưa hiệu quả - 1

Một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Trong một phiên điều trần hôm 18/5 trước Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Lực lượng Không quân Bắc Mỹ, Tướng Glen VanHerck cho rằng, các hệ thống tên lửa siêu vượt âm Nga đang sử dụng ở Ukraine tác chiến "chưa hiệu quả".

Theo tướng này, Nga dường như "đang gặp thách thức với một số tên lửa siêu vượt âm về độ chính xác. Các tên lửa này hoạt động chưa hiệu quả".

John Plumb, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định rằng các tên lửa Nga "hầu như chưa chính xác", nhưng Moscow đã phóng đi tổng cộng 1.500 tên lửa sau gần 3 tháng bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hai quan chức Mỹ cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine được xem là khoảng thời gian các tên lửa được triển khai nhiều nhất trên thế giới kể từ Thế chiến II.

Nga hiện là một trong những nước dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm, loại vũ khí có thể bay nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh và với quỹ đạo khó đoán. Đây được xem là vũ khí làm "thay đổi cuộc chơi" trong tác chiến hiện đại. Mỹ, cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, nhiều lần thừa nhận đang đi sau Nga sau cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Vào tháng 3, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong chiến sự khi Moscow bắn tên lửa Kinzhal vào cơ sở quân sự Ukraine. Gần đây, Lầu Năm Góc công bố báo cáo ước tính, Nga đã bắn ít nhất 12 tên lửa siêu vượt âm trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn 2 tháng ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận 2 vụ việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3, cho rằng vũ khí của Nga không tạo ra nhiều khác biệt trong chiến dịch quân sự của Moscow, ngoại trừ việc nó gần như không thể bị đánh chặn.

Ngoài ra, tên lửa Kinzhal của Nga còn có thể mang đầu đạn hạt nhân - yếu tố giúp nó trở nên linh hoạt và có sức mạnh răn đe với các đối thủ. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến Nga quyết định triển khai Kinzhal ở Ukraine để gửi thông điệp cảnh báo cứng rắn tới Mỹ và phương Tây về sức mạnh của quân sự của Moscow.

Theo USNI News
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine