1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chiến thuật giúp Su-35S Nga bắn rơi máy bay Ukraine từ khoảng cách 200km

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga tuyên bố tiêm kích đa năng Su-35S của nước này đã bắn rơi cường kích Su-25 và tiêm kích MiG-29 của Ukraine trong một nhiệm vụ chiến đấu, sử dụng chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ".

Chiến thuật giúp Su-35S Nga bắn rơi máy bay Ukraine từ khoảng cách 200km - 1

Tiêm kích Su-35S của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/11 thông báo, tiêm kích Su-35S của nước này đã bắn rơi các máy bay quân sự Su-25 và MiG-29 của Ukraine trong một nhiệm vụ xuất kích.

Phi công điều khiển Su-35S có tên Klim cho biết, vào thời điểm đó, Nga phát hiện một cặp cường kích Su-25 và một tiêm kích MiG-29 bay cách 200km. Theo phỏng đoán của phía Nga, cặp Su-25 đang chuẩn bị tấn công mặt đất và MiG-29 thì đi theo yểm trợ nhằm hiệp đồng tác chiến.

Theo phi công Klim, anh đã quyết định bắn tên lửa nhằm vào 3 máy bay Ukraine và sau đó phía sở chỉ huy xác nhận 2 máy bay của Ukraine đã bị bắn rơi.

Trong hơn 8 tháng chiến sự, giới chuyên gia nhiều lần nhận định Nga chưa thể kiểm soát hoàn toàn bầu trời của Ukraine. Tuy nhiên, các tiêm kích đánh chặn và tên lửa tầm xa của Moscow đang gây ra những thiệt hại không nhỏ cho Ukraine.

Ví dụ, Su-35S kết hợp với tên lửa không đối không R-77-1 được xem là một trong những cặp vũ khí hiệu quả hàng đầu khi không chiến ở Ukraine.

Được sản xuất bởi nhà thầu hàng đầu của Nga Vympel, R-77-1 là tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động ngoài tầm nhìn (BVR) có thể tấn công các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, trực thăng, tên lửa hành trình trong phạm vi hàng trăm km.

Viện RUSI (Anh) dẫn lời các phi công tiêm kích Ukraine thừa nhận, cặp Su-30SM và Su-35S hoàn toàn áp đảo các máy bay chiến đấu của Ukraine.

Chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ"

Sự khác biệt làm nên uy lực của cặp tiêm kích Nga chính là tên lửa R-77-1 kết hợp với các radar N011M Bars và N035 Irbis-E. Nhờ các vũ khí này, cặp tiêm kích Nga có thể tiến hành chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ".

Khi 2 tiêm kích hoạt động theo cặp, chiếc Su-30SM sẽ đóng vai trò là máy bay tấn công mặt đất trong khi Su-35S trở thành tiêm kích chiếm ưu thế trên không, nhận nhiệm vụ bọc lót cho Su-30SM phía dưới.  

Su-35S duy trì độ cao và sử dụng radar N135 Irbis-E để đảm bảo không phận tại khu vực hoạt động không có các mối đe dọa trên không từ đối thủ.

Su-35S có khả năng phối hợp hoạt động tác chiến của các máy bay khác trên không, nghĩa là nó có thể thực hiện các chức năng của một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS).

Ở chế độ theo dõi bình thường, trong khi quét, radar Irbis-3 có thể quét 120 độ ở hai bên và phát hiện các mục tiêu kích cỡ 3m2 trong phạm vi 200km. Nhờ vậy, Su-35S có khả năng nhìn bao quát từ trên cao, khóa mục tiêu Ukraine từ khoảng cách hàng trăm km, sau đó phóng tên lửa R-77-1 xuống để tấn công vào máy bay Ukraine.

Radar tìm kiếm chủ động trên tên lửa R-77-1 kết hợp với các radar hiện đại N011M và N035 cho phép Nga bắn tên lửa, sử dụng chế độ quét để theo dõi (TWS).

Chế độ TWS cho phép radar có thể theo dõi một hoặc nhiều mục tiêu, khiến cho tên lửa được truyền đầy đủ thông tin từ giai đoạn phóng ra cho tới khi gần mục tiêu. Vào giai đoạn cuối, radar của tên lửa mới được kích hoạt, cho phép nó qua mặt thiết bị cảnh báo radar của Ukraine. Hay nói cách khác, khi Ukraine phát hiện ra tên lửa bay tới, họ gần như không còn phương án nào để né tránh.

Mặt khác, trong những tuần gần đây, Nga dường như cho Su-35S sử dụng tên lửa tầm xa R-37M AAM, vượt trội so với R-77-1, giúp dòng tiêm kích này gia tăng uy lực.

Một lý do khiến Nga có lợi thế khi triển khai chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ" là các tiêm kích Ukraine trong những tháng qua thường bay ở tầm thấp để tránh bị các radar phòng không mặt đất của Nga dò trúng. Tuy nhiên, chiến thuật này không thể làm khó radar trên Su-35S của Nga từ trên cao.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine