1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới siêu giàu Ấn Độ hứng chỉ trích giữa "bão" Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Ấn Độ, giới tỷ phú và siêu giàu nước này trở thành nhóm bị chỉ trích khi nhiều ý kiến cho rằng họ đóng góp chưa đủ cho nỗ lực dập dịch.

Giới siêu giàu Ấn Độ hứng chỉ trích giữa bão Covid-19 - 1

Bệnh nhân Covi8d-19 thở ôxy tại một ngôi đền ở ngoại ô New Delhi (Ảnh: EPA-EFE).

Tại một quốc gia có số tỷ phú nhiều thứ 3 thế giới, hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra về sự đóng góp của giới siêu giàu Ấn Độ trong cuộc chiến chống lại làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 đang càn quét quốc gia Nam Á.

Khác với làn sóng lây nhiễm thứ nhất khi một số tỷ phú Ấn Độ hào phóng quyên góp cho nỗ lực chống dịch, giới siêu giàu nước này bị đánh giá là chỉ đóng góp "tượng trưng" khi đợt bùng dịch thứ 2 xảy ra.

Tập đoàn RIL do doanh nhân giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani đã quyên góp 5 tỷ rúp (68 triệu USD) cho chính phủ hồi tháng 3 năm ngoái. Năm nay, RIL tập trung vào các nỗ lực nhằm thiết lập các cơ sở chữa trị Covid-19 và tăng cường năng lực cung cấp ôxy.

RIL tuyên bố rằng họ chiếm hơn 11% tổng sản lượng ôxy hóa lỏng y tế ở Ấn Độ và ôxy do họ sản xuất đang được cung cấp miễn phí cho một số bang.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những nỗ lực này là chưa đủ lớn và họ kỳ vọng các tỷ phú Ấn Độ sẽ mở hầu bao một cách hào phóng hơn, giống như ông Azim Premji, người sáng lập tập đoàn Wipro. Ông Premji, nhà từ thiện hào phóng nhất của đất nước, đã quyên góp nhiều gấp 10 lần so với những người thuộc giới siêu giàu Ấn Độ.

Những ý kiến chỉ trích cho rằng, nguồn lực tài chính của các tỷ phú Ấn Độ trong năm qua không bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trên thực tế, họ còn trở nên giàu có hơn trong khi 230 triệu người Ấn Độ đang rơi vào cảnh sống dưới mức lương cơ bản trung bình một ngày (5,11 USD).

Theo danh sách tỷ phú toàn cầu lập ra bởi công ty Hurun (Trung Quốc), Ấn Độ năm ngoái có thêm 40 tỷ phú USD, nâng con số tổng ở quốc gia Nam Á lên 177 người. Tài sản của ông Ambani tăng 24%, lên mốc 83 tỷ USD, trong khi tỷ phú công nghiệp Gautam Adani tăng gấp đôi tài sản, đạt 32 tỷ USD trong năm 2020.

Theo một ước tính của nhà kinh tế S. Subramanian, chính phủ Ấn Độ chỉ cần đánh thuế 1,61% với khoảng 1.000 giàu nhất nước này thì số tiền thu được có thể đủ mua vắc xin cho toàn bộ người dân thuộc nhóm 18-45 tuổi.

Hoạt động tiêm chủng ở Ấn Độ cũng khá phức tạp. Trong khi một số nhóm người được tiêm miễn phí, một số khác thì không. Hiện tại, Ấn Độ đang miễn phí vắc xin cho nhóm người trên 45 tuổi tại các bệnh viện công, nhưng họ sẽ phải trả tiền nếu chọn tiêm chủng ở bệnh viện tư.

Theo Straits Times, giới siêu giàu Ấn Độ bị chỉ trích vì không đóng góp đủ nhiều cho các hoạt động từ thiện.

"Các sáng kiến từ thiện của các doanh nghiệp Ấn Độ trong năm nay để chống lại đại dịch còn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng của họ. Những gì họ có thể làm còn nhiều hơn thế nữa", chuyên gia Kavil Ramachandran từ trường Kinh doanh Ấn Độ nhận định.

Ngoài ra, sự chỉ trích lần này cũng đồng thời nhằm vào nhóm diễn viên nổi tiếng Bollywood và các vận động viên bóng gậy (cricket) vì sự đóng góp bị đánh giá là chưa thực sự nhiều của những nhân vật này. 

Ngoài ra, việc giới siêu giàu Ấn Độ trong thời qua tìm cách rời khỏi đất nước khi dịch bùng phát cũng trở thành chủ đề gây chú ý. Họ đến Anh, Dubai và một số nơi khác để tránh dịch và dường như không có ý định trở về cho tới khi tình hình ở Ấn Độ ổn thỏa trở lại.