1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Những lần suýt chết của cặp vợ chồng tình báo nổi tiếng Liên Xô

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Trong nhiều năm hoạt động bí mật ở châu Âu, vợ chồng nhà tình báo Liên Xô Mikhail và Galina Fedorov từng nhiều lần suýt chết, nhưng cuối cùng may mắn thoát thân và trở về Moscow an toàn.

Những lần suýt chết của cặp vợ chồng tình báo nổi tiếng Liên Xô  - 1

Vợ chồng Mikhail và Galina Fedorov vào đầu những năm 1990 (Ảnh: Lenta).

Họ đã nhiều lần bị cơ quan phản gián nước ngoài để ý, nhưng không bị lộ. Họ nằm trong số những người đã giúp giải quyết Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba một cách hòa bình và nắm được kế hoạch bí mật của chiến dịch tấn công Liên Xô bằng bom nguyên tử.

Điệp viên Brig xác nhận những lo ngại rằng trong khuôn khổ của Chiến dịch Dropshot ("Phát súng cuối cùng"), NATO có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân từ lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức để chống lại Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc và Liên Xô. Nhận được thông tin này, các tình báo viên Mikhail và Galina Fedorov nhanh chóng liên lạc với Moscow vì thời gian để Liên Xô có các biện pháp đối phó và can thiệp vào kế hoạch của NATO không còn nhiều...

***

Mikhail Fedorov sinh ngày 1/1/916 tại thành phố Kolpino, tỉnh Leningrad, Nga. Năm 1922, gia đình ông chuyển đến Kingisepp. Sau khi tốt nghiệp trung học, Mikhail quyết định gắn bó cuộc đời với thể thao. Anh đến Leningrad, thi vào Đại học Văn hóa Thể thao Lesgaft. Từ đây, anh bắt đầu hành trình đến với ngành tình báo. Năm 1939, khi Fedorov đang ôn thi tốt nghiệp, một viên sĩ quan đến gặp anh. Trước đó, người này cũng đã nói chuyện với anh, tự giới thiệu là nhân viên của phòng đăng ký nghĩa vụ quân sự. Viên sĩ quan tỏ ra thích thú vận động viên trẻ tuổi, người mà sau này trở thành một nhà tình báo quân đội.

"Chúng tôi đi lên một trong những khán đài bỏ trống. Trong cuộc trò chuyện, người sỹ quan đó cho thấy anh biết nhiều về tiểu sử của tôi một cách ngạc nhiên và cuối cùng anh đề nghị tôi làm việc cho cơ quan tình báo quân đội", trích hồi ký của Mikhail Fedorov.

Sau khi đồng ý nhận công việc mới, Mikhail được ghi danh vào biên chế của Tổng cục 5 Bộ Quốc phòng Liên Xô vào ngày 1/9/1939, khi Thế chiến II nổ ra. Mikhail được gửi đến một trung tâm đào tạo ở thành phố Bialostok. Ở đó, anh được học kỹ thuật mật mã, sử dụng thành thạo máy phát vô tuyến, học chụp ảnh và học tiếng Ba Lan, tiếng Đức.

Ban lãnh đạo đã nhìn thấy ở Mikhail có khả năng của một nhân viên tình báo. Kế hoạch là sau khi nằm vùng ở Ba Lan, anh phải chuyển đến Đức Quốc xã.

Nhưng tất cả các kế hoạch đều bị đảo lộn bởi cuộc chiến. Mikhail khi đó đang ở Bialystok. Sau khi xác định rằng thành phố không thể trụ nổi, Mikhail và một nhóm trinh sát bắt đầu tổ chức một mạng lưới tình báo. Họ phải tuyển mộ những người tình nguyện từ người dân địa phương, có nhiệm vụ thu thập thông tin về kẻ thù và chuyển về trụ sở của Hồng quân Liên Xô.

Những ngày đầu tiên của cuộc chiến đã để lại dấu ấn nặng nề trong tâm hồn người tình báo viên trẻ tuổi - anh chưa bao giờ phải đối mặt với sự đau thương và mất mát của con người cận kề đến như vậy. Một ngày nọ, chiếc xe mà Mikhail đi bị rớt lại sau đội hình, và người lái xe quyết định đi đường tắt qua khe núi.

"Cho đến bây giờ, trước mắt tôi vẫn hiện lên hình ảnh khủng khiếp đó... Ở sâu dưới khe núi có một chiếc xe tải bị trúng bom. Có hơn hai chục xác chết nằm la liệt... Xác một cô bé mặc váy hồng, tóc vàng lòa xòa trên mặt đất, tất cả vẫn khắc sâu trong trí nhớ của tôi...", trích hồi ký của Mikhail Fedorov.

Một phen suýt chết

Ít lâu sau, Mikhail được chuyển sang Mặt trận phía Tây. Trong hai năm, anh làm việc trong các đội trinh sát và phá hoại ở gần Pskov và Baranovichi. Nhà tình báo trở lại Moscow vào tháng 8/1944, nhưng một năm sau anh lại rời thủ đô đến Anh để hoạt động bí mật.

Nhờ có một vỏ bọc được chuẩn bị kỹ lưỡng cùng các giấy tờ hoàn hảo, anh đã được nhận vào làm việc tại đại sứ quán của một quốc gia (thông tin về quốc gia này hiện vẫn chưa được giải mật) và tiếp cận được các thông tin mà tình báo Liên Xô quan tâm. Hàng loạt dữ liệu về quân sự - chính trị được gửi về cơ quan đầu não và các thông tin Fedorov chuyển về đều được ban lãnh đạo đánh giá cao.

Tuy nhiên, vào năm 1946, nhiệm vụ đang diễn ra trơn tru thì đột nhiên bị gián đoạn. Sự cố đầu tiên là, trong hành lang của đại sứ quán, Mikhail suýt chạm trán với một cô giáo dạy ngoại ngữ cũ của anh từ hồi còn ở Bialystok. Cô đến London trong một chuyến công tác. Vừa nhìn thấy người quen cũ, Fedorov lập tức nghĩ ra lối thoát: ngay cạnh đó có một phòng dành cho nhân viên mật mã, phải qua một cánh cửa có mật mã và cấm tuyệt đối người ngoài. Anh vội trốn vào phòng, tránh được một cuộc gặp gỡ ngoài mong muốn.

Còn lần sau đó, Mikhail suýt chết khi xem xét khẩu súng lục do viên bí thư thứ nhất đại sứ quán mang đến cho anh. Khẩu súng bị kẹt, nhưng khi anh chạm vào lò xo thì một tiếng nổ vang lên. May mắn là viên đạn không trúng Mikhail mà găm vào chiếc tủ quần áo. Mikhail ngay lập tức nhớ lại rằng trước đó ít lâu, anh biết được bí thư đó đã giấu các nhân viên đại sứ quán chuyện ông ta cần bản sao của các tài liệu quan trọng.

Phán đoán rằng nhà ngoại giao này đang làm việc cho tình báo của một quốc gia khác, Mikhail đã đi đến kết luận: người bí thư định thủ tiêu anh như một nhân chứng không cần thiết bằng cách đưa cho anh khẩu súng lục bí ẩn nói trên.

Khi biết về những chuyện xảy ra, cấp trên quyết định triệu hồi Mikhail về nước. Mikhail được điều động vào Ủy ban Thông tin thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và bắt đầu công tác chuẩn bị hoạt động ở một quốc gia khác. Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng đã đến trong cuộc đời của nhà tình báo. Vào năm 1946, trong nhà ăn của cơ quan, ông đã gặp và làm quen với người vợ tương lai, nữ tình báo viên Galina Markina. Sau đám cưới, Galina lấy họ của chồng và trở thành bà Fedorova.

Nữ tình báo Gianna

Những lần suýt chết của cặp vợ chồng tình báo nổi tiếng Liên Xô  - 2

Galina Fedorova tại một địa điểm có hộp thư mật (Ảnh từ cuốn sách "Số phận những nữ tình báo thông minh").

Galina sinh ngày 17/2/1920 tại Saratov nhưng chuyển đến Moscow sống với người dì vào năm 1932. Sau đó, cô làm công việc thư ký tại Bộ Tài chính Liên Xô. Hai năm sau, được sự giới thiệu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Komsomol, Galina đầu quân vào Cục Giao liên của Bộ Nội vụ Liên Xô. Tại nơi công tác mới, ngoài công việc liên quan đến các giấy tờ thông thường, cô còn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặc biệt được giao. Sau khi chiến tranh bắt đầu, cô làm liên lạc viên, gia nhập nhóm đặc nhiệm, được giám sát bởi vị Nguyên soái tương lai Georgy Zhukov.

Galina cũng từng làm hộ lý trong bệnh viện, chăm sóc những người lính bị thương. Năm 1944, cô tham gia khóa học hai năm tại Học viện cấp cao của Bộ An ninh Quốc gia, sau đó cô được đào tạo để hoạt động bí mật ở nước ngoài.

Thủ trưởng trực tiếp của Galina là người đứng đầu cơ quan tình báo, Alexander Korotkov. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh và đám cưới của Galina và Mikhail Fedorov, tổ chức đã quyết định để họ cùng nhau ra nước ngoài. Họ mang mật danh là Sep và Zhanna.

"Không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn việc tìm ra kế hoạch của NATO"

Vợ chồng Mikhail được điều động tới hoạt động ở Australia. Trước khi đi, họ đã được học một thời gian dài với các giáo viên.

Họ đã học tiếng, xem qua sách hướng dẫn du lịch, đọc sách và xem phim tài liệu, tìm hiểu các đặc điểm của luật pháp, lịch sử của đất nước và phong tục của cư dân địa phương. Tuy nhiên, họ đã không đến Australia. Ngay trước khi dự định khởi hành, tình báo Liên Xô nắm được thông tin kẻ thù đã mua chuộc, tuyển dụng được một trong những điệp viên của Liên Xô cư trú tại Australia, đó là Vladimir Petrov. Kẻ phản bội biết rõ Mikhail nên kế hoạch nhanh chóng được thay đổi và vợ chồng Mikhail được điều tới Ba Lan.

Họ đã sống ở Warsaw khoảng nửa năm. Trong thời gian đó, họ nghiên cứu các đặc thù của địa phương, nắm vững văn hóa ẩm thực Ba Lan và đôi khi thấy ngạc nhiên về các sản phẩm mới của công nghệ. Sau một thời gian, Mikhail nhận được tin bất ngờ.

"Không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn trong công tác tình báo là phải thu thập thông tin mật về các kế hoạch quân sự của NATO. Phải có những thông tin như vậy, chúng ta mới có thể chống lại mối đe dọa của khối Bắc Đại Tây Dương. Anh và Zhanna sẽ đến một trong những quốc gia có các cơ sở quan trọng nhất của NATO... Trong trường hợp đến giờ "X" - thời điểm bắt đầu cuộc xung đột quân sự giữa Liên Xô và NATO, đài phát của anh sẽ chuyển sang chế độ hoạt động thời chiến", trích hồi ký của Mikhail Fedorov.

Vì vậy, vào đầu những năm 50, vợ chồng Mikhail đã đến Bỉ. Vợ chồng Fedorov trong một thời gian dài không tìm được việc làm. Galina đảm nhận mọi việc - cô vừa làm nhân viên đánh máy, vừa làm thợ may và làm cả thư ký. Mikhail buộc phải bắt đầu từ một chân thợ tiện trong một xưởng sửa chữa ô tô.

Khi làm việc trong xưởng, anh suýt nữa thì bị lộ vì đã từ chối nhận tiền boa của khách. Là một người đã sống lâu năm trong môi trường Xô Viết, Mikhail thấy việc nhận tiền boa của khách hàng là điều không thể chấp nhận được. May mà, cả khách hàng lẫn chủ xưởng có mặt trong vụ việc đó đều cho rằng chẳng qua là người thợ tiện không được học hành đến nơi đến chốn. Ngay sau đó, Mikhail đã thay đổi công việc, chuyển sang làm nhân viên trong một văn phòng môi giới.

Cuc tấn công của lc lượng phản gián

Năm 1954, vợ chồng Mikhail đã phải trải qua những thử thách mới: các nhân viên phản gián bắt đầu quan tâm đến họ. Mikhail và Galina nhanh chóng phát hiện ra họ đang bị theo dõi bởi các cuộc giám sát bên ngoài và các nhân viên dịch vụ nhà ở cũng bắt đầu kiếm cớ đến kiểm tra căn hộ của họ.

Ông chủ nhà của Mikhail đôi khi mời vợ chồng anh tách cà phê và trong câu chuyện cố ý chế giễu các ý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, qua đó quan sát phản ứng của vợ chồng.

Một người bạn của họ là kiến trúc sư cũng bắt đầu thể hiện sự chú ý đến tiểu sử của cặp vợ chồng này, khi anh ta thường đưa ra những câu hỏi mang tính khiêu khích, quan tâm nhiều đến quá khứ của họ và đôi khi đến thăm mà không báo trước. Một thử thách chợt đến bất ngờ với Galina: Anh bạn kiến trúc sư làm ra vẻ tình cờ đưa cho cô một tờ giấy có dòng chữ bằng tiếng Nga. May mà, cô đã giữ được bình tĩnh, làm ra vẻ không hiểu những gì được viết trên tờ giấy đó.

Trong khi các nhân viên phản gián và các cộng sự của họ cố gài bẫy 2 nhà tình báo không thành công, vợ chồng Mikhail đã sử dụng số tiền do tình báo Liên Xô đầu tư để trở thành đồng sở hữu của một cửa hàng lớn bán vải và là cổ đông trong một chi nhánh của một công ty thương mại và công nghiệp chuyên sản xuất thuốc tây, hóa chất và sản phẩm nhựa.

Mikhail còn mở thêm một cơ sở kinh doanh bánh kẹo, nhưng cơ sở này bị phá sản do sự bất cẩn của đối tác. Tuy nhiên, số tiền kiếm được từ việc buôn bán cũng quá đủ đối với họ. Trong thời gian rảnh rỗi, họ học tiếng Tây Ban Nha, tập luyện tennis và Mikhail đã chơi cờ khá thành thạo.

"Đôi khi, trong thời gian rảnh rỗi, tôi chơi xổ số loto, tuy không có nhiều hy vọng trúng thưởng. Một lần vận may đã mỉm cười với tôi: Tôi đã thắng một số tiền khá lớn... Chúng tôi đã báo cáo số tiền thắng xổ số và chuyển toàn bộ số tiền đó vào quỹ mật của trung tâm tình báo. Trung tâm đã cảm ơn chúng tôi và yêu cầu cứ việc sử dụng số tiền đó cho các chi phí hoạt động", trích hồi ký của Mikhail Fedorov.

"Người của ta" trong NATO

Các tình báo viên đã nằm yên chờ đợi trong ba năm. Thậm chí còn có người nghi ngờ về tính hiệu quả của việc gia đình Fedorov ở lại Bỉ, nhưng vợ chồng Fedorov đã thuyết phục được ban lãnh đạo cho họ thêm thời gian. Qua nhiều năm, vợ chồng Fedorov đã có được những người quen mới - một cặp vợ chồng mới kết hôn thậm chí còn đề nghị Galina trở thành mẹ đỡ đầu của đứa con gái mới sinh của họ.

Các nhà tình báo là những người lớn lên trong một môi trường vô thần, đã phải đối mặt với nhu cầu học những điều cơ bản của Công giáo. Vừa chân ướt chân ráo đến đất nước này, linh mục của nhà thờ địa phương đã mời họ tham dự thánh lễ. Vợ chồng Fedorov đã phải mua một chuỗi tràng hạt, học những lời cầu nguyện cơ bản, các bài thánh ca, và thâm nhập vào các nét đặc thù của việc làm lễ và hành vi của người Công giáo trong nhà thờ.

