Tâm điểm
Lê Quốc Vinh

Làm thế nào để phát triển bóng đá?

Tất cả bắt đầu từ fanbase - nền tảng cổ động viên. Đó là câu trả lời của hầu hết các chuyên gia bóng đá đến từ nhiều quốc gia tại Diễn đàn Thể thao Việt Nam (Vietnam Sports Forum) vừa diễn ra cuối tuần trước, do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với công ty WLS tổ chức.

Tôi bắt đầu đặt câu hỏi "làm thế nào để phát triển bóng đá" khi đọc hết cuốn "Giải mật Ngoại hạng Anh" của hai tác giả Joshua Robinson và Jonathan Clegg, do Alpha Books xuất bản. Tất nhiên, không ai so sánh giải đấu số 1 thế giới với bóng đá Việt Nam, cũng như chẳng ai đặt Manchester United cạnh CLB Hà Nội, nhưng cuốn sách gợi mở ra nhiều điều. Cái câu trả lời mang tính chân lý trên đây cũng không phải là chúng ta không biết. Nhưng tại sao chúng ta không làm được?

Câu hỏi này được chúng tôi đặt ra trong phiên thảo luận riêng - "Bóng đá, môn thể thao vua", và cũng được đặt ra trong phiên thảo luận về "Kinh tế thể thao".

Không chỉ các chuyên gia nước ngoài, mà cả các chuyên gia trong nước cũng nhấn mạnh rằng mỗi câu lạc bộ, hoặc ở cấp nhà nước là đội tuyển quốc gia, cần có một lượng fan hâm mộ đông đảo và trung thành. Và trên hết, sự gắn bó của fan là một nền tảng văn hóa thể thao đặc thù và sâu sắc.

Làm thế nào để phát triển bóng đá? - 1

Người hâm mộ TPHCM xuống đường ăn mừng chiến thắng của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan với tỉ số sát nút 1-0, giành Huy chương Vàng SEA Games 31 (Ảnh: Hoàng Giám).

Tôi chú ý đến nhận xét của ông Gianluca Cambareri, Phụ trách mua bán, sáp nhập, luật và kinh doanh thể thao, Tonucci & Partners, khi ông ta nói rằng thương hiệu (brand) quan trọng hơn hiệu quả thi đấu (performance). Mặc dù đầu tư cho cầu thủ và thành tích nên chiếm 60% tổng ngân sách, nhưng đầu tư cho thương hiệu câu lạc bộ phải chiếm một phần không nhỏ. Nghĩa là, marketing là không thể xem nhẹ, và ông Ivan Codina, Đại diện giải bóng đá vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga), cũng nói như vậy.

Ông Andrea Caloro, Cựu Giám đốc Thương mại AS Roma, kể trong Diễn đàn Thể thao Việt Nam một chiến dịch thú vị, khi đội bóng sử dụng tên tuổi của ngôi sao huyền thoại Francesco Totti, phối hợp với Nike, tung ra một bộ sưu tập giày và áo đấu rất đắt tiền. Mỗi đôi giày mang thương hiệu Totti có thể có giá từ 500 lên đến hơn 1.000 đôla Mỹ. Họ làm được như thế, một phần là vì AS Roma và Francesco Totti có một lượng fan đông đảo sẵn sàng chi tiền để thể hiện sự trung thành và ủng hộ thần tượng của họ.

Các đội bóng thành lập ra giải Ngoại hạng Anh - English Premier League ban đầu cũng phải đấu tranh vật vã giữa việc duy trì quan hệ với lượng fan tại chỗ có thể đến sân vận động, hay dùng sóng truyền hình và kỹ nghệ marketing để mở rộng fanbase.

Lịch sử đã chứng minh họ làm đúng, và một ví dụ rất sinh động là lượng fan của MU tại Việt Nam lên đến hơn 2 triệu người. Liverpool, Arsenal, Barcelona, Real Madrid, Bayern Munich… cũng có lượng fan đông đảo.

Một diễn giả tại hội thảo, chị Lê Thùy Trang, Giám đốc Trung tâm bản quyền và hợp tác chương trình FPT Play, nói vui rằng, Việt Nam cũng yêu bóng đá, nhưng chúng ta yêu bóng đá chiến thắng. Tôi tin là chị không có ý trách cổ động viên Việt Nam, nhưng rõ ràng là tình yêu của chúng ta chưa đủ cuồng nhiệt đến mức mong muốn được ở bên cạnh và "chiến đấu" cùng đội bóng của chúng ta. Ai đó cũng phát biểu rằng, chúng ta chưa phải là những cổ động viên mà khi trong cùng một thời điểm, có trận đấu quốc tế trên TV và đội nhà ra sân, chúng ta chọn ra sân vì đội nhà.

Tôi cũng cực lực khẳng định rằng không phải các đội bóng của chúng ta không có fan hâm mộ. Sông Lam Nghệ An, Cảng Hải Phòng, Nam Định, và nhất là Thể Công… là những cái tên gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi đến khi lớn lên, cho đến lúc bóng đá chuyển dịch sang chuyên nghiệp. Nhưng tiếc là cách thức đầu tư cho thương hiệu câu lạc bộ và đầu tư phát triển fanbase không đúng.

Các ông bầu vẫn không coi câu lạc bộ của mình là một doanh nghiệp và cần đầu tư cho thương hiệu của doanh nghiệp một cách bài bản, bên cạnh đầu tư cho sản phẩm - là cầu thủ và kết quả các trận đấu. Nhiều người đầu tư cho bóng đá như một nhà tài trợ, chủ yếu làm PR cho doanh nghiệp của mình là chính. Và tất nhiên, không hiếm ông bầu đầu tư cho bóng đá địa phương để được nhận những ưu đãi kinh doanh khác. Nếu vậy thì, khi đã vắt kiệt ngân sách tốn hàng chục tới hàng trăm tỷ mỗi năm, rất có thể họ sẽ phải mệt mỏi mà rút lui. Có những câu lạc bộ liên tục đổi nhà đầu tư tài trợ, và có những câu lạc bộ đã phải giải thể vì không có doanh nghiệp bảo trợ.

Tôi có anh bạn từng nói rằng, chỉ cần 1 triệu người hâm mộ Đội tuyển thật sự, chi mỗi năm khoảng 100 đôla mua quà lưu niệm, thì cũng đã có một ngân sách cả trăm triệu đôla cho Đội tuyển rồi. Nhưng, vấn đề là làm thế nào để họ chi khoản tiền ấy? Nó phụ thuộc vào tình yêu đích thực mà thương hiệu Đội tuyển có được.

Thương hiệu - cái hiệu được thương của câu lạc bộ và đội tuyển bóng đá là nền tảng hấp dẫn fan hâm mộ và trung thành. Tất nhiên, nguồn thu từ fan không phải là cơ bản. Nhưng sự gắn bó từ fan là gốc rễ của mọi chiến lược kinh doanh. Có fanbase sẽ có khán giả đến sân, khán giả xem truyền hình, có thể bán bản quyền truyền thông, có thể bán quảng cáo trên sân vận động, trên từng centimet áo đấu, có thể bán hàng lưu niệm, có thể kinh doanh hình ảnh cầu thủ và câu lạc bộ, và nhiều hơn thế. Thương hiệu và sản phẩm bóng đá phải là hai chiến lược song hành.

Và với các môn thể thao giải trí khác cũng vậy.

Tác giả: Ông Lê Quốc Vinh là Chủ tịch WLS Corporation; Phó Chủ tịch CLB Các Giám đốc Sales & Marketing (CSMO). Ông Vinh làm báo từ năm 1990 và sáng lập nhiều sản phẩm báo chí như: Tạp chí Đẹp, Tạp chí Nhà đẹp, Thể thao Văn hóa & Đàn ông, Doanh nhân, FansipanTV… Từ năm 1996, ông trở thành chuyên gia trong lĩnh vực PR, Marketing và truyền thông.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!