KTSVN cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

Tiến Thịnh

(Dân trí) - KTSVN cùng doanh nghiệp đưa sản phẩm lên hệ thống kinh doanh trực tuyến, giúp giảm chi phí vận hành và giảm thiểu rủi ro.

Ngày 8/11, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Gia Lai đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS (KTSVN), Viện Nghiên cứu sức khỏe và phát triển giáo dục Tây Nguyên để tổ chức Hội thảo tập huấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp tỉnh Gia Lai.

Tham dự chương trình có đại diện các sở, ban, ngành và hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến với hội nghị, các doanh nghiệp mong muốn được tư vấn, tìm hiểu thêm chuyển đổi số nhằm đưa các sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài nước nhanh và hiệu quả, đồng thời giảm các chi phí vận hành.

KTSVN cùng doanh nghiệp chuyển đổi số - 1

Hội thảo tập huấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp đến tham gia (Ảnh: Phạm Hoàng).

Xuất phát từ những nhu cầu của doanh nghiệp, KTSVN đã xây dựng một nền tảng tích hợp 4 nhóm tính năng chính là mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, chat OTT, trình duyệt tìm kiếm và trang quản trị doanh nghiệp.

Đây nền tảng công nghệ "Make in Vietnam" nhằm giúp cho hàng trăm doanh nghiệp trong nước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên thị trường kinh doanh số.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KTSVN - cho biết, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp theo quy trình của KTSVN sẽ tích hợp công nghệ số vào quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. Mục tiêu chính của quy trình này là đưa các sản phẩm không chỉ đến với khách hàng trong 63 tỉnh thành mà còn cạnh tranh với các sản phẩm trên thế giới nhờ một thị trường điện tử được KTSVN xây dựng.

KTSVN cùng doanh nghiệp chuyển đổi số - 2

Ông Hoàng Văn Ngọc - Chủ tịch, sáng lập viên KTSVN - chia sẻ tại buổi tập huấn (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Với việc chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ giảm rất nhiều các chi phí về vận hành, đầu tư xây dựng hệ thống, quảng cáo…. KTSVN cũng xây dựng ra nhiều chức năng như mạng xã hội để các doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin về sản phẩm với khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả, giảm chi phí đi lại, giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, làm hài lòng khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường", ông Ngọc cho hay.

Theo nhà phát triển phần mềm, hệ thống cũng tạo sự kết nối giữa cơ quan quản lý hành chính Nhà nước với các doanh nghiệp trên địa bàn để sự trao đổi về các ưu đãi, tình hình hoạt động kinh doanh, các chiến lược phát triển doanh nghiệp.

KTS mong muốn được hỗ trợ miễn phí các doanh nghiệp địa phương trong công tác đào tạo, hướng dẫn chuyên sâu cho lực lượng tham gia vào quá trình thực hiện chuyển đổi số, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nhanh chóng, thành công.

KTSVN cùng doanh nghiệp chuyển đổi số - 3

KTSVN đã xây dựng nền tảng nhằm đưa các sản phẩm của doanh nghiệp rộng khắp 63 tỉnh thành và cạnh tranh trên thị trường thế giới nhờ một sàn giao dịch thương mại điện tử (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trao đổi với báo Dân trí, TS. Phùng Thị Kim Huệ - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu sức khỏe và phát triển giáo dục Tây Nguyên - chia sẻ: "Viện sẽ là đơn vị hỗ trợ phối hợp với KTSVN để triển khai thực hiện công tác đào tạo nhân lực số cho các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan ban ngành và là đơn vị kết nối giữa các tổ chức đơn vị để hỗ trợ doanh nghiệp cùng hướng đến phát triển bền vững".

Ông Hồ Kỳ Huy - Phó giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà - cho biết: "Là một doanh nghiệp trà lâu đời trên địa bàn tỉnh nhưng chúng tôi cũng chỉ buôn bán theo hình thức truyền thống. Những năm gần đây, chúng tôi cũng quảng bá trên mạng xã hội nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Chính vì vậy, chúng tôi rất muốn tham gia để cùng chuyển đổi số trong kinh doanh, sản xuất, đưa sản phẩm ra khắp cả nước thông qua sàn thương mại điện tử".

KTSVN cùng doanh nghiệp chuyển đổi số - 4

TS. Phùng Thị Kim Huệ (áo xanh) đang trao đổi cùng với các doanh nghiệp về việc hỗ trợ để phát triển các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Gia Lai, cho rằng việc chuyển đổi số đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài việc bán hàng truyền thống cũng bán qua mạng xã hội. Do đó, trước nhu cầu của sự bùng nổ công nghệ, Sở đã phối hợp cùng KTSVN để định hình, tập huấn và hướng dẫn cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. "Ban đầu sẽ có khoảng 5 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản rồi nhân rộng khắp cả tỉnh", ông Quế nói.

KTSVN cùng doanh nghiệp chuyển đổi số - 5

Chuyển đổi số đang khá mới mẻ với các nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Ảnh: Phạm Hoàng).