Trong câu chuyện về lễ rửa tội, Galina cũng nhận ra rằng việc thiếu các khái niệm cơ bản về nghi thức nhà thờ có thể gây sự nghi ngờ của những người khác, do đó, cô bắt đầu đến thăm các thánh đường xa nhà và ghi lại các chi tiết quan trọng của nghi thức này. Những nỗ lực của cô đã không vô ích: vào ngày đã định, cô đã dễ dàng đương đầu với vai trò mẹ đỡ đầu cứ như thể cô là một tín đồ Công giáo thực thụ vậy.

Năm 1957, sau khi về thăm Moscow, họ nhận được lệnh bắt đầu các hoạt động tình báo. Trước hết, Mikhail và Galina thực hiện một chuyến hành trình đến các nước láng giềng. Cấp trên đặt cho họ nhiệm vụ nối lại các mối liên hệ cũ với các điệp viên nước ngoài từng làm việc cho tình báo Liên Xô trong thời kỳ trước chiến tranh.

Vợ chồng Fedorov đến thăm Anh, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng một số đặc vụ đã chết, những người khác không thể quay lại hợp tác vì lý do sức khỏe, nhưng cuối cùng họ tìm cách kích hoạt được một số người cung cấp thông tin.

Một thời gian sau, cặp đôi bắt đầu giải quyết nhiệm vụ chính là cố gắng làm quen với các nhân viên của trụ sở Bộ chỉ huy tối cao NATO, đặt tại thành phố Mons, Bỉ. Vận may đã mỉm cười với các sĩ quan tình báo vào năm 1959 khi họ tuyển dụng được một trong những sĩ quan thân cận với Heinrich Trettner, người đứng đầu bộ chỉ huy các lực lượng châu Âu thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Tên của sĩ quan cho đến giờ vẫn được giữ kín và người ta chỉ biết rằng ông ta có mật danh là Brig. Giấu các đồng nghiệp của mình, ông là người ủng hộ các ý tưởng của chủ nghĩa cộng sản và thậm chí còn từ chối nhận tiền cho những thông tin được cung cấp. Đây là một tín hiệu tốt cho Fedorov. Các nhà tình báo biết rất rõ rằng một người có lý tưởng sẽ là điệp viên đáng tin cậy và tận tụy nhất.

Thông tin có giá trị 

Thông tin do Brig cung cấp đã xác nhận những lo ngại của chính phủ Liên Xô: Trong khuôn khổ Chiến dịch Dropshot ("Phát súng cuối cùng"), NATO đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chống lại CHDC Đức, Tiệp Khắc và Liên Xô từ lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức. Sau khi nhận được các chi tiết kế hoạch nguy hiểm của NATO do hai vợ chồng Fedorov cung cấp, giới lãnh đạo Liên Xô đã có thể thực hiện các biện pháp đối phó. Vào cuối tháng 9/1956, chuyến bay đầu tiên trong lịch sử của Liên Xô được thực hiện, trong đó chiếc máy bay được tiếp nhiên liệu trên không đã bay được một quãng đường bằng khoảng cách đến Mỹ.

Sau khi các cuộc thử nghiệm thành công, việc rò rỉ thông tin đã được dàn dựng, mục đích là làm cho người Mỹ thấy rằng trong trường hợp họ ném bom, quân đội Liên Xô có thể trả đũa. Ngoài ra, sau khi công bố kế hoạch của NATO, phong trào phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân đã bùng lên mạnh mẽ trên thế giới. Kết quả là, kế hoạch Dropshot vẫn chỉ nằm trên giấy.

Ngoài ra, đặc vụ Brig còn cung cấp cho Fedorov một số dữ liệu có giá trị, như thông báo về việc triển khai các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Tây Âu.

"Nguồn này thường xuyên cung cấp những thông tin có giá trị về việc thành lập, tái vũ trang và hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Cộng hòa Liên bang Đức, các tài liệu của ủy ban kế hoạch trụ sở NATO, về nhiệm vụ của các đơn vị quân sự riêng lẻ, trang thiết bị chiến đấu của họ, về hệ thống chỉ huy các đơn vị quân đội, chiến lược và chiến thuật… Trong luồng thông tin còn có nhiều dữ liệu về các cá nhân trong thành phần lãnh đạo của các cấu trúc khác nhau của NATO", trích hồi ký của Mikhail Fedorov.

