1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - Mỹ suýt lao vào "cuộc chiến hạt nhân" trên Mặt Trăng

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong những ngày đầu sơ khai trong cuộc đua không gian, Nga - Mỹ đều có chung ý tưởng "điên rồ": Nổ bom hạt nhân ở trên Mặt Trăng để chứng tỏ là quốc gia đầu tiên chinh phục thiên thể này.

Nga - Mỹ suýt lao vào cuộc chiến hạt nhân trên Mặt Trăng - 1

(Ảnh minh họa: Getty Images/NASA).

Cuộc đua không gian giữa hai cường quốc quân sự Nga - Mỹ vẫn luôn gay cấn trong những năm qua. Nhưng ít ai biết rằng, cuộc đối đầu gay gắt đến nỗi cả hai từng có kế hoạch liên quan tới bom hạt nhân ở tận Mặt Trăng. Cuối cùng, thiên thể này đã may mắn thoát "án tử" khi các kế hoạch vẫn mãi chỉ nằm ở trên giấy.

Mỹ từng muốn cho nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng

Năm 1957, Liên Xô phóng Sputnik lên quỹ đạo trái đất, trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới làm nhiệm vụ như vậy - và sự kiện này khiến Lầu Năm Góc và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ rối bời, lo ngại. Với họ, nước Mỹ đang trên con đường chậm chân trước Liên Xô trong cuộc đua không gian.

Giữa lúc thế giới chìm sâu trong "bóng ma" của Chiến tranh Lạnh, làn sóng đổi mới công nghệ và các chiến lược quân sự kỳ lạ giữa Nga và Mỹ bùng nổ, khắp nơi từ Đông đến Tây đều muốn biết rõ rằng quốc gia nào mới là siêu cường hàng đầu. Nhưng bằng cách nào? Và cả hai đã nảy ra ý tưởng khá "điên rồ": Một cách để chứng minh chính người của họ từng đến Mặt Trăng là cho nổ bom hạt nhân trên đó.

Ai cũng biết rõ, Mỹ là quốc gia đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng. Hình ảnh phi hành gia Neil Armstrong bước trên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969 đã trở thành khoảnh khắc lịch sử. Tuy nhiên, không chỉ đưa con người lên đây, kế hoạch chinh phục Mặt Trăng của người Mỹ còn khác thường hơn rất nhiều. Theo trang tin National Interest, năm 1958, Tổ chức Nghiên cứu Quân sự (ARF) - hiện nay là Học viện Công nghệ Illinois - đã đưa ra một kế hoạch khó tưởng tượng: Cho nổ bom hạt nhân ở Mặt Trăng. "Đề án A119" ra đời.

"Tôi có được thông tin là Không quân Mỹ muốn thực hiện một vụ nổ bất ngờ, vừa lấy lòng người dân trong nước, vừa tạo ưu thế tốt hơn trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Nga", ông Leonard Reiffel, Giám đốc dự án, từng viết trên Nature. Theo ông, "Mỹ muốn thực hiện vụ nổ để tạo ra đám mây hình nấm lớn đến mức có thể nhìn thấy từ Trái Đất . Bởi khi đó, Mỹ đang tụt hậu trong cuộc đua không gian với Nga".

Ngoài ra, vụ nổ cũng là cơ hội để các nhà khoa học và quân đội Mỹ hiểu rõ hơn về tính hiệu quả của vũ khí hạt nhân trong không gian. Trong báo cáo giải mật về "Đề án A119" vào năm 1959, ông Reiffel cho biết: "Mục tiêu quân sự rõ ràng của Mỹ liên quan đến nhiều vấn đề như nhằm thử nghiệm môi trường không gian, thiết bị hạt nhân trong không gian và cả năng lực vũ khí hạt nhân đối với chiến tranh không gian". Nhưng cuối cùng, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đã quyết định hủy đề án này mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể do Washington lo ngại phá vỡ tính toàn vẹn của Mặt Trăng, ít nhất sẽ dẫn đến sự mất ổn định của chu kỳ thủy triều lên xuống trên Trái Đất.

