1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bi kịch của những bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ: "Chọn mắt hay chọn mạng sống"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ đang đối diện với cảnh "họa vô đơn chí" khi vừa phải chống chọi với bệnh dịch chết người, vừa mắc "nấm đen" - căn bệnh quái ác khiến nhiều người phải mổ để bỏ mắt.

Bi kịch của những bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ: Chọn mắt hay chọn mạng sống - 1

Bệnh nhân Covid-19 điều trị trong bệnh viện tại Ấn Độ (Ảnh minh họa: AFP).

Khi nghe tin mình buộc phải bỏ cả 2 mắt trong một bệnh viện ở Mumbai, Neelam Bakshi, 47 tuổi, không thể rơi được một giọt nước mắt. Mắt bà đã cứng đơ, khô rát, sưng vù vì "nấm đen" - căn bệnh gây ra bởi nấm Mucor, loại nhiễm trùng thường ảnh hưởng đến người có hệ miễn dịch yếu.

"Phải mất một lúc tôi mới có thể nói ra chẩn đoán. Nhưng bà ấy chỉ đáp lại là "vậy là tôi sẽ không nhìn thấy cháu tôi nữa", rồi im lặng", bác sĩ Renuka Bradoo, người điều trị cho Bakshi, mô tả lại bầu không khí nặng nề khi đó.

"Nấm đen" là bệnh rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong lên tới 50% và thường khá hiếm gặp. Tuy nhiên, khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 càn quét Ấn Độ, nhiều bang, trong đó có Maharashtra, chứng kiến sự bùng nổ của căn bệnh quái ác này.

Bác sĩ Bradoo, người đứng đầu khoa tai, mũi, họng ở bệnh viện Sion, nói rằng, đã có sự gia tăng "theo cấp số nhân" các ca bệnh "nấm đen". Bà gọi tình hình lúc này là "đại dịch lồng trong đại dịch".

Đồng nghiệp của bà Bradoo, bác sĩ mắt Akshay Nair, thừa nhận ông đã thực hiện quá nhiều ca phẫu thuật bỏ mắt của bệnh nhân từ khi làn sóng thứ 2 bùng phát ở Ấn Độ. "Giống như là một cơn ác mộng xảy ra trong một cơn ác mộng khác", ông Nair nói.

Thông thường, "nấm đen" xảy ra với bệnh nhân suy giảm miễn dịch do mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát hoặc một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, nó có thể bị kích hoạt phát triển sau khi người bệnh dùng steroid, một phương pháp chữa trị phổ biến với các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Ấn Độ gần đây đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân khỏi Covid-19 được xuất viện, nhưng nhanh chóng nhập viện trở lại vài ngày sau vì bị mắc "nấm đen".

Nhiễm trùng bắt đầu từ xoang mũi và diễn biến rất nhanh. Trong 2-4 ngày, nó loang lên mắt. Nếu không chữa trị kịp, nó sẽ lan lên não và làm người bệnh tử vong.

Trong ngày 12/5, bang Maharashtra thông báo rằng, họ đã ghi nhận 2.000 ca "nấm đen". Bác sĩ tai mũi họng Murarji Ghadge cho biết "nấm đen" đang gây ra sự tàn phá khủng khiếp và lan tràn.

"Tối qua, tôi phải mổ bỏ mắt của bệnh nhân vào nửa đêm để ngăn nhiễm trùng lan lên não. Ba giờ sáng, tôi mổ cho bệnh nhân khác. Hôm nay, tôi sẽ cắt bỏ toàn bộ hàm trên và má của một phụ nữ trẻ tuổi. Nó đang bùng nổ. Tôi chưa từng chứng kiến tình cảnh tương tự như vậy trong quá khứ", bác sĩ Ghadge nói.

Tại bang lân cận Gujarat, các bác sĩ tai mũi họng thường chỉ khám 1-2 bệnh nhân "nấm đen" một năm, bây giờ họ phải nhận 6-8 ca/ngày.

"Chọn mắt hay chọn mạng sống"

Bác sĩ Bradoo nói rằng, 60% bệnh nhân của bà đều cần phải mổ bỏ một hoặc hai mắt vì họ đã đến khám quá muộn.

Bà cho biết, bệnh nhân Bakshi gần như không có thời gian để có thể xử lý thông tin khi biết mình mắc phải bi kịch phải bỏ cả 2 mắt. Bakshi gần như phải ký giấy cam kết tiền phẫu thuật ngay sau khi nghe xong tin "sét đánh ngang tai".

"Chúng tôi phải can thiệp ngay lập tức trước khi nó lan lên não. Tôi nói với Bakshi là bà ấy phải chọn giữa mắt và mạng sống. Làm ơn hãy hiểu rằng loại bỏ mắt là cách duy nhất bà có thể sống sót và đoàn tụ với gia đình", bác sĩ Bradoo cho hay.

Bác sĩ Nair kể về những ca bệnh đau lòng mà ông phải thực hiện trong những ngày qua, khi phải cắt bỏ xương hàm trên, bỏ mắt của một phụ nữ mới 26 tuổi. Cô đã sống sót, nhưng giờ phải ăn qua đường truyền ống.

Ông Nair cũng nói về bệnh nhân Khurshida Bano, 49 tuổi, người mà ông mô tả là đã thảng thốt, từ chối tin kết quả chẩn đoán.

"Tôi giải thích với bà ấy là nếu một bộ phận bị hỏng, chúng tôi sẽ phải cắt bỏ nó triệt để để cứu cả cơ thể", ông Nair giải thích, trước khi cắt đi nhãn cầu, mô, dây thần kinh và mí mắt của bà Bano.

Ấn Độ hiện vẫn đang chứng kiến số ca bệnh Covid-19 ở mức cao, dù đã giảm nhiệt so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, ở làn sóng thứ 2 này, Ấn Độ có nhiều bệnh nhân nguy kịch hơn. 

Để ngăn "nấm đen" phát triển và phá hỏng các bộ phận cơ thể, chỉ có một cách duy nhất là người bệnh phải được tiêm Amphotericin B với giá 80 USD/liều và tiêm liên tục 50-60 liều trong vài tuần. Với nhiều người bệnh Covid-19 ở Ấn Độ, đây là một số tiền khổng lồ mà họ khó lòng chi trả.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cũng cảnh báo kịch bản Amphotericin B có thể sớm bị cạn kiệt vì ngày càng nhiều ca "nấm đen" xuất hiện.

Với các bác sĩ tai, mũi, họng ở Ấn Độ, mỗi ca bệnh "nấm đen" đều khiến họ phải vận dụng tối đa khả năng thuyết phục.

"Các bệnh nhân thường trải qua chu kỳ quen thuộc như từ chối tin vào chẩn đoán, đau đớn, mặc cả rồi đành chấp nhận để chúng tôi phẫu thuật. Mọi phút trì hoãn việc điều trị cho họ đều có thể gây ra hậu quả thảm khốc", bác sĩ Nair cho biết.

Bác sĩ Bradoo thừa nhận, bà đã bị "chai lì cảm xúc" vì phải thông báo quá nhiều tới các bệnh nhân về việc họ sẽ mất đi đôi mắt trong suốt phần đời còn lại.