Brig cũng lấy được các bản sao của kế hoạch hoạt động toàn diện thống nhất cho châu Âu (EKOP 1) và thông báo cho các tình báo viên rằng các dịch vụ đặc biệt mới đang được thành lập ở các nước thành viên NATO. Các nhân viên của họ sẽ tìm kiếm những người có quan điểm cánh tả trong số các quan chức cấp cao của phương Tây. Thông tin có giá trị đặc biệt mà đặc vụ truyền đi vào đêm trước phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là thông tin về lập trường của các nước phương Tây trong các vấn đề lớn.

"Ý nghĩ đầu tiên: chắc mình bị bắt rồi!"

Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962, người cung cấp thông tin cho biết Mỹ đã biết được vị trí của 24 trận địa tên lửa Liên Xô ở Cuba để có thể phóng tên lửa tầm trung, liên quan đến việc Mỹ đang chuẩn bị xâm lược hòn đảo này. Theo Brig, tổng số quân Mỹ được huy động vào khoảng 100.000 người.

Đồng thời, Fedorov cũng biết được rằng do sự mâu thuẫn giữa các bộ phận nên các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô đã không được đưa lên hòn đảo. Trong một bức điện báo khác, các tình báo viên đã chỉ ra tình huống này là một trong những phương án khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Phân tích tình hình, Brig phỏng đoán rằng Mỹ nhận thức rõ về việc không có đầu đạn hạt nhân trên hòn đảo, và toàn bộ cuộc xung đột là Mỹ dựng lên để đánh lạc hướng đối phương. Đặc vụ này đã không nhầm, hóa ra thông tin về việc các tên lửa đang mắc kẹt trong cảng là do một kẻ đào tẩu khỏi cơ quan tình báo quân đội Liên Xô (GRU), Oleg Penkovsky, cung cấp cho Mỹ. Cuối cùng, sau cuộc trao đổi thông điệp giữa Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã được giải quyết một cách ổn thỏa theo con đường hòa bình.

Sau đó, được sự đồng ý của cấp trên, vợ chồng tình báo Fedorov đã mua được một ngôi biệt thự ấm cúng, họ đặt thiết bị vô tuyến trong một căn phòng và nhanh chóng liên lạc với Moscow. Việc truyền và nhận dữ liệu được thực hiện qua các hộp thư mật. Galina thường đến địa điểm đã thỏa thuận - trong vai một phụ nữ Bỉ đang nghỉ ngơi, dạo chơi ngoài thiên nhiên, cô cẩn thận để lại hoặc lấy các tin nhắn.

Đôi khi công việc này cũng gặp phải những khó khăn. Ví dụ như, có hộp thư bí mật là một ống kim loại đặt theo chiều đứng mà chiều cao của nó vượt quá chiều cao của Galina. Cô buộc phải lăn một tảng đá lớn kê sát vào đường ống, sau đó, ngồi trên tảng đá, cô thận trọng lấy gói thư ra.

Lại một lần khác, nữ tình báo loay hoay hồi lâu không biết làm cách nào để tiếp cận được hộp thư có đựng tài liệu vì có tiếng động khả nghi trong bụi cây. Hóa ra là ở trong bụi cây có một con chim đang canh giữ tổ của nó. Và vào lúc chạng vạng tối, khi Galina đi dọc theo vườn hoa trong công viên, nơi đặt hộp thư mật tiếp theo, cô phát hiện ra rằng đang có người theo dõi cô.

"Ý nghĩ đầu tiên là: "Mình bị bắt rồi!" Đầu óc hết sức căng thẳng, lựa chọn các phương án: Quăng thùng thư vào bụi cây rồi bỏ chạy? Không được, hơi sớm. Cũng có thể đó chỉ là một người qua đường". Nghe tiếng bước chân nặng nề, cô nhận ra đó là một người đàn ông. Sau khi đi vượt lên, anh ta lấy khủyu tay chạm nhẹ vào tôi và nói một con số nào đó...", trích hồi ký của Galina.

Hóa ra, đó chỉ là một người qua đường. Anh ta tưởng cô là một gái làng chơi nên mới đưa ra lời ngã giá trắng trợn đó. Chỉ sau khi Fedorova gắt lên với người lạ mặt, anh ta mới chịu tụt lại phía sau.

Quên tiếng Nga

Vợ chồng tình báo Fedorov đã hoạt động ở Bỉ trong 15 năm. Trong thời gian này, họ đã gửi về Moscow khoảng 500 tài liệu bí mật có mức độ quan trọng khác nhau. Năm 1967, nhiệm vụ của vợ chồng Fedorov kết thúc. Cấp trên cho phép họ trở về nhà, và để không gây nghi ngờ cho những người bạn và người quen ở Bỉ, hai vợ chồng thông báo với mọi người rằng họ sẽ đến Australia và có kế hoạch mở một công ty mới ở đó. Vợ chồng Fedorov đã ngừng công việc kinh doanh và bán ngôi biệt thự của họ, sau khi đã loại bỏ các thiết bị bí mật được trang bị ở đó.

"Tất cả được tháo dỡ, các chi tiết bằng kim loại được ném từng bộ phận xuống nhiều hồ nước khác nhau, những thứ gì có thể đốt được đều bị đốt, còn nơi đặt những tủ bí mật đều được trả về trạng thái ban đầu", trích hồi ký của Galina.

Hai nhà tình báo đã mang về quê hương toàn bộ số tiền thu được trong những năm tháng sống ở Bỉ - số tiền đựng vừa vặn trong hai chiếc vali, họ chuyển hết vào kho bạc nhà nước. Trên đường về nhà, họ đã ngạc nhiên khi phát hiện ra đã mất khả năng nói tiếng Nga. Trong thời gian quá cảnh ở Bulgaria, Mikhail mua một tờ báo Liên Xô và ông rất ngạc nhiên khi thấy mình rất khó hiểu những gì viết trong đó.

Chế độ thực hành tiếng do hai vợ chồng Fedorov tự đặt ra rất nghiêm khắc. Trong thời gian ở Bỉ, hai vợ chồng không giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, ngay cả khi chỉ có hai người với nhau.

Họ không đọc sách bằng tiếng Nga và không mở máy thu thanh theo làn sóng của đài phát thanh Liên Xô. Chỉ có ngoại lệ xảy ra vào những ngày lễ, một trong số đó là năm mới, họ nghe những lời chúc mừng gửi đến người dân cả nước qua tai nghe.

Khi các tình báo viên báo cáo với lãnh đạo thì cả hai đều nói tiếng Nga với giọng lơ lớ. Hai vợ chồng không được phép gặp ngay người thân bởi vì trước đó mọi người vẫn tin rằng vợ chồng Fedorov đang làm việc trong nhóm quân đội Liên Xô tại CHDC Đức. Trong khoảng một tuần, họ đi dạo trên đường phố, nghe tiếng mẹ đẻ và dường như họ đang phải học nói tiếng Nga lại từ đầu.

Do những thành tích đạt được trong thời gian hoạt động ở Bỉ, Mikhail đã được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ, còn Galina được tặng một món quà có giá trị. Họ còn nhiều lần đi công tác cùng nhau và đi riêng với các chuyến đi ngắn hạn ở nước ngoài. Hai vợ chồng Fedorov làm việc trong ngành tình báo cho đến năm 1982. Sau khi nghỉ hưu, họ vẫn liên lạc với cơ quan tình báo quân đội Liên Xô. Họ viết sách giáo khoa và dạy cho các sĩ quan tình báo trẻ mọi thứ mà bản thân đã học được trong những năm phục vụ.

Mikhail mất vào tháng 4/2004, thọ 88 tuổi. Galina sống thêm sáu năm sau khi chồng mất và bà qua đời vào tháng 5/2010, sau khi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90.