DMagazine

Nước cờ chiến lược của Nga sau khi rút khỏi Kherson

(Dân trí) - Với quyết định rút quân khỏi thành phố Kherson, Nga tìm cách tăng cường phòng thủ ở vùng lãnh thổ còn lại, trong khi chuyển trọng tâm chiến dịch sang mặt trận miền Đông Ukraine.

NƯỚC CỜ CHIẾN LƯỢC CỦA NGA SAU KHI RÚT KHỎI KHERSON

Với quyết định rút quân khỏi thành phố Kherson, Nga tìm cách tăng cường phòng thủ ở vùng lãnh thổ còn lại, trong khi chuyển trọng tâm chiến dịch sang mặt trận miền Đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/11 thông báo các lực lượng của nước này đã hoàn tất rút quân khỏi hữu ngạn (bờ tây) sông Dnipro ở khu vực Kherson,  miền Nam Ukraine. Họ cũng khẳng định không còn khí tài quân sự hoặc binh sĩ nào của Nga ở lại hữu ngạn sông này, bao gồm cả thủ phủ Kherson.

Moscow bắt đầu rút quân khỏi Kherson hôm 9/11 sau hơn nửa năm kiểm soát và thậm chí sáp nhập vào lãnh thổ Nga từ đầu tháng 10. Lực lượng và khí tài của Nga được chuyển sang tả ngạn (bờ đông) sông Dnipro.

TÍNH TOÁN CHIẾN LƯỢC?

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quyết định được đưa ra nhằm đảm bảo tính mạng cho binh sĩ, dân thường và giúp Nga phòng thủ tốt hơn trong bối cảnh Ukraine đẩy mạnh chiến dịch phản công, đặc biệt ở miền Nam.

Nói về quyết định rút quân, phát biểu trên truyền hình quốc gia, tướng Sergei Surovikin, Tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cho biết quân đội của họ không còn khả năng tiếp tế cho lực lượng ở thành phố Kherson. Ông nhấn mạnh, việc rút quân khỏi thành phố Kherson là cần thiết nhằm "đề phòng tình huống chính quyền Kiev tấn công nhằm vào hồ chứa nước của đập Nova Kakhovka và kéo theo một dòng lũ lớn gây ngập lụt nhiều nơi".

"Trong tình hình đó, chúng ta cần tổ chức phòng thủ ở phía đông sông Dnipro. Tôi biết đây là quyết định vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta sẽ đảm bảo được điều quan trọng nhất là bảo toàn tính mạng binh sĩ và năng lực chiến đấu của các đơn vị. Việc triển khai lực lượng ở bờ tây sông Dnipro là vô ích", ông Surovikin nói.

Kherson, nơi có dân số 280.000 người trước chiến sự, là thủ phủ duy nhất trong các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Vùng đất này có ý nghĩa chiến lược đối với cả Nga và Ukraine bởi vị trí quan trọng của nó bên sông Dnipro, gần cửa Biển Đen và là một trung tâm công nghiệp với sông và cảng lớn. Kherson cũng nằm ở vị trí mà Ukraine có thể cắt nguồn nước ngọt từ sông Dnipro đến Crimea.

Đối với Nga, vùng Kherson rộng lớn nối liền lục địa Ukraine với bán đảo Crimea sẽ cung cấp cho Moscow một hành lang đất liền hẹp để tiếp tế cho quân đội từ các căn cứ lớn tại Crimea. Với Ukraine, Kherson nằm ở vị trí chiến lược để quân đội nước này có thể điều chỉnh chiến dịch phản công.

Hiện các lực lượng Ukraine đã tiến vào các khu vực Kherson, trải dài đến bờ tây sông Dnipro. Chiến tuyến giữa Nga và Ukraine đang ngăn cách bởi con sông, với khoảng cách hai phía khoảng 250km. Ukraine vẫn lo ngại rằng đây có thể là cái bẫy của Nga lập ra nhằm mai phục lực lượng của họ.

Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về lý do thực sự khiến Nga rút khỏi thành phố Kherson, giới chức Mỹ đánh giá, đợt rút quân này của Moscow "rất có trật tự", khác với các đợt rút lui trước đó. Một số chuyên gia nhận định quyết định của Moscow dựa trên nhiều tính toán và cân nhắc chiến lược.

Nước cờ chiến lược của Nga sau khi rút khỏi Kherson - 1

Kherson có vị trí chiến lược đối với cả Ukraine và Nga (Bản đồ: Guardian).

THAY ĐỔI BÀN CỜ CHIẾN SỰ

Theo một số nhà quan sát, Nga dường như chấp nhận hy sinh một số thành quả ban đầu để đạt được mục tiêu lớn hơn là bảo vệ các vị trí mới của nước này nhằm duy trì tuyến đường hậu cần quan trọng.

Nói cách khác, quân đội Nga dường như đã từ bỏ nỗ lực tiến công quy mô lớn, thay vào đó tìm cách củng cố phòng tuyến để bảo vệ những vùng lãnh thổ đã kiểm soát, đồng thời liên tục tập kích các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine  với mục đích làm suy yếu năng lực của đối phương.

Chuyên gia Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn độc lập về quốc phòng và hàng không vũ trụ Rochan có trụ sở tại Ba Lan, cho rằng tuyên bố rút quân khỏi Kherson là một bước lùi đối với Nga. Điều đó khiến cho tham vọng của Nga nhằm mở rộng hành lang trên bộ về phía tây đến các thành phố khác của Ukraine ven Biển Đen hoặc tới Moldova trở nên mong manh hơn. Tuy nhiên, ông Muzyka cũng nhận định, khi rút khỏi Kherson, Nga có thể phòng thủ và đảm bảo khâu hậu cần tốt hơn, trong khi đó, Ukraine sẽ đứng trước những kịch bản tác chiến phức tạp hơn.

"Rút quân lúc này, Nga không chỉ có thêm lực lượng lập tuyến phòng thủ vững chắc hơn ở bờ đông sông Dnipro, mà còn có thể triển khai đến các khu vực khác của Ukraine", ông Muzyka nói.

Ben Barry, chuyên gia cấp cao về quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (London), đánh giá việc Nga rút quân khỏi Kherson là một "bước ngoặt lớn, nhưng không đồng nghĩa Moscow đã thua hay Kiev đã thắng". Theo ông, Nga vẫn có thể phát động chiến dịch phản công nếu tập hợp đủ lực lượng.

Cả hai chuyên gia đều cho rằng, việc rút lui về bờ đông sông Dnipro sẽ cho phép Nga thu hẹp chiến tuyến mà họ phải phòng thủ, đồng thời có thể bố trí lại lực lượng cho mặt trận khác.

Tương tự hồi tháng 4, sau khi rút quân khỏi Kiev, lần này, Nga dường như cũng chuyển trọng tâm chiến dịch sang vùng Donbass ở miền Đông Ukraine. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, Tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga, tướng Sergei Surovikin, sẽ chịu sức ép rất lớn phải mang lại kết quả ở Donbass sau khi rút lui khỏi Kherson.

Tổng thống Ukraine Zelensky nhiều lần thừa nhận rằng, mặt trận khó khăn, khốc liệt nhất hiện nay là Donetsk thuộc Donbass. Chỉ riêng ngày 20/11, khu vực này hứng gần 400 cuộc pháo kích. Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết quân đội Nga đang tăng cường tấn công gần các thành phố Bakhmut và Avdiivka.

Trang tin 19FortyFive dẫn phân tích của Daniel L. Davis, thành viên cao cấp của Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities, đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra sau khi Nga rút khỏi Kherson.

Thứ nhất, Moscow sẽ triển khai lực lượng mới huy động theo sắc lệnh động viên một phần để củng cố tất cả các phòng tuyến kéo dài từ Kharkov ở đông bắc, coi Donbass là trọng tâm và kết thúc tại Kherson hoặc Zaporizhia ở phía nam. Ngoài ra, Moscow có thể tìm cách tăng gấp đôi hỏa lực nhằm "giữ chân" Ukraine càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Nga cần có thời gian.

Kịch bản thứ hai là Nga thực hiện một cuộc tổng tấn công để đẩy lùi chiến dịch phản công của Ukraine. Phương án này được cho là ít khả năng xảy ra sau những tổn thất lực lượng của Nga trong 9 tháng xung đột.

Kịch bản thứ ba là Nga thu hẹp mục tiêu, tìm cách kiểm soát toàn bộ Donbass và khôi phục quyền kiểm soát ở Kherson. Theo ông Davis, Moscow có thể phân bổ 45% lực lượng được huy động cho mặt trận Donbass, 45% cho Kherson và giữ lại 10% cho lực lượng dự bị. Mặc dù vậy, những mục tiêu trên không hề dễ dàng bởi Ukraine đã bắt đầu xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố để ngăn Nga quay trở lại Kherson và giữ thành trì Donetsk với sự hỗ trợ của phương Tây.

THÁCH THỨC CHO UKRAINE

Nước cờ chiến lược của Nga sau khi rút khỏi Kherson - 2

Một binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành về phía lực lượng Nga gần Kherson hôm 9/11 (Ảnh: Reuters).

Nga đã rút lực lượng khỏi khoảng 40% lãnh thổ Kherson, nhưng vẫn kiểm soát 60% lãnh thổ ở phía nam và phía đông Dnipro, trong đó có cả đường bờ biển dọc theo Biển Azov. Theo các chuyên gia quân sự, khi Nga còn kiểm soát và phòng thủ tại bờ đông Dnipro thì các lực lượng Ukraine vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Bất cứ nỗ lực nào của quân đội Ukraine nhằm vượt sông Dnipro đều có thể thất bại hoặc phải hứng tổn thất lớn do quân đội Nga đã lập phòng tuyến kiên cố dọc theo con sông này.

