1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

"Đau đầu" bài toán sinh tồn của thủy thủ đoàn trong các sự cố tàu ngầm

Thanh Thành

(Dân trí) - Vụ việc tàu ngầm Indonesia mất tích đang làm dấy lên mối lo an toàn của các tàu ngầm, nhất là những con tàu già cỗi, và những câu hỏi về cơ may sống sót của các thủy thủ trong tình huống khẩn cấp.

Đau đầu bài toán sinh tồn của thủy thủ đoàn trong các sự cố tàu ngầm - 1

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia mất tích cùng 53 thủy thủ (Ảnh: Getty).

Theo giới chức Indonesia, KRI Nanggala mất tích khi đang diễn tập phóng ngư lôi bên ngoài bờ biển Bali vào sáng ngày 21/4. Tại thời điểm mất tích, trên tàu có 53 người và có thể đã xuống vùng nước sâu khoảng 700 m. Hải quân Indonesia và nhiều chuyên gia cho rằng, có thể trong quá trình lặn tĩnh đã xảy ra sự cố mất điện, khiến con tàu mất kiểm soát và không thể thực hiện các thủ tục khẩn cấp, sau đó chìm xuống độ sâu 600-700 m".

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 có trọng tải khoảng 1.300 tấn, là tàu ngầm tấn công Type 209 chạy bằng điện-diesel. Nó được đóng tại Đông Đức vào năm 1978 và bàn giao cho Indonesia vào năm 1981. Tuổi thọ cao của tàu ngầm này làm dấy lên nhiều lo ngại cho số phận của nó.

Những tai nạn thảm khốc

Thế giới từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn tàu ngầm đáng sợ, trong đó một số trường hợp các thủy thủ được xem là "chỉ chờ chết".

Vụ tai nạn tàu ngầm có số người chết cao nhất xảy ra gần 60 năm trước. Vào ngày 10/4/1963, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Thresher (SSN-593) của Mỹ gặp sự cố khi thử nghiệm hoạt động ở độ sâu 400 m. Vụ tai nạn khiến 129 thủy thủ thiệt mạng. Kết quả điều tra cho thấy, động cơ điện cung cấp năng lượng cho máy bơm làm mát chính của con tàu gặp trục trặc khiến lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động. Con tàu chìm dần và phát nổ ở độ sâu hơn 700 m do áp lực nước lớn.

Năm năm sau, vào tháng 5/1968, một tàu ngầm khác của Mỹ mất tích ở Đại Tây Dương với 99 thủy thủ trên tàu. Đến tháng 10/1968, lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy xác của con tàu ở vị trí cách quần đảo Azores khoảng 644 km về phía Tây Nam, ở độ sâu hơn 3.000 m. Có nhiều thuyết âm mưu về nguyên nhân vụ tai nạn như ngư lôi của con tàu bất ngờ bị phóng đi và bật trở lại, bắn trúng tàu Scorpion... nhưng cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Trung Quốc cũng từng xảy ra tai nạn tàu ngầm thảm khốc vào năm 2003. Tàu ngầm Ming-361 mang theo 70 người đã gặp nạn trong đang chạy động cơ diesel và sử dụng ống thông hơi thì mực nước dâng cao, khiến miệng ống đóng lại. Do trục trặc kỹ thuật, động cơ diesel trên tàu 361 đã không được tắt. Chính động cơ này đã đốt hết khí oxy trên tàu trong vòng 2 phút khiến toàn bộ 70 người chết ngạt.

Hải quân Nga cũng chứng kiến tai nạn tàu ngầm thảm khốc vào năm 2000. Khi đó, 2 vụ nổ lớn xảy ra liên tiếp bên trong tàu ngầm hạt nhân Kursk, khiến nó chìm xuống đáy biển cùng 118 thủy thủ.

Thoát khỏi tàu ngầm gặp nạn: Cố thoát thân hay chờ cứu?

Tai nạn tàu ngầm rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, giống tai nạn máy bay trên không, các vụ tai nạn tàu ngầm (do đặc điểm hoạt động dưới nước) thường gây ra những hậu quả rất thảm khốc. Và trong mọi tình huống khẩn cấp, giải pháp cho vấn đề sinh tồn của các thủy thủ luôn được ưu tiên hàng đầu. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các thủy thủ được cứu sống?

Hầu hết các tàu ngầm hiện đại được thiết kế để nếu các thùng chính chứa đầy nước, chúng vẫn giữ được độ nổi. Nếu không thể tiếp tục di chuyển, nó vẫn có thể nổi lên được. Tuy nhiên, khi một lượng nước lớn lọt vào bên trong tàu ngầm thì cần khẩn cấp cứu nó khỏi bị chìm xuống đáy biển, tránh khỏi ảnh hưởng của áp lực cực lớn. Các chuyên gia đưa ra một số tình huống nguy hiểm nhất trong quá trình con tàu chìm xuống, không thể kiểm soát nổi như: tàu ngầm bị ngập nước, áp suất tăng lên, nhiệt độ thay đổi, độc tính xuất hiện trong không khí, hệ thống hỗ trợ sự sống của con tàu bị hỏng. Những rủi ro này ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian cho phép tồn tại của thủy thủ đoàn trên tàu ngầm.

