Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

Diễn biến đáng chú ý của thị trường lao động cuối năm

Tính đến hết quý III năm nay, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi và có nhiều mặt khởi sắc.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên so với quý trước. Đơn cử, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III năm 2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước (hiện đạt bình quân 6,7 triệu đồng). So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý III năm 2022 chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 30,1%, tương ứng tăng khoảng 1,6 triệu đồng.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Với đà phục hồi đó, nhìn chung tình hình lao động việc làm quý IV và cả năm 2022 sẽ là bức tranh có nhiều mảng sáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao…, nhiều đơn hàng bị cắt giảm vào thời điểm cuối năm thì thị trường lao động đang có những dấu hiệu cần chú ý.

Diễn biến đáng chú ý của thị trường lao động cuối năm - 1

Công nhân xếp hàng chờ xe khách về quê tại quốc lộ 13, đoạn qua địa phận TP Thủ Dầu Một, Bình Dương (Ảnh: A.X).

Báo chí phản ánh những ngày qua, dọc quốc lộ 13, đoạn đi qua TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) xuất hiện nhiều nhóm thanh niên mang theo hành lý đứng chờ đón xe khách về quê. Họ chủ yếu là công nhân ở miền Bắc, miền Trung vào Bình Dương mưu sinh. Công ty cắt giảm lao động, họ mất việc dịp cận Tết nên khó tìm việc mới, buộc lòng phải về quê.

Trên địa bàn TPHCM, vì không có đơn hàng sản xuất, công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) vào đầu tháng 11 đã có thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân.

Trên đây có thể chưa phải là xu hướng phổ biến, vì theo thống kê của ngành lao động TPHCM thì tính đến nay, toàn địa bàn có 27 doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động vì nhiều lý do. Số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm lao động như vậy đang ở mức thấp so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, hiện tượng trên cần theo dõi sát, vì thông thường mọi năm hình ảnh công nhân đón xe về quê chỉ xuất hiện vào dịp 29-30 tháng Chạp, năm nay còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán song dòng công nhân đã đổ về quê khá đông.

Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với độ mở nền kinh tế hơn 200% GDP. Điều này đồng nghĩa rằng kinh tế toàn cầu "nóng" hay "lạnh" đều ảnh hưởng đến chúng ta.

Kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam mạnh hơn khi xuất hiện những cú sốc, những biến động bất thường trên thị trường. Điều này đặc biệt đúng với việc phần lớn doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoạt động trong những lĩnh vực thâm dụng lao động cao. Nhiều khu công nghiệp được thành lập, nhiều nhà máy được xây dựng và khi các công ty trong chuỗi giá trị toàn cầu gia tăng hay thu hẹp sản xuất thì chắc chắn ít nhiều tác động đến thị trường lao động trong nước.

Nhìn tổng quan, kinh tế Việt Nam thời gian qua đã duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao; có những năm xuất khẩu tăng trưởng 20-22%. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đã vượt 500 tỷ USD. Điều này khiến lực lượng lao động nhiều khi thiếu hụt, cung không đáp ứng cầu lao động nhất là giai đoạn doanh nghiệp tăng đơn hàng dịp cuối năm, thời điểm người dân các nước mạnh tay tiêu dùng.

Tuy vậy, kinh tế thế giới đang trải qua những cú sốc với diễn biến phức tạp; xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn dòng lưu chuyển hàng hóa trên thị trường quốc tế, đặc biệt là nông sản, nguyên nhiên liệu thô… Nhiều chuyên gia phân tích, vì đứt gãy chuỗi cung cấp mà một số quốc gia, tập đoàn phải điều chỉnh chiến lược. Trước đây họ có thể ưu tiên đặt nhà máy ở những vùng có phí gia công thấp, chấp nhận công xưởng nằm xa so với thị trường tiêu thụ. Nay, rút kinh nghiệm từ sự cố đứt gãy vừa rồi, họ điều chỉnh chuỗi cung ứng theo hướng đưa sản xuất đến gần thị trường hơn. Sự điều chỉnh chiến lược này có thể ảnh hưởng đến sản xuất ở các công xưởng lâu nay như Trung Quốc, Việt Nam…, sản lượng xuất đi Mỹ, châu Âu từ các nhà máy thuộc khối FDI đối với một số mặt hàng có thể giảm dần.

Biến động tỷ giá, lạm phát, lãi suất tăng, dự báo kinh tế ảm đạm khiến người dân nhiều nước buộc phải thắt chặt chi tiêu, lượng hàng hóa tồn kho tăng và các hãng cắt giảm sản xuất.

Trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn đã phải cắt giảm sâu đến 50% nhân viên, những người ở lại làm việc buộc chấp nhận giảm lương, thậm chí làm việc không lương và tập đoàn đóng BHXH, hoặc làm thủ tục nghỉ việc để nhận tiền thất nghiệp. Đây là một thực tế. Như đã nói ở trên, kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn nên không thể đứng ngoài thực tế đó, vấn đề chỉ là mức độ ảnh hưởng đến đâu và sức chống chịu ra sao.

Đây là lúc các cơ quan ở địa phương cần bám sát tình hình sản xuất, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp cũng như công nhân; đặc biệt cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo doanh nghiệp nào sa thải công nhân phải làm đúng luật; đảm bảo người lao động bị mất việc do công ty thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh (do không có đơn hàng) sẽ được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định, như là trợ cấp mất việc (Điều 42 Bộ luật Lao động 2019), trợ cấp thất nghiệp (Điều 50 Luật Việc làm 2013).

Địa phương cũng cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ việc làm thông qua hoạt động hướng nghiệp, đào tạo và đào tạo lại tay nghề phù hợp với nhu cầu thị trường.

Về lâu dài, thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế đã được vạch ra, Việt Nam cần phát triển mạnh các doanh nghiệp sản xuất nội địa, phát triển thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường hơn nữa và giảm phụ thuộc vào khu vực FDI.

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" hồi tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 9 nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động; trong đó có vấn đề tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Đây là những định hướng quan trọng để phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thời gian tới. Việc thúc đẩy tạo việc làm bền vững là hướng đi cần thiết trước các biến động phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới hiện nay cũng như đưa Việt Nam tránh "bẫy" lao động giá rẻ.

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!