Nhiều kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh được giải mật - bao gồm cả A119 - và nhà thiên văn học Carl Sagan đã vô tình tiết lộ bí mật của đề án này.

Năm 1959, Sagan khi đó là sinh viên mới tốt nghiệp với mục tiêu đặt chân đến Đại học California (UC), Berkeley, Mỹ. Trong đơn xin học bổng vào Viện Miller của UC, Sagan tiết lộ một số công việc mà anh đã làm cho ARF, bao gồm cả báo cáo mà anh đã viết có tựa đề "Những đóng góp cho vụ nổ bom hạt nhân ở Mặt Trăng" và đưa ra các tính toán về vụ nổ này, hậu quả ô nhiễm phóng xạ... Sagan muốn khoe khoang công việc trong các dự án tuyệt mật như thế này để có cơ hội nhận được học bổng. Tuy nhiên, vụ việc đã gây làn sóng tranh cãi khi được nhà văn Keay Davidson "khai quật" và tiết lộ mọi việc sau khi Sagan qua đời vào năm 1996.

Lầu Năm Góc cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ việc trên. Nhưng các kế hoạch cho nổ bom hạt nhân ở Mặt Trăng thời Chiến tranh Lạnh và nhiều báo cáo vào thời điểm đó đã bị hủy. Rất may, dự án chỉ nằm trên giấy. Và Mỹ quyết định rằng, không cần cho nổ bom hạt nhân trên đó mà chỉ cần đưa người lên Mặt Trăng.

Trong bộ phim tài liệu "The Fog of War" (tạm dịch - Màn sương chiến tranh) năm 2003, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã kể về việc từng họp với các lãnh đạo để thảo luận về Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạn chế, cấm thử nghiệm hạt nhân trên mặt đất. "Họ nói, Liên Xô sẽ gian lận, nhưng tôi nói, họ sẽ gian lận bằng cách nào?". Bạn sẽ không tin điều này, nhưng họ muốn cho nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng trước khi Liên Xô làm điều đó, nhưng tôi nói, điều đó thật vô lý", ông McNamara cho biết.

Kế hoạch của Nga 

Nhưng thật sự, điều đó không hoàn toàn vô lý. Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có kế hoạch không tưởng như vậy. Năm 1958, sau thành công của Sputnik, hai nhà khoa học Nga - Sergei Pavlovich Korolev và Mstislav Vsyevolodovich Keldysh - đề xuất một loạt kế hoạch táo bạo để đánh dấu ấn Liên Xô ở Mặt Trăng và cho thế giới biết người Liên Xô đã ở đó. Đó là "Dự án E", trong đó E-1 nhắm mục tiêu đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. E-2 và E-3 là các dự án khám phá Mặt Trăng và chụp ảnh bề mặt của nó. E-4 là kế hoạch kỳ lạ, liên quan đến việc kích nổ hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng.

Năm 1999, kỹ sư tên lửa nổi tiếng người Nga Boris Chertok đã nói với Reuters về dự án E-4 này: Năm 1958, chúng tôi có kế hoạch cho nổ bom hạt nhân ở Mặt Trăng, để các nhà thiên văn học trên khắp thế giới có thể chụp ảnh vụ nổ. Bằng cách đó, không ai có thể nghi ngờ việc Liên Xô đã chinh phục được Mặt Trăng. Nhưng ý tưởng này đã bị bác bỏ khi các nhà vật lý cho rằng rất khó để chụp ảnh vì vụ nổ sẽ không tạo ra một đám mây hình nấm như trên Trái Đất và tia sáng vụ nổ sẽ tồn tại rất ngắn vì trên Mặt Trăng không có khí quyển.

Sau đó, Liên Xô tạo lợi thế trước Mỹ khi đưa nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin vào không gian vào năm 1961. Tại Mỹ, chương trình Apollo tiếp nối, đảm bảo những thắng lợi lớn và họ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 1969. Và mặc dù thực tế là chiến thuật đe dọa hạt nhân đã được tính tới, Mặt Trăng cuối cũng may mắn vẫn yên ổn.