Và trong tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", các thủy thủ đoàn bị mắc kẹt đứng trước hai lựa chọn: cố thoát thân hay chờ được cứu? Đã có nhiều tranh cãi bùng nổ xung quanh vấn đề này, trong đó Hải quân Mỹ ủng hộ việc chờ được cứu vì điều đó an toàn hơn.

Theo Hải quân Mỹ, các nỗ lực thoát hiểm sẽ khiến những người sống sót phải đối mặt với các điều kiện nguy hiểm bên ngoài như nước lạnh và áp suất lớn, và dễ mắc sai lầm tai hại. Trong khi đó, các phương tiện cứu hộ có thể hoạt động sâu hơn nhiều (khoảng 610 m) so với các thiết bị giúp thoát hiểm, vốn thường chỉ được giới hạn ở vùng nước nông (khoảng 180 m trở xuống). Ngoài ra, các lực lượng cứu hộ cũng có các nguồn lực tại chỗ như một buồng khí để điều trị cho những người sống sót.

Trên thực tế, cho đến tận năm 1939, lực lượng hải quân các nước vẫn cho rằng, lực lượng cứu hộ rất khó có khả năng cứu được các tàu ngầm gặp nạn dưới đáy đại dương. Sau đó, Hải quân Mỹ đã cứu sống 33 người từ tàu USS Squalus bị chìm vào tháng 5/1939 bằng cách sử dụng một buồng cứu hộ. Họ thực hiện 4 đợt giải cứu với người cuối cùng lên mặt nước lúc nửa đêm ngày 25/5. Cuối cùng, các sĩ quan và thủy thủ tham gia chiến dịch và đội cứu hộ tàu ngầm Squalus được tặng thưởng các huy chương ghi nhận công lao. Chiến dịch giải cứu này đã mở ra một chương mới trong lịch sử cứu hộ, thay đổi mãi mãi mô hình cứu hộ dưới lòng đại dương. Sau chiến dịch Squalus, Hải quân Mỹ ưu tiên công tác cứu hộ. Theo thời gian, họ liên tục phát triển công nghệ cứu hộ mới và cải thiện năng lực cứu hộ.

Khoang thoát hiểm

Ngày nay, các thiết kế tàu ngầm ưu tiên "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Do đó, việc bố trí vũ khí, khả năng tàng hình, hệ thống tác chiến điện tử, điều hướng... được đặc biệt chú ý ngay từ khi thiết kế tàu ngầm.

Một trong những vị trí quan trọng nhất để tăng khả năng sống sót của thủy thủ đoàn trong các tình huống nguy cấp là khoang thoát hiểm của tàu ngầm. Các khoang dùng để sơ tán được đặt ở phần mũi tàu hoặc đuôi tàu ngầm, nơi đặt thiết bị đặc biệt được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đó là các phương tiện báo hiệu, cung cấp oxy và phương tiện hấp thụ CO2, đèn hiệu vô tuyến khẩn cấp cá nhân, bộ đồ cứu hộ, thiết bị để được tiếp nhận vào khoang hỗ trợ khẩn cấp... Các khoang này được thiết kế rất nhỏ để đảm bảo chúng sẽ ít bị ảnh hưởng khi tàu bị vỡ, nổ khi gặp sự cố.

Khi không tiếp cận được lực lượng cứu hộ, cách tốt nhất và duy nhất để thoát khỏi những chiếc tàu ngầm đang nằm dưới đáy đại dương là sử dụng các ống phóng lôi để thoát ra ngoài. Các khoang ngư lôi sẽ đóng vai trò như những khoang thoát hiểm, thủy thủ tàu ngầm sẽ được mặc một bộ đồ tăng áp đặc biệt để chống lại áp lực nước và thoát ra ngoài khi tàu chìm. Tùy theo từng cách thiết kế mà bộ đồ này có thể trở thành một chiếc phao cứu sinh khi được thổi phồng từ một bình nén khí gắn trong áo. Thủy thủ đoàn cũng có đủ lương thực và nước uống kèm theo các thiết bị liên lạc hoặc pháo sáng kêu cứu trong bộ đồ này để đề phòng trường hợp họ phải lênh đênh trên biển chờ cứu hộ trong thời gian dài. Tuy nhiên, những bộ đồ này chỉ có thể sử dụng khi tàu ngầm nằm ở độ sau khoảng 100m, còn ở độ sâu lớn hơn, nó hoàn toàn vô dụng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng khi xử lý tính huống tàu ngầm gặp nạn. Dù hiện nay đã dần có robot thay thế và nhiều hệ thống tự động hóa nhưng dù sao yếu tố con người vẫn là quyết định. Vì vậy, thủy thủ đoàn tàu ngầm luôn được rèn luyện tâm lý vững vàng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.