Một số nguồn tin tình báo mở cho hay, ngay cả khi Nga thông báo rút quân, nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy, các lực lượng Nga tiếp tục đào những chiến hào rộng lớn và xây công sự ở phía đông Kherson. Ngay cả khi Moscow rút sang bờ đông Dnipro, họ vẫn có thể pháo kích qua con sông để tấn công các lực lượng đối phương nếu quân đội Ukraine cố thiết lập các cứ điểm bên trong thành phố.

Chuyên gia Konrad Muzyka nhận định, phòng tuyến Nga hiện rất chắc chắn và do vậy càng tiến sâu, quân đội Ukraine sẽ càng gặp khó khăn và hứng chịu thêm tổn thất. "Ukraine giờ đây sẽ đối mặt với thách thức rất lớn nếu muốn tạo ra những điều kiện để có thể phát động chiến dịch tổng tấn công đẩy lùi lực lượng Nga trên diện rộng. Quân đội Nga tuy có thể giảm sút về trang bị và năng lực huấn luyện, nhưng lại áp đảo về quân số, giúp họ giữ vững vị trí phòng thủ", ông Muzyka nói.

Ngay cả việc tiến vào Kherson cũng là một thách thức lớn với quân đội Ukraine, khi họ giờ đây có thể trở thành mục tiêu của pháo binh Nga bất cứ lúc nào. "Nếu quân đội Ukraine mất cảnh giác, tiến vào quá nhanh sau khi Nga rút quân, tướng Surovikin có thể kích hoạt chiếc bẫy và gây ra tổn thất rất lớn cho họ", nhà bình luận Jeremy Bowen của BBC cảnh báo.

Do đó, theo các chuyên gia, Ukraine trước mắt vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch phản công, nhưng với quy mô nhỏ hơn và có thể sẽ buộc phải chuyển hướng tiến công từ phía nam sang phía đông.

Ukraine gần như không thể triển khai một cuộc phản công lớn vào lúc này sau khi đã dốc toàn lực cho các trận chiến gần đây và lại đối mặt với điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

Mason Clark, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở tại Mỹ, cho rằng Ukraine sẽ không thể thực hiện một đợt tấn công quy mô lớn trước tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau.

Nhiều chuyên gia tin rằng, sau những diễn biến bước ngoặt ở Kherson, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ gần như "đóng băng" trong những tháng mùa đông và đây sẽ là khoảng thời gian hai bên "tái tạo năng lượng".

Theo các chuyên gia quân sự, Nga sẽ có nhiều lợi thế hơn Ukraine trong một cuộc chiến mùa đông bởi thời tiết mùa đông khiến quân Nga khó tiến công, khó tiếp viện, nhưng lại dễ phòng thủ. Trong khi đó, chỉ huy một đơn vị Ukraine ở miền Đông nói rằng mùa đông sẽ khiến binh sĩ của ông khó giấu mình trên chiến trường. Mùa đông cũng khiến Ukraine khó tiếp tục tấn công hơn vì thiếu vũ khí tân tiến.

Một số chuyên gia chỉ ra, thời tiết xấu đi đang khiến nhịp độ giao tranh chậm lại, đồng thời dẫn đến việc Nga đổi chiến thuật sang tấn công hệ thống năng lượng của Ukraine. Các cuộc tập kích tên lửa diện rộng của Nga kể từ tháng 10 đến nay khiến hơn một nửa hạ tầng năng lượng Ukraine bị phá hủy, đẩy hơn 20 triệu người dân vào cảnh mất điện.

Tình hình này càng gây thêm thách thức cho chiến dịch phản công của Ukraine trước thềm mùa đông. Đó là lý do vì sao Chủ tịch Hội đồng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley gợi ý Ukraine nên xem xét đàm phán một giải pháp chính trị với Nga. Theo ông, khả năng Kiev giành lại 20% lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát là "bất khả thi về mặt quân sự".

Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Ukraine Yuriy Ignat tỏ ra hoài nghi việc Moscow sẽ tuân thủ các thỏa thuận đàm phán, thay vào đó chỉ tận dụng "đóng băng" giao tranh để khôi phục lực lượng, chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo.

"Nga cần một khoảng thời gian đình chiến cho đến mùa xuân, và sau đó họ sẽ tấn công bằng tất cả những gì họ có. Họ cũng sẽ sản xuất thêm nhiều tên lửa mới để tấn công và hủy hoại chúng tôi", ông Ignat nói.

Minh Phương

Theo 19FortyFive, New York Times, Guardian, WSJ

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine