Tâm điểm
Trương Nguyện Thành

Học thuộc lòng hay dùng máy tính?

Tôi học thuộc lòng khá nhiều khi còn ở Việt Nam. Ngay cả các bài tập Toán, Vật lý… cũng giải theo công thức có sẵn. Tôi còn rất tự hào với khả năng nhân chia tính toán bằng tay của mình. 

Qua Mỹ năm 19 tuổi, tôi vào học năm cuối Trung học. Lúc ấy, do vốn liếng tiếng Anh còn ít ỏi nên tôi chọn học lớp Vật lý vì từ ngữ đơn giản, bài toán đơn giản, một số chỗ không biết thì có thể suy đoán được. 

Tất nhiên là tôi vẫn tiếp tục tính toán thủ công. Thấy vậy, thầy giáo đưa cho cái máy tính cầm tay bảo dùng nhưng tôi từ chối. Tôi nói: "Em không cần vì có thể tính toán bằng tay rất nhanh và không để thua kém bạn bè". Thầy không nói gì. 

Một hôm, ông giao ba bài tập Vật lý, yêu cầu một bạn học kém nhất lớp dùng máy tính và tôi tính bằng tay để xem ai giải xong trước. Kết quả, bạn nộp bài lâu lắm rồi mà tôi vẫn còn loay hoay tính toán. Khi đó, thầy cầm máy tính tới nói: "Thành, vấn đề ở đây không phải em có thể nhân chia tính tay giỏi hơn ai. Tôi không cần biết em sử dụng công cụ gì và bằng cách nào, kể cả em mở sách lục tung đọc lại tất cả, tôi chỉ cần em giải bài tập nhanh nhất và chính xác nhất". 

Về nhà, tôi nghĩ mãi không ra. Tại sao mình tính toán giỏi như thế mà lại thua bạn học kém nhất lớp. Thi cử thì phải cất sách vở, ai nhớ tốt hơn, nhiều hơn thì điểm cao, ai nhớ ít thì điểm thấp chứ. Đằng này thầy lại bắt dùng máy tính, cũng không cần biết làm cách gì, miễn cho đáp số chính xác. Tôi bị sốc cực mạnh bởi người thầy lẫn tư duy học hoàn toàn mới này.

Đến thời con trai út của tôi, cháu sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Học đến lớp 5, một hôm cháu được cô giáo giao làm dự án, đồng thời chỉ định thêm bốn bạn khác lập thành nhóm học tập. 

Con về nhà và phàn nàn với tôi về việc cô giáo yêu cầu đúng ngày giờ đó phải nộp kết quả dự án, nhưng lại không nói rõ về việc phải phân chia công việc cho các thành viên trong nhóm ra sao.  Được tôi gợi ý, sáng hôm sau con lên lớp hỏi cô thì tối về tiếp tục phàn nàn, rằng cô không những không giúp đỡ lại còn bảo chuyện  phân chia công việc là chuyện của nhóm, các em tự trao đổi và thống nhất với nhau. 

Cô chỉ cần biết đúng hạn nhóm phải nộp kết quả, và tất cả đều có cùng một điểm số.  Thế là con chia đều công việc cho mỗi thành viên và đứng ra chịu trách nhiệm tổng hợp. Tuy nhiên có bạn trong đội không làm tốt công việc của mình nên dự án đầu tiên này bị chấm điểm thấp. 

Con vô cùng hậm hực, cho rằng hệ thống giáo dục không công bằng, không muốn ở trong nhóm nữa, nhưng cô giáo lại yêu cầu làm tiếp dự án khác với nhóm. Việc này khiến cậu bé 10 tuổi không tài nào hiểu nổi. Tại sao cả nhóm phải có chung điểm? Tại sao mình không được quyền tự tìm người phù hợp để lập nhóm?

Tôi khuyên con trai, thay vì yêu cầu mỗi người đều phải đảm nhận một việc công bằng như nhau thì nên tận dụng thế mạnh của từng bạn. Ví dụ, trong nhóm có cô bạn thích giao tiếp, giỏi tương tác thì giao cho cô ấy chuyện kết nối mọi người, trình bày, liên hệ, thuyết phục; còn bạn giỏi kỹ thuật chỉ cần làm kỹ thuật thôi. Như vậy mọi người sẽ vui hơn. Sau khi hiểu cách làm việc đội nhóm, cậu bé đã triển khai dự án thứ hai rất vui vẻ, thành công.  

Trải nghiệm nền giáo dục Mỹ mấy chục năm qua, tôi thấy có những cách truyền đạt kiến thức, kỹ năng rất khác với những gì chúng ta đang làm trong nước, nhưng người Mỹ có lý do và triết lý của họ. 

Học thuộc lòng hay dùng máy tính? - 1

Giáo sư Trương Nguyện Thành tham gia một nhạc hội với sinh viên trường Đại học Văn Lang, tháng 10/2019 (Ảnh: NVCC)

Sau 30 năm giảng dạy tại Đại học Utah và năm nào cũng có sinh viên Việt Nam sang du học, tôi có thể đưa ra nhận định rằng, sinh viên Việt Nam cực giỏi khi làm việc cá nhân nhưng lại chưa ổn khi làm việc nhóm. 

Mỗi khi đưa vào làm việc nhóm là y như rằng các bạn ấy sẽ đề xuất "Thầy ơi cho em làm một mình đi. Em làm còn giỏi hơn ba bạn kia nên em không cần ba bạn ấy". Lý do, sinh viên Việt Nam muốn thể hiện cá tính, bản lĩnh của mình mà nếu trở thành thành viên của đội nhóm, phải va chạm nhiều đồng nghiệp, nhiều tính cách, rồi sự thành hay bại của dự án là kết quả của toàn nhóm mà không của riêng một ai. 

Nếu đội là nhóm A thì mình là thành viên nhóm A chứ không được là ông A, mình chẳng là ai cả. Tiếc là, các bạn không để ý rằng sau này đi làm chúng ta luôn phải làm việc nhóm. Lúc ta vào công ty hay tham gia một dự án thì họ đã ở đó. Chúng ta không có quyền lựa chọn sếp và đồng nghiệp.

Ở Đại học Utah, tôi thường tổ chức thi cuối khóa bằng cách cung cấp đề thi có sẵn công thức và được mở sách tham khảo, sinh viên chỉ cần tắt điện thoại nhằm tránh làm phiền bạn bè cũng như liên hệ với bên ngoài. Dữ liệu đầu vào như nhau, nhưng chất lượng bài thi khác nhau vì phụ thuộc vào cách xử lý dữ liệu của mỗi sinh viên. 

Tôi tổ chức thi như vậy vì ngày nay, trách nhiệm nhớ dữ liệu không còn thuộc về con người nữa, cũng như ngày xưa dù tôi giỏi tính toán cũng không thể bằng một bạn sử dụng máy tính. 

Ngày nay ta không thể truy xuất dữ liệu nhanh, phong phú như công cụ Google. Khi cần tìm hiểu gì đó, mọi người sẽ bật Google lên. Vậy tại sao ta lại ép học sinh, sinh viên của mình phải nhớ để làm gì?

Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển trên cơ sở bắt chước cách hoạt động và học tập của não người. Ở cấp độ thứ nhất, AI học cách phân loại như đứa trẻ 3 - 4 tuổi. Cấp độ thứ hai, AI bắt đầu thí nghiệm theo cách "thử rồi học" như đứa trẻ 5 - 6 tuổi… Trong tương lai, với bộ nhớ khổng lồ và tốc độ tính toán lượng tử, AI sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn não người. Con người đang thực sự chế tạo ra các thiết bị máy móc để thay đổi công việc của mình, hay nói cách khác là "xóa công việc của con người". 

Vậy rồi con người có thể làm gì? Thực sự có những câu hỏi chúng ta chưa thể trả lời được, nhưng giáo dục phải chuẩn bị cho con người bước vào tương lai đó.

Chúng ta thích những thứ quen thuộc, ví dụ như chỉ ngủ ở mé giường bên phải hàng chục năm. Người thầy cũng quen thuộc với cách dạy của mình và không thích thay đổi. Đó là vấn đề tâm lý. Giáo án của tôi 5 năm nay dạy quen rồi, bảo tôi xóa làm cái mới?! Hoặc là trường học Việt Nam còn dạy lập trình bằng ngôn ngữ Pascal, trong khi ngôn ngữ này đã "chết" hơn 30 năm, chỉ vì hồi xưa tôi học vậy, có giáo trình vậy, dạy quen tay. 

Nếu chúng ta không thay đổi, chuyện gì sẽ xảy ra? Hiện tại chẳng có gì xảy ra cả. Chỉ có con em chúng ta sẽ không được chuẩn bị tâm thế cho một tương lai thay đổi; không được chuẩn bị để làm việc nhóm, không được chuẩn bị để hiểu rằng có những việc con người không thể làm tốt hơn robot, không thể so sánh với AI…

Ở Mỹ hiện nay một số doanh nghiệp bắt đầu có khuynh hướng sử dụng nhân sự thành thạo một số kỹ năng nhất định. Gần đây Google tập trung tuyển dụng nhân sự có kỹ năng cụ thể nào đó và trả lương tương đương kỹ sư. Điều này có nghĩa, tương lai giáo dục sẽ tập trung vào cá nhân hóa đào tạo và không có ngành nghề nào là cố định. 

Ví dụ, sinh viên A thích ứng dụng công nghệ trong loại hình nghệ thuật nào đó, bạn đi học một số chứng chỉ của ngành nghệ thuật bạn thích, một số chứng chỉ công nghệ thông tin (AI, viết phần mềm…), sau đó tự thiết kế giải pháp cho riêng mình. Hoặc, sinh viên B muốn trở thành nhân sự quản lý bệnh viện, phòng khám sẽ đi học các chứng chỉ về ngành Tâm lý học, Quản trị Kinh doanh và sau đó ứng tuyển vào công việc quản lý bệnh viên hoặc làm việc trong mảng sức khỏe cộng đồng. Những sinh viên học theo hướng này khi đi làm lương cao hơn hẳn những bạn chỉ có bằng Tâm lý học hoặc bằng Quản trị kinh doanh.

Đang có những chuyển động như vậy. Và nó sẽ làm tăng áp lực lên hệ thống giáo dục. Các nước tiên tiến dự đoán được điều đó nên bắt đầu thí nghiệm cho sinh viên tự thiết kế môn học. Một sinh viên chỉ cần bỏ ra 4 năm là học được tất cả những điều họ cần.

Ở thời điểm hiện tại, những chuyện này có vẻ xa vời với Việt Nam nhưng tương lai thế giới đang đẩy về đó, Việt Nam xuất phát sau một chút cũng buộc phải theo hướng nhân loại đi.

Những câu chuyện tôi vừa chia sẻ có vẻ ngược với thói quen chung nhưng hy vọng những người làm việc trong ngành Giáo dục Việt Nam trăn trở, suy nghĩ xem cách mình đang dạy - đang học có còn hợp lý cho những gì sắp sửa xảy ra không? Chúng ta đã chuẩn bị cho con em mình những gì khi nhân loại đang đi thẳng đến Cách mạng công nghiệp 4.0?

Tác giả: Giáo sư Trương Nguyện Thành có bằng Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota năm 1990. Ông nhận học bổng hậu tiến sĩ từ National Science Foundation. Năm 2002, ông trở thành giáo sư chính giảng dạy môn Hóa học ở Đại học Utah. 

Năm 2017, ông tạm nghỉ và về Việt Nam làm Hiệu phó Đại học Hoa Sen, rồi Hiệu phó tại Đại học Văn Lang ở TP HCM.  Hiện ông dành thời gian tư vấn cho các tổ chức giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!