Tâm điểm
Lương Đình Hải

Hệ giá trị con người Việt Nam: Điểm nghẽn và khâu đột phá

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, một hội thảo quốc gia về "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" đã được tổ chức tại Hà Nội (ngày 29/11).

Khi nói về hệ giá trị con người hoặc về hệ giá trị Việt Nam, trong tâm thức mọi người, theo thói quen và tập quán, thường nhắc đến khía cạnh đạo đức. Điều này có lẽ do các giá trị đạo đức trong hệ giá trị con người Việt Nam có vai trò và ảnh hưởng to lớn.

Đứng ngay sau các giá trị đạo đức và rộng hơn nó là các giá trị văn hóa. Vậy thì chúng ta hiểu "hệ giá trị con người" như thế nào?

Theo tôi, đó là những phẩm chất, đặc tính, tính cách người, các nội dung, yêu cầu trong các quan hệ xã hội, thể hiện thực chất những quan hệ người (với tự nhiên, với người khác, với cộng đồng, với xã hội) được hình thành và trao truyền trong quá trình sinh tồn, phát triển có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, hữu ích, thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát các giá trị con người Việt Nam, gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay.

Tham dự hội thảo nêu trên, tôi đã lắng nghe nhiều ý kiến bàn về thực trạng cũng như các giải pháp để phát triển hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, điều mọi người đều thống nhất với nhau rằng, mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu về phát triển toàn diện con người, nhưng nguồn nhân lực vẫn là một trong những điểm nghẽn cản trở quá trình phát triển của đất nước.

Chính vì nhìn thấy điểm nghẽn này, Văn kiện Đại hội Đảng các nhiệm kỳ gần đây đã xác định một trong ba đột phá chiến lược nằm ở phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Có nhiều việc cần làm để phát triển nguồn nhân lực, trong số đó khi đã xác định được hệ giá trị con người Việt Nam thì giải pháp chính là khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển hệ giá trị này. Tiếc rằng nhiều năm qua đây là vấn đề chưa được nghiên cứu sâu, chưa được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ.

Theo tôi, nếu chúng ta không chú ý đến việc khơi dậy, phát huy các hệ giá trị con người Việt Nam thì sẽ rất khó tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực.

Chúng ta luôn nhấn mạnh vai trò chủ thể của con người, xem con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nhưng vai trò chủ thể của con người được quy định bởi các hệ giá trị mà con người mang trong mình, lại không được nói đến. Xây dựng và phát triển con người mà không nói đến xây dựng và phát huy các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là thiếu sót quan trọng, cần sớm được khắc phục.

Trên thế giới thường nói đến "sức mạnh mềm" của một quốc gia, và một trong những yếu tố quan trọng nhất hình thành sức mạnh mềm chính là văn hóa và hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người.

Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra những sản phẩm có giá trị và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp điện ảnh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái, v.v. là những ví dụ về hệ giá trị có thể tạo nên của cải vật chất. Hàn Quốc làm rất tốt việc này như chúng ta đã chứng kiến những năm gần đây.

Trong thời gian dài, Việt Nam không chú ý đến vấn đề nêu trên nên nhiều sản phẩm của nền kinh tế nước nhà không có chất lượng tốt, không thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng cần nói thêm là trong thực tế chúng ta đang gặp "khủng hoảng" hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Minh chứng rõ ràng cho điều này là sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thời gian qua.

Từ các vấn đề như vậy, có thể thấy rằng việc xác định, xây dựng và phát huy các hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam là rất cần kíp, rất quan trọng. Không chỉ giúp thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, mà còn có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Hơn nữa, xác lập và xây dựng, phát huy các hệ giá trị sẽ củng cố sự ổn định xã hội, đảm bảo an ninh con người, "giảm sốc" cho các biến động kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng… giúp con người và xã hội "vững vàng", bản lĩnh hơn, định hướng tốt hơn, hiệu quả hơn trước mọi biến động, khủng hoảng của đời sống.

Theo tôi, đã đến lúc những điểm nghẽn và bất cập về nguồn lực con người, các giải pháp cho khâu đột phá này phải được giải quyết ở tầm chiến lược, chứ không phải là sự chắp vá, ngắn hạn, phiến diện và ít hiệu quả như thời gian qua.

Động lực, nội dung cốt lõi của xây dựng và phát triển con người, khắc phục điểm nghẽn về nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay chính là xác lập, khơi dậy và phát huy các hệ giá trị con người, gia đình, cộng đồng, văn hóa và quốc gia.

Trong quá trình phát triển đất nước, sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực và hệ giá trị.

Mô hình phát triển nhanh và bền vững đất nước phải gắn kết thực sự với chiến lược xây dựng, phát triển con người, gắn kết với những nội dung về các hệ giá trị Việt, nhất là hệ giá trị con người Việt Nam.

Tác giả: PGS.TSKH Lương Đình Hải có gần 10 năm học tập tại Liên bang Nga; từng nghiên cứu tại Hội đồng Nghiên cứu triết học và giá trị ở Hoa Kỳ; ông công tác lâu năm và từng giữ cương vị lãnh đạo Viện Triết học và Viện Nghiên cứu Con người, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!