Tâm điểm
Nguyễn Dương

Sổ hộ khẩu sắp đi vào… "bảo tàng"

Trong két sắt nhà tôi, cuốn sổ hộ khẩu được cất kỹ cùng với các giấy tờ quan trọng khác. Hai vợ chồng tôi vẫn thường nói đùa mà rất thật với nhau rằng, mất gì thì mất chứ không được mất sổ hộ khẩu, vì nó là giấy tờ chứng minh tư cách công dân Thủ đô với các nghĩa vụ, quyền lợi sát sườn, và đặc biệt cuốn sổ hộ khẩu giấy này không thể thiếu trong các giao dịch ngân hàng, nhà đất, cho con đi học…

Tuy vậy, chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến thời điểm chúng tôi tạm biệt cuốn sổ hộ khẩu giấy này, hay nói cách khác là sắp đến lúc người dân giải quyết thủ tục hành chính mà không cần xuất trình sổ hộ khẩu. Cuốn sổ quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt sắp đi vào… "bảo tàng" như một hiện vật của thời kỳ kéo dài quản lý cư trú theo cách thủ công.

Luật Cư trú quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp cho người dân chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết 31/12/2022. Nghĩa là từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, hộ khẩu giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Ở đây cần lưu ý là bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa bỏ quản lý cư trú, mà cơ quan chức năng chuyển từ hình thức quản lý thủ công, bằng giấy sang điện tử.

Sổ hộ khẩu sắp đi vào… bảo tàng - 1

Cuốn sổ quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt sắp đi vào… "bảo tàng" như một hiện vật của thời kỳ kéo dài quản lý cư trú theo cách thủ công. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Có lẽ cũng như tôi, nhiều người dân vừa mừng vừa lo khi thời điểm nói trên đến gần. Mừng vì một chủ trương lớn và đúng đắn sắp trở thành hiện thực, lo vì khi cuốn sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị thì các giao dịch liên quan sẽ được thực hiện như thế nào? Liệu giao dịch điện tử đã thay thế được hoàn toàn chưa và có thuận tiện không? Liệu sắp tới có cơ quan, tổ chức nào vẫn "đòi" sổ hộ khẩu giấy hay không?

Theo cơ quan công an, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy hay nói cách khác việc quản lý cư trú theo phương thức mới "số hóa dữ liệu" sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú gồm: Cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú và gia hạn tạm trú.

Người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi làm thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. Công dân được giảm chi phí sao y chứng thực, cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng...

Khi thông tin về nơi cư trú thay đổi thì người dân phải thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật cư trú và quy định khác của pháp luật có liên quan; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan chức năng. 

Về phía cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; xác nhận thông tin về cư trú và thông báo kết quả thực hiện điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định.

Được biết hồi tháng 9, Chính phủ đã yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất trong trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi văn bản theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định bằng trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023; hoàn thành trong tháng 12 tới.

Đến nay các bộ ngành đã rà soát và phát hiện 19 nghị định có quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú. Trên cơ sở rà soát này, Bộ Công an đang soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của 19 nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính để phù hợp với quy định của Luật Cư trú cũng như các quy định pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cho rằng việc xây dựng Nghị định còn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế.

Sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành thống nhất, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu này để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Chính vì vậy, nếu kéo dài việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu trong hồ sơ phải chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gây lãng phí, phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Có thể thấy dự thảo Nghị định nêu trên khi được ban hành sẽ là "chìa khóa" để người dân yên tâm mở cửa bước vào giai đoạn mới, nói lời tạm biệt với sổ hộ khẩu giấy. Hai yêu cầu đặt ra là một mặt Nghị định phải "về đích" vào tháng 12 tới, mặt khác nội dung của Nghị định cần được truyền thông rộng rãi để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện vì thời gian bước sang năm mới không còn nhiều.

Kỳ vọng "cuộc cách mạng" bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, không chỉ xóa bỏ một trong những di sản từ thời bao cấp mà còn xóa bỏ những thủ tục "hành là chính".

Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!