1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những câu hỏi quanh việc Nga rút quân khỏi Kherson

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong khi Ukraine cảnh giác với việc Nga bất ngờ tuyên bố rút khỏi Kherson vì cho rằng "đó có thể là cái bẫy", Mỹ cho biết đã nhận thấy dấu hiệu rút quân của Moscow.

Những câu hỏi quanh việc Nga rút quân khỏi Kherson - 1

Một phương tiện bị phá hủy tại Kherson (Ảnh: Reuters).

Các binh sĩ Nga đã bắt đầu rời khỏi thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, đánh dấu một cuộc rút quân quy mô lớn kể từ khi Moscow mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các đơn vị đã "cơ động di chuyển đến một vị trí chuẩn bị sẵn sàng" trên bờ phía đông của sông Dnieper vào hôm 10/11 và thực hiện "nghiêm ngặt" theo kế hoạch rút lui được công bố một ngày trước đó.

Tuy nhiên, Kiev đã bày tỏ nhiều hoài nghi về việc rút quân của Nga, cho rằng đây có thể là một cái bẫy. Họ nghi Nga đang tạo ấn tượng rằng lực lượng nước này rơi vào thế yếu và phải rút lui khỏi Kherson, nhằm lôi kéo quân đội Ukraine nhanh chóng tiến vào tiếp quản thành phố để giăng bẫy.

Trong khi đó, phía tình báo Mỹ cho biết đã nhận thấy dấu hiệu rút quân của Moscow. 

Thực sự việc Nga rút khỏi Kherson diễn ra như thế nào? Có nhiều câu hỏi xung quanh chiến lược này của Nga.

Có bao nhiêu quân Nga ở Kherson?

Không rõ chính xác có bao nhiêu binh sĩ Nga hiện đang ở Kherson, vốn là một trong 4 khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9. Cũng không rõ có bao nhiêu binh sĩ đã đóng quân ở đó trước khi Moscow tuyên bố rút quân.

Hôm 9/11, tướng Mark Milley, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, đồng minh phương Tây quan trọng nhất của Ukraine, cho biết Nga có thể đã triển khai 20.000-30.000 quân trong thành phố.

Nga có thực sự rút quân?

Dù Ukraine vẫn còn nhiều hoài nghi, nhưng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Milley, nói rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy các lực lượng Nga trên thực tế đã rút lui.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn theo dõi cuộc xung đột, cũng cho biết, các động thái gần đây của các lực lượng của Moscow cho thấy Nga đã rút quân.

"Việc Nga rút quân khỏi bờ tây sông Dnieper không có khả năng là một cái bẫy nhằm dụ quân đội Ukraine tham chiến gần thành phố Kherson, như một số nguồn tin Ukraine và phương Tây đã đồn đoán", ISW cho biết trong một bản cập nhật hôm 10/11. 

Về tốc độ rút lui, tướng Milley cho biết là có thể mất vài tuần.

Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov phản bác lại quan điểm trên, cho rằng việc điều động quân Nga từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia khó diễn ra nhanh chóng vì quân đội Ukraine đã phá hủy hầu hết các hệ thống các cầu và đường trong khu vực trong những tháng gần đây.

Đáp trả những đồn đoán, Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/11 thông báo đã hoàn tất rút quân khỏi Kherson. "Quá trình rút quân hoàn tất vào 5h sáng 11/11 (theo giờ Moscow", thông báo của Bộ Quốc phòng cho biết. Cũng theo thông báo này, không thiết bị quân sự hay kho tàng vũ khí nào của quân đội Nga được để lại bờ tây sông Dnieper. Quá trình rút quân diễn ra thuận lợi và không có thiệt hại về nhân sự hay trang bị.

Trong khi đó, các lực lượng của Ukraine đang tiến quân vào khu vực phía nam Kherson rộng lớn hơn, được cho là đã giành lại một loạt các khu định cư và tiến về trung tâm thành phố Kherson.

Dù Nga rút quân, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Moscow không có gì thay đổi về quyết định sáp nhập Kherson cùng 3 tỉnh khác ở Ukraine vào lãnh thổ. "Kherson vẫn là chủ thể thuộc Liên bang Nga, được xác định và cố định về mặt pháp lý. Không có thay đổi nào về trạng thái này và không thể có thay đổi nào", ông Peskov nói.

Nga đang rút quân về đâu?

Theo kế hoạch chiến lược được công bố, Nga rút quân và chuyển sang bờ đông sông Dnieper để thiết lập hàng phòng thủ do gặp khó khăn trong việc duy trì các đường tiếp tế cho quân đội ở Kherson.

Hình ảnh vệ tinh và các báo cáo từ khu vực này cho thấy, quân Nga trong những tuần gần đây đã củng cố một số tuyến hào phòng thủ trên bờ phía đông sông Dnieper để chuẩn bị cho việc chuyển quân.

Quân rút lui sẽ dễ bị tấn công?

Tiến hành chiến dịch rút quân là một nhiệm vụ rất phức tạp và thường gây ra nhiều rủi ro cho bên quân rút lui.

Anh, một đồng minh lớn khác của Ukraine, cho rằng các đơn vị Nga có nguy cơ "dễ bị tấn công" trong quá trình rút quân do có "các điểm giao cắt hạn chế" dọc theo sông Dnieper.

"Có khả năng việc rút quân sẽ diễn ra trong vài ngày nhưng họ có nguy cơ đối mặt với các trận địa pháo lớn của Ukraine", Bộ Quốc phòng Anh cho biết. Zhdanov, nhà phân tích quân sự Ukraine, nhắc lại các đánh giá về những rủi ro mà các lực lượng của Moscow phải đối mặt khi rút lui.

"Câu hỏi là liệu Ukraine có để cho Nga rút quân êm đẹp hay tiếp tục bắn phá dữ dội nhằm vào đối thủ", hãng tin AP dẫn lời ông Zhdanov nói.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Đã có những dự đoán rằng, các lực lượng Ukraine sẽ tấn công Kherson trong những ngày tới.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine cảnh báo Nga có thể tiến hành các cuộc tập kích bằng pháo liên tục nhằm vào thành phố này từ các vị trí kiên cố của họ trên bờ đông sông Dnieper, cáo buộc Moscow muốn biến Kherson thành một "thành phố chết".

Những câu hỏi quanh việc Nga rút quân khỏi Kherson - 2

Xe tăng của lực lượng Ukraine tiến về Kherson (Ảnh: Getty).

"Lực lượng Nga muốn biến Kherson thành "thành phố chết". Quân đội Nga đặt mìn ở mọi nơi có thể: nhà cửa, cống rãnh. Pháo binh ở bờ đông sông Dnieper có kế hoạch biến Kherson thành đống đổ nát", ông Mykhailo Podolyak, cố vấn chính trị của Tổng thống Zelensky, viết trên Twitter.

Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Ukraine thành công trong việc giành lại thành phố Kherson, các lực lượng của họ sẽ không cố gắng tiến sâu hơn về phía đông.

Mick Ryan, một tướng Australia đã nghỉ hưu, cho biết: "Không có khả năng người Ukraine sẽ tiến hành một cuộc vượt sông Dnieper quy mô lớn đến bờ đông bất cứ lúc nào.

Đối với Kiev, việc giành lại Kherson sẽ củng cố niềm tin rằng nước này có thể chiến thắng Nga trên chiến trường.

Đối với Nga, việc rút lui khỏi Kherson báo hiệu một sự thay đổi đáng kể chiến lược quân sự sau khi các lực lượng của Moscow bị đẩy lùi khỏi ngoại ô Kiev vào tháng 3.

Nhưng khi mùa đông khắc nghiệt đã đến gần, vốn có thể làm đóng băng các tuyến đường ở tiền tuyến, Nga có thể đang cân nhắc thời điểm trước khi tung ra các cuộc tấn công mới vào mùa xuân năm 2023.

Theo Al